Mang kiến thức phòng bệnh đến tận nhà dân

17/04/2019 | 07:56 GMT+7

Chiến dịch Tổng vệ sinh môi trường diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng chống bệnh sốt xuất huyết, bệnh do vi-rút zika, bệnh tay - chân - miệng đợt 1, năm 2019 được thực hiện đồng loạt trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực thay đổi ý thức của người dân về thực hành phòng bệnh.

Kiểm tra lăng quăng trong dụng cụ chứa nước tại nhà dân ở ấp Xẻo Cao, xã Thạnh Xuân.

Huyện Châu Thành A, những tháng đầu năm nay tình hình dịch bệnh tay - chân - miệng và bệnh sốt xuất huyết đều có diễn biến tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước nên chiến dịch lần này được các xã, thị trấn vào cuộc quyết liệt. Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng trạm Y tế xã Thạnh Xuân, cho biết: “Tại tất cả các ấp, cán bộ ấp phối hợp với cán bộ y tế thành lập đoàn đến vãng gia tại nhà hộ dân. Kiểm tra điều kiện vệ sinh môi trường xung quanh nhà và kiểm tra các dụng cụ chứa nước có lăng quăng hay không. Những dụng cụ nào chứa nước có lăng quăng, chúng tôi vận động người dân đổ để diệt lăng quăng phòng bệnh”.

Trong khi đi đến các gia đình, cán bộ ấp cũng cung cấp các thông tin về tình hình dịch bệnh, cách phòng bệnh và phát tờ rơi cho người dân. Bà Cao Thị Hoa, cộng tác viên y tế ấp Xẻo Cao, nói: “Tôi kiểm tra và hỏi xem người dân đã biết gì về bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay - chân - miệng, cung cấp tờ rơi cho các gia đình có trẻ nhỏ và hướng dẫn người dân phòng bệnh sốt xuất huyết bằng cách diệt lăng quăng, đậy kín dụng cụ chứa nước và thường xuyên giữa vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở, rửa tay thường xuyên với xà phòng đúng cách để phòng bệnh tay - chân - miệng”.

Trong 3 ngày (từ ngày 8 đến 10-4), bà Hoa đã đi vận động, tuyên truyền và hầu hết người dân trong ấp đã có được kiến thức về hai bệnh trên. Bà Trần Thị Kim Ênh, 69 tuổi, chia sẻ: “Trước giờ, tưởng nước cây nước bơm lên sẽ không có lăng quăng, nhưng cán bộ đến kiểm tra thấy có, gia đình đã đồng tình đổ lu nước có lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết và sau này lưu ý đậy kín”. Đó là suy nghĩ của bà Ênh, còn chị Nguyễn Thị Thanh, có con 7 tuổi, bảo: “Cô Hoa đến nhà tuyên truyền và phát cho mình tờ rơi để xem về bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng. Thường ngày tôi đã được nghe về hai bệnh này, có thêm tờ hướng dẫn càng hiểu rõ hơn để phòng bệnh”.

Những tháng đầu năm nay, bệnh tay - chân - miệng đã ghi nhận 12 cas, tăng 7 cas so với cùng kỳ năm 2018 và bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 21 cas, tăng 19 cas so với cùng kỳ năm 2018 ở huyện Châu Thành A. Đây là một trong những địa bàn có diễn biến dịch bệnh tăng cao trong những tháng qua của tỉnh. Ông Trần Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, cho biết: “Hoạt động truyền thông, tổng vệ sinh môi trường phòng bệnh được chỉ đạo tăng cường trong chiến dịch. Không chỉ là ở cộng đồng mà tại các điểm trường, cơ quan, đơn vị. Các xã, thị trấn tuyên truyền trên loa phát thanh, băng rôn, tờ rơi và tuyên truyền trực tiếp khi vãng gia tại hộ dân. Thực hiện chiến dịch nhằm giúp huyện khống chế không để gia tăng dịch bệnh trong thời gian tới”.

Theo ông Trương Tỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bệnh sốt xuất huyết, bệnh do vi-rút zika là hai bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi gây ra, rất dễ bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Một khi bệnh xảy ra dịch sẽ rất khó khống chế do sự lưu hành của muỗi trên địa bàn tỉnh rất phổ biến. Muốn diệt muỗi cần thực hiện hiệu quả việc diệt các ổ chứa lăng quăng, nhưng điều này khá khó khăn do các ổ lăng quăng rất nhiều và rất đa dạng. Muốn thực hiện diệt muỗi, diệt lăng quăng hiệu quả, ngoài sự vào cuộc của các cấp chính quyền và ban, ngành, đoàn thể, cần có sự tham gia thường xuyên, tích cực của mọi người, mọi nhà. Thông qua chiến dịch truyền thông này, đã có sự tham gia tích cực của chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội và người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh. Qua đó, thay đổi hành vi và tạo thói quen của từng người dân và cộng đồng.

Ông Trương Tỷ cho biết thêm: “Những tháng đầu năm 2019, các bệnh nguy hiểm và mới nổi như cúm A (H7N9), cúm A (H5N6), Ebola, MERS-CoV… vẫn ghi nhận rải rác tại một số nước trên thế giới, tuy nhiên cho tới nay Hậu Giang chưa ghi nhận các loại dịch bệnh xâm nhập này. Riêng tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay - chân - miệng trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng. Cụ thể, đến ngày 11-4, ghi nhận 86 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 145,7% so với cùng kỳ năm 2018 và 118 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng, tăng 103,4%. Dự báo trong những tháng tới, nhất là mùa mưa tạo điều kiện thuận lợi cho  muỗi sinh sản, bệnh sốt xuất huyết có thể gia tăng đột biến đối với địa phương có môi trường kém vệ sinh, chưa quyết tâm phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, là những nơi có ổ dịch cũ môi trường ô nhiễm, kém vệ sinh, không thu gom dụng cụ chứa nước, công trình dở dang,… Vì vậy, để chủ động phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh mùa hè, đề nghị các cấp chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Tiếp tục huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và vận động người dân thực hành thường xuyên vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng phòng chống sốt xuất huyết với mục tiêu không để dịch bùng phát, lan rộng... Đồng thời, ngành y tế cũng sẽ giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao, duy trì mạng lưới cộng tác viên ở các xã, phường trọng điểm về dịch bệnh, với mục tiêu phát hiện sớm, xử lý dịch kịp thời không để dịch lan rộng, giảm số mắc và tử vong do một số bệnh truyền nhiễm lưu hành. Sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với những dịch bệnh mới nổi, xâm nhập nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong”.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>