Men gan tăng: Cảnh báo điều gì ?

25/10/2017 | 08:13 GMT+7

Men gan do tế bào gan sản xuất ra, mỗi khi tế bào gan bị chết đi do lão hóa thì có một lượng men gan được phóng thích ra ở nồng độ dưới 40U/L. Nếu chỉ số này cao hơn có nghĩa là bạn bị tăng men gan. Sự tăng các men gan này phản ánh tình trạng tổn thương tế bào gan, để giúp quý độc giả hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với BSCKI. Phan Ngọc Bình, Trưởng Khoa nhiễm - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang.

Mọi người nên đi khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm bệnh tăng men gan nếu có. Ảnh: HỒNG DIỄM

Bác sĩ có thể cho biết có những nguyên nhân nào dẫn đến tăng men gan ?

- Gan của con người sản xuất ra nhiều loại men, bao gồm AST (Aspartate aminotransferase) có nồng độ là < 37U/L; ALT (Alanine aminotransferase) có nồng độ là < 40U/L; GGT (Gamma Glutamyl transferase) có nồng độ là < 50U/L ở nam và < 30U/L ở nữ; Phosphatase kiềm (Alkalin phosphatase: ALP) có nồng độ từ 30-85U/L. Trong đó AST và ALT là 2 loại thường sử dụng nhất để đánh giá tăng men gan.

Men gan tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó viêm gan là nguyên nhân thường gặp nhất. Nồng độ của men gan thường tăng tỷ lệ thuận với mức độ viêm gan. Tuy nhiên, có những trường hợp viêm gan rất nặng nhưng nồng độ men gan trong máu tăng không tương xứng.

Viêm gan do nhiều nguyên nhân như: Một số loại thuốc điều trị bệnh có tác hại tới gan, rượu bia, độc chất,… Phổ biến nhất ở nước ta hiện nay là do siêu vi trùng gây ra. Các nhà khoa học đã chỉ ra 6 loại siêu vi trùng gây viêm gan gồm: A, B, C, D, E, G. Hầu hết các siêu vi trùng đều gây viêm gan cấp tính. Trong đó, viêm gan do siêu vi A và E thường tự khỏi, còn viêm gan do siêu vi B, C và D có thể diễn tiến kéo dài thành viêm gan mãn tính dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan. Ngoài ra một số siêu vi khác cũng gây viêm gan, như Cytomegalovirus (CMV), siêu vi Herpes, siêu vi Epstein - Barr,... nhưng ảnh hưởng của các siêu vi này đối với gan thường không nghiêm trọng.

Nguyên nhân khác gây tăng men gan như: Nhiễm trùng huyết, ung thư gan, viêm tụy, ung thư đầu tụy, tắc nghẽn đường mật do giun, sỏi, nhồi máu cơ tim,…

Khi men gan tăng có những triệu chứng gì, thưa bác sĩ ?

- Đa số các trường hợp men gan tăng người bệnh hầu như không có triệu chứng gì, nếu không đi xét nghiệm thì không phát hiện được. Triệu chứng chỉ xuất hiện khi men gan tăng cao gấp nhiều lần so với bình thường. Tuy nhiên, chỉ xuất hiện ở một số ít trường hợp. Nếu có triệu chứng thì người bệnh chỉ thấy hơi đau tức ở vùng gan, mệt mỏi, uể oải, bụng hơi chướng nhẹ, ăn khó tiêu, chán ăn.

Mặt khác, có nhiều trường hợp dù bị men gan rất cao nhưng không có các triệu chứng lâm sàng, người bệnh vẫn lao động, học tập bình thường. Vì không có triệu chứng nên người bệnh chủ quan, không đi khám, không có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý, vẫn uống rượu, bia,... làm cho bệnh càng có cơ hội nặng hơn ở giai đoạn tiếp theo. Nếu người bệnh chủ quan và không được chữa trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến các biến chứng khó lường cũng như sẽ bỏ qua “thời gian vàng” để điều trị các bệnh lý nghiêm trọng khác về gan như: Viêm gan mãn, xơ gan, ung thư gan.

Vậy khi men gan tăng sẽ có hậu quả gì, thưa bác sĩ ?

- Khi men gan tăng phản ánh tình trạng tế bào gan đang bị tổn thương, gan đang bị viêm. Nếu không phát hiện kịp thời thì tình trạng viêm, hoại tử tế bào gan vẫn tiếp diễn làm cho tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng hơn và gây viêm gan mãn tính dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan. Ngược lại khi phát hiện tình trạng tăng men gan sớm thì chúng ta tìm nguyên nhân gây tăng men gan để có biện pháp điều trị thích hợp.

Thưa bác sĩ, để phòng tăng men gan, chúng ta phải làm gì ?

- Để phòng tránh các bệnh gây tăng men gan, chúng ta cần đi khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng hay 1 năm để theo dõi và phát hiện sớm các trường hợp tăng men gan nhằm chẩn đoán và điều trị đúng cách để hạn chế tình trạng viêm gan mãn tính có thể dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan sau này.

Đối với các bệnh viêm gan siêu vi như viêm gan do siêu vi A và B có thể dự phòng và điều trị được, viêm gan siêu vi C điều trị khỏi, chúng ta cần xét nghiệm phát hiện sớm, nếu chưa nhiễm bệnh thì đi tiêm ngừa dự phòng (viêm gan siêu vi A và B), nếu phát hiện bị nhiễm nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị thích hợp. Ngoài ra không lạm dụng thuốc nhất là các loại kháng sinh, giảm đau, kháng viêm và cũng cần thận trọng khi sử dụng thuốc ngay cả các loại thực phẩm chức năng và thảo dược, thuốc nam, thuốc bắc trong thời gian kéo dài. Đặc biệt, khi uống rượu bia nhiều không nên uống chung với paracetamol để chống say rượu vì có thể gây tăng độc tính đối với gan. Ăn uống điều độ, không ăn quá nhiều thức ăn ngọt và dầu mỡ, hạn chế ăn các loại thức ăn nhanh, thức ăn đóng gói để giảm béo phì và tình trạng gan nhiễm mỡ, tăng cường hoạt động thể dục thể thao,...

  • Nếu phát hiện trong gia đình có người bị tăng men gan, các thành viên còn lại nên đ khám sức khỏe để tầm soát sớm bệnh để điều trị kịp thời.

Xin cảm ơn bác sĩ !

BÁ PHÁT thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>