Nâng cao chất lượng dân số

15/09/2017 | 08:32 GMT+7

Năm nay, Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ, chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số được huyện Long Mỹ rất quyết tâm. Đặc biệt là vận động cộng đồng cùng tham gia để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Các cộng tác viên dân số huyện Long Mỹ đều nắm sát địa bàn, chú trọng khâu tuyên truyền chiến dịch.

Nâng cao chất lượng

Việc nâng cao chất lượng dân số được chú trọng thực hiện bằng nhiều giải pháp như “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”; “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”; nâng cao vai trò của gia đình trong việc giáo dục sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên và thanh niên... Theo đó, các cộng tác viên nắm rõ đối tượng thanh niên trong độ tuổi, khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho họ tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn. Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Hoa, ở ấp 6, xã Xà Phiên, trước khi kết hôn 3 tháng chị được tư vấn đi khám tiền hôn nhân để biết tình trạng sức khỏe. Vì vậy mà vợ chồng chị biết mình khỏe mạnh, sinh được một đứa con bụ bẫm. Nhân dịp chiến dịch lần này, chị tham gia đặt vòng tránh thai để yên tâm, chăm lo cho con đầy đủ.

Ở xã Lương Nghĩa cũng có nhiều chị em người dân tộc Khmer cũng quan tâm công tác chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân. Trước khi quyết định lập gia đình, sinh con, các cặp gia đình cũng đi khám sức khỏe. Nhờ ý thức của người dân nâng lên mà năm trước và năm nay, xã Lương Nghĩa đều dẫn đầu trong thực hiện các chỉ tiêu trong chiến dịch. Cán bộ dân số xã Lương Nghĩa Lâm Thị Tho cho hay: “Nhờ UBND và Đảng ủy xã triển khai đồng loạt chương trình, cùng sự chỉ đạo của trưởng ấp, bí thư ấp đi đến tận nhà dân tuyên truyền nên xã luôn đạt kết quả cao. Năm nay, xã được giao 1 cas khám tiền hôn nhân nhưng thực hiện được 2 cas, đạt 200% kế hoạch”.

Xã hội hóa từ cộng đồng

Phó trưởng Phòng Y tế huyện Long Mỹ Trần Thị Lệ Hiếu cho biết: “Năm nay, thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên là đẩy mạnh công tác củng cố cộng đồng trong chiến dịch. Vì vậy, ngoài số kinh phí thực hiện chiến dịch, chúng tôi vận động các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường sự tham gia của cộng đồng, tăng hiệu quả thành công cho chiến dịch”.

Để nâng cao chất lượng dân số thì sự tham gia, đồng hành của các tổ chức là rất quan trọng. Sự đồng hành này đã góp phần giúp cho nhiều chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhận sự hỗ trợ thiết thực trong cuộc sống. Cũng nhờ làm tốt công tác này mà xã Lương Nghĩa năm 2016 về nhất trong chiến dịch. Năm nay cũng vậy, tổng số tiền cho chiến dịch là 20 triệu đồng, trong đó xã hội hóa được 11 triệu đồng đã góp phần giúp thành công chiến dịch và làm thay đổi trong hoạt động dân số ở địa phương.

Bên cạnh đó, xã còn vận động sự tham gia tích cực của người dân trong việc tiếp thị thành công các sản phẩm của chiến dịch. Nhiều trường hợp chị em đã tự nguyện thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình mà không cần kinh phí nhà nước hỗ trợ. Chị Bùi Thị Phụng, ở ấp 7, xã Lương Nghĩa là một minh chứng cụ thể. Chị Phụng cho hay: “Ba năm trước, tôi thực hiện biện pháp tránh thai là cấy thuốc khá hiệu quả. Bây giờ, tôi tiếp tục sử dụng biện pháp này. Với số tiền 900.000 đồng chi trả cho dịch vụ, tôi nghĩ không đắc”. Nhờ chị Phụng mà trong chiến dịch năm nay, có thêm 5 chị em khác tham gia vì nhận thấy hiệu quả của biện pháp tránh thai này.

Ở xã Xà Phiên cũng rất quan tâm nâng cao chất lượng, thực hiện chỉ tiêu chiến dịch. Ông Huỳnh Văn Đô, Trưởng Ban chỉ đạo chiến dịch xã, cho biết: “Năm rồi, xã thực hiện kém ở chỉ tiêu thuốc cấy do kinh phí hỗ trợ không có. Vì vậy, năm nay chúng tôi tăng cường vận động xã hội hóa, tham mưu UBND xã đẩy mạnh chỉ đạo, hỗ trợ. Nhờ vậy mà năm nay 7 chỉ tiêu thuốc cấy tránh thai đều đạt”.

Có thể nhận thấy, tuyên truyền vận động được xác định là một trong những công tác trọng tâm. Nhờ sự chỉ đạo sâu sát mà ban chỉ đạo các xã phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền vận động đạt kết quả. Chiến dịch năm nay, có hơn 8.000 cặp vợ chồng trong diện tuổi sinh đẻ ở huyện Long Mỹ tham gia thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình; hơn 10.000 lượt người được tư vấn, nâng cao kiến thức về sinh sản và được khám bệnh trong chiến dịch. “Có được kết quả đó là nhờ chiến dịch được ra quân đồng loạt, sự quan tâm của cấp trên và của lãnh đạo huyện. Dù chiến dịch đã kết thúc, nhưng chúng tôi vẫn quan tâm khâu tuyên truyền để tiếp tục vận động cả cộng đồng cùng tham gia, giúp cho chất lượng dân số tăng mà cuộc sống cũng ngày càng thay đổi”, Phó trưởng Phòng Y tế huyện Long Mỹ Trần Thị Lệ Hiếu nhấn mạnh.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>