Nguy cơ lây bệnh tay - chân - miệng ở các khu vui chơi trẻ em

10/10/2017 | 08:34 GMT+7

Khu vui chơi dành cho trẻ em là địa điểm sinh hoạt tập thể được ngành y tế nhận định có nguy cơ lây truyền bệnh tay - chân - miệng, nhất là khi dịch bệnh gia tăng như hiện nay. Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp phòng bệnh này ở các điểm vui chơi chưa được quan tâm nhiều.

Khu vui chơi trẻ em cần được quan tâm tuyên truyền, thực hiện các giải pháp phòng lây bệnh tay - chân - miệng.

Bỏ ngỏ

Là chủ của hai khu vui chơi dành cho trẻ em với các trò như đu quay ngựa, nhà banh, nhà hơi, xe lửa,… một điểm ở thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A và một điểm ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, nhưng bà T.H.N. chưa biết gì về thực hiện vệ sinh phòng bệnh tay - chân - miệng ở khu vui chơi của mình. Bà N. chia sẻ: “Chắc do mình chỉ đến điểm vui chơi vào lúc chiều tối nên cán bộ y tế không đến để tuyên truyền được. Trước giờ cũng chưa được ai đến điểm vui chơi tuyên truyền phòng bệnh tay - chân - miệng cả”.

Trao đổi với phóng viên về việc thực hiện vệ sinh các dụng cụ vui chơi của trẻ, bà N. nói: “Hàng ngày, mình quét dọn và lấy đồ lau lau cho sạch bụi bẩn. Nếu mưa vài ngày dơ do sình văng lên thì lấy vòi nước xịt rồi rửa”. Tuy nhiên, dụng cụ này chưa được rửa thường xuyên bằng xà phòng hay một loại hóa chất diệt khuẩn nào, cloramin B thì chưa hề có. Trong khi, khu vui chơi thu hút không ít trẻ đến chơi mỗi ngày và nguy cơ lây bệnh lẫn nhau luôn có thể.

Còn khu vui chơi của gia đình bà T.T.H., điểm trước Trung tâm Văn hóa tỉnh, ở phường I, thành phố Vị Thanh, dù đã được hướng dẫn và cấp cloramin B để rửa đồ chơi, nhưng việc vệ sinh chưa thường xuyên. Bà H. kể: “Khoảng một tuần hay mười bữa gì mới rửa một lần. Cán bộ y tế có hướng dẫn mình pha thuốc. Bệnh tay - chân - miệng nghe nói nhưng chưa thấy nên chưa biết”. Theo khuyến cáo của ngành y tế thì một tuần nên vệ sinh dụng cụ, đồ chơi của trẻ 2 lần. Ngoài khu vui chơi ở đây, trên địa bàn phường I còn có khu vui chơi tại nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh, khu vui chơi cho trẻ ở Siêu thị Co.opMart. Theo cán bộ y tế phường, điểm vui chơi ở siêu thị chưa tiếp cận để tuyên truyền được.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Đặng Thu Kiền, Trưởng trạm Y tế phường I, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Công tác tuyên truyền, cấp cloramin B đã được chỉ đạo thực hiện, vấn đề khó khăn hiện nay là công tác kiểm tra, giám sát xem các chủ dịch vụ có làm và làm đúng hay không. Nguyên nhân là nguồn nhân lực y tế mỏng, chủ yếu làm việc giờ hành chính, còn khu vui chơi hoạt động từ chiều tới khuya. Mà nếu có làm vệ sinh bằng cloramin B phải đợi các em nghỉ chơi hết mới làm, vì vậy trễ quá không có người đi giám sát được”.

Cần tăng cường tuyên truyền, giám sát

Thành phố Vị Thanh đang chỉ đạo quyết liệt để triển khai phòng, chống nguy cơ lây bệnh tay - chân - miệng ở các điểm vui chơi. Ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh, cho hay: “Thành phố đã triển khai cho tất cả các xã, phường có khu vui chơi của trẻ em phải quan tâm tuyên truyền và cấp cloramin B và hướng dẫn cơ sở sử dụng đúng. Mấy năm trước, khi dịch bệnh tay - chân - miệng gia tăng việc cấp cloramin B cho các điểm vui chơi cũng đã được chỉ đạo thực hiện. Những năm gần đây bệnh giảm nên không cấp cho các điểm này, nhưng bây giờ thành phố dịch bệnh tay - chân - miệng tăng nhiều nên sẽ thực hiện trở lại”. Thành phố đang nỗ lực làm mọi cách để khống chế không để bệnh phát triển thành dịch lớn. Hiện tại, thành phố Vị Thanh có số cas bệnh tay - chân - miệng cao nhất tỉnh với 123 cas, tăng 50 cas so với cùng kỳ năm 2016.

Mới đây, tại hội nghị triển khai kế hoạch chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay - chân - miệng, bệnh sốt xuất huyết, bệnh do vi-rút zika đợt 3 của thành phố Vị Thanh, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt vấn đề này. Theo lời ông Tuấn, trước tiên phải tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Khu vui chơi ở địa bàn xã, phường nào thì xã, phường đó chịu trách nhiệm quản lý, tuyên truyền và kiểm tra, giám sát. Tuyên truyền cho hộ gia đình biết tránh tiếp xúc phòng bệnh. Khi các em vui chơi xong thì vệ sinh và kiểm tra để trẻ em được vui chơi an toàn không bị lây bệnh tay - chân - miệng.

Khẳng định là không thiếu cloramin B để cấp cho các điểm dịch vụ này, ông Trương Tỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho rằng: “Nguy cơ lây bệnh ở đây là có thể nếu có trẻ bị bệnh đến chơi. Việc quan tâm cấp cloramin B hay không là tùy vào mỗi địa phương. Riêng thành phố Vị Thanh dịch bệnh tăng cao dù đã làm rất nhiều giải pháp. Đối tượng mắc bệnh là trẻ em dưới 5 tuổi nên cần nắm chặt đối tượng để tuyên truyền. Bệnh chủ yếu lây qua đường tiêu hóa, qua tiếp xúc trực tiếp, bỏng nước, chơi chung dụng cụ, đồ chơi. Bệnh tay - chân - miệng không có thuốc trị, không có thuốc phòng ngừa nên phải thực hiện biện pháp phòng ngừa, như ăn sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh đồ chơi. Đồng thời, duy trì truyền thông, giám sát, kiểm tra vệ sinh”.

So với bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay - chân - miệng rất khó phòng. Hiện nay, dịch bệnh đang diễn biến tăng trên địa bàn tỉnh. Sau khi tỉnh thực hiện chiến dịch đợt 3 phòng chống dịch bệnh tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, bệnh do vi-rút zika, tuần qua bệnh tay -chân - miệng vẫn tăng. Cả tỉnh có 25 cas bệnh, tăng 8 cas so với tuần trước. Tổng số cas bệnh từ đầu năm đến nay đã là 453 cas, tăng 73 cas so với cùng kỳ năm 2016.

 

Bài, ảnh: TRÀ MI

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>