Nhiều kết quả, nhưng lắm thách thức

08/08/2017 | 08:15 GMT+7

Thời gian diễn ra Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số năm 2017 là từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 8, tuy nhiên, qua nửa chặng đường nhiều chỉ tiêu cả chiến dịch đã đạt và vượt. Song vẫn còn những chỉ tiêu cần sự nỗ lực hết mình trong nửa chặng đường còn lại mới có thể hoàn thành.

Đợt 1 chiến dịch đã có hàng chục nghìn người dân đi thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.

Vượt chỉ tiêu kế hoạch hóa gia đình

Kết thúc đợt 1 chiến dịch, diễn ra trong tháng 7, hầu hết các huyện, thị, thành thực hiện chỉ tiêu vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đây là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị. Trong đó, tuyên truyền vận động là một trong những nhân tố quyết định quan trọng đến thành công của chiến dịch dân số. Vì vậy, hoạt động này được các địa phương đặc biệt chú trọng thực hiện hiệu quả. Ông Huỳnh Ngọc Trương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Đến hết đợt 1, kết quả đạt được khả quan một phần là nhờ công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện sâu, rộng. Chúng tôi đã chỉ đạo cho Đài Truyền thanh thị xã và các xã, phường thông tin rõ ràng và thời gian kéo dài hơn nhằm để người dân nắm được thông tin thực hiện chiến dịch. Nhờ kết hợp giữa đầu tư ngân sách và vận động xã hội hóa nên chiến dịch đạt hiệu quả cao. Việc xã hội hóa các gói dịch vụ cũng nhờ quan tâm tuyên truyền, vận động mà mạnh thường quân và đối tượng cùng đóng góp. Riêng kinh phí đầu tư cho chiến dịch từ ngân sách trên 400 triệu đồng”. Tổng các biện pháp tránh thai hiện đại thị xã Long Mỹ thực hiện đến cuối tháng 7 là trên 7.200 người, đạt 109% kế hoạch, cao nhất tỉnh.

Hoạt động tuyên truyền, vận động cũng được đặc biệt quan tâm ở huyện Châu Thành, bà Đặng Thị Đây, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Châu Thành, cho biết: “Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh trước và trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch. Huyện đã treo trên 120 băng rôn, pano,… ở các xã, thị trấn, nơi đông dân cư. Đồng thời, phát băng đĩa, phát thanh tuyên truyền tại các điểm làm dịch vụ, phát thanh hơn 318 lượt,…”. Qua đó, đã có hàng nghìn người dân hưởng ứng chiến dịch, huyện đã có trên 7.500 người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.

Chiến dịch dân số hàng năm luôn được các địa phương chuẩn bị ngay từ sớm. Ông Trần Thanh Tiền, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Long Mỹ, nói: “Qua kết quả điều tra dân số năm 2016, cộng tác viên dân số đã nắm lại đối tượng chưa thực hiện các biện pháp tránh thai. Khi chiến dịch diễn ra đã có đối tượng trong tay để thực hiện”. Đến thời điểm này tổng các chỉ tiêu thực hiện kế hoạch hóa gia đình của huyện đạt 103%.

Ngoài công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức cung cấp dịch vụ,… thì công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo được ban chỉ đạo các cấp đặc biệt quan tâm. Việc chỉ đạo chiến dịch đi sâu vào trọng tâm, so với những năm trước tích cực hơn rất nhiều. Có được sự chỉ đạo sâu sát của ban chỉ đạo là thuận lợi quan trọng để các địa phương hoàn thành tốt chỉ tiêu đề ra. Kết thúc chiến dịch đợt 1, cả tỉnh có trên 67.000 người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, đạt 103% kế hoạch cả chiến dịch.

Khó gói nâng cao chất lượng dân số

Thành tựu đáng phấn khởi nhưng nhiều khó khăn, bất cập cũng đặt ra sau nửa chặng đường diễn ra chiến dịch dân số, đặc biệt là gói nâng cao chất lượng dân số, cụ thể là thực hiện sàng lọc sơ sinh, trước sinh, khám sức khỏe người cao tuổi. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, nói: “Vấn đề giao chỉ tiêu cần xem xét lại, giao chỉ tiêu còn nhiều ngành, nhiều nơi quá nên khó thực hiện. Chỉ tiêu khám, chữa bệnh phải giao cho trung tâm y tế, chỉ tiêu sàng lọc trước sinh, sơ sinh phải giao cho bệnh viện hay những nơi có chức năng sinh sản để thực hiện tư vấn. Còn giao cho cấp cơ sở không thể nào làm được, cộng tác viên đi vận động từng người, nhưng mấy anh trực tiếp làm thì chưa quan tâm thực hiện. Đối với những chỉ tiêu thực hiện chuyên môn ngành, của ai làm thì giao cho nơi đó làm. Cần giao chỉ tiêu sát và giao trách nhiệm rõ ràng hơn, tránh chồng chéo gây khó khăn trong quá trình thực hiện”.

Cùng chia sẻ về những bất cập qua thực hiện chiến dịch, ông Lý Minh Quang, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, nói: “Khám sức khỏe người cao tuổi chỉ tiêu nhiều rất khó khăn để huyện thực hiện dù rất tích cực thực hiện. Đến nay, mới khám 6/15 xã, thị trấn thôi trong khi đã thành lập 2 đoàn khám. Xác định khám người cao tuổi hàng năm nên chăng khám vào mùa khô và kéo dài 6 tháng chứ không nên đánh nước rút như hiện nay. Mùa mưa như hiện nay, người cao tuổi khó đi đến để khám”. Cũng theo ông Quang, việc phân biệt trách nhiệm vận động và trách nhiệm thực hiện trong khám sức khỏe người cao tuổi cần rõ ràng để thực hiện tốt.

Không riêng huyện Phụng Hiệp, huyện Châu Thành A cũng vướng ở chỉ tiêu khám sức khỏe cho người cao tuổi. Ông Huỳnh Văn Cỏn, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Châu Thành A, khẳng định: “Khó khăn nhất là việc khám sức khỏe cho người cao tuổi, đang làm việc với Trung tâm Y tế huyện để thực hiện chỉ tiêu này. Tuy nhiên, không ít trường hợp độ tuổi 60 do cảm thấy sức khỏe bình thường nên không chịu đi khám”.

Khám sức khỏe người cao tuổi là chỉ tiêu mới nên việc triển khai là cái khó chung của tất cả các địa phương. Tỷ lệ thực hiện chỉ tiêu này thấp nhất trong đợt 1 chiến dịch, chỉ đạt 40% kế hoạch chiến dịch và cần sự quyết liệt hơn nữa trong chiến dịch đợt 2 để đạt được như mong muốn. Chẳng những về số lượng mà còn là chất lượng cung ứng các dịch vụ sàng lọc sơ sinh, trước sinh, khám sức khỏe người cao tuổi.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>