Nỗ lực xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế

11/10/2017 | 08:31 GMT+7

Theo thống kê của Sở Y tế Hậu Giang, trên địa bàn tỉnh có gần một trăm bệnh viện, trạm y tế phường, xã, do đó phát sinh khá lớn lượng nước thải. Trước thực trạng này, ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp để nỗ lực hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải lỏng cho các cơ sở y tế.

Hệ thống xử lý chất thải lỏng của Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp được vận hành 24/24 giờ.

Được đưa vào hoạt động năm 2015, Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp được xây mới theo hướng hiện đại, cơ sở vật chất và trang thiết bị được đầu tư đồng bộ; đặc biệt là có đầy đủ hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng với tổng mức đầu tư hơn 10 tỉ đồng. Đối với hệ thống xử lý chất thải lỏng, toàn bộ nước thải của bệnh viện chưa qua xử lý sẽ được thu gom vào hệ thống đường ống dẫn và đổ vào hố thu. Tại đây, nước thải được xử lý bằng phương pháp vi sinh, sau khi khử trùng sẽ được thải ra kênh, rạch. Ông Lý Minh Quang, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, cho biết: Hiện nay, toàn bộ nước thải sinh hoạt và nước thải phát sinh từ hoạt động chuyên môn đều được thu gom về hệ thống xử lý. Hệ thống đều hoạt động 24/24 giờ. Qua các lần kiểm tra, chất lượng nước thải đầu ra đều đạt loại A theo chuẩn quy định. 

Theo ông Quang, trước đây Bệnh viện Đa khoa huyện Phụng Hiệp cũ có quy mô 110 giường bệnh nhưng hàng ngày khám, điều trị cho 400-500 bệnh nhân ngoại trú, trên 100 bệnh nhân nội trú, tổng lượng nước thải 50m3/ngày không được xử lý, thải trực tiếp xuống cống thoát nước công cộng và chảy ra kênh. Tuy nhiên, do bệnh viện sắp di dời sang nơi mới nên không được đầu tư. Ông Lý Minh Quang, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, khẳng định: “Nguy cơ chủ yếu của nước thải y tế là vi sinh vật gây bệnh, đặc biệt là vi sinh vật gây bệnh đường ruột. Với lượng nước thải y tế mà các cơ sở y tế đang thải trực tiếp ra môi trường là nguồn gây ô nhiễm rất đáng quan ngại, đặc biệt là nguồn nước mặt. Thế nhưng, hiện nay được di dời về nơi mới lại được xây dựng đồng bộ hệ thống xử lý chất thải thì đơn vị và người dân cũng rất an tâm”.

Không những các bệnh viện, trung tâm y tế được đầu tư hệ thống xử lý chất thải, mà ở các trạm y tế cũng được đầu tư hệ thống xử lý chất lỏng. Được đi vào hoạt động năm 2015 nhưng đến năm 2016 Trạm Y tế xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp mới được đầu tư hệ thống xử lý chất thải lỏng. Ông Dương Minh Lập, Trưởng trạm Y tế xã Phương Bình, cho biết: Mặc dù lượng nước thải của trạm y tế ít hơn so với các trung tâm y tế, bệnh viện nhưng thành phần nước thải vẫn có các dịch máu, nước tiểu, các chế phẩm thuốc... Các loại nước thải y tế này nếu chưa được xử lý sẽ chứa nhiều nguy cơ mang mầm bệnh, ảnh hưởng đến môi trường. Vì thế, việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải lỏng như trên sẽ góp phần xử lý hiệu quả nguồn nước thải, bảo đảm môi trường của trạm cũng như môi trường sống xung quanh.

Theo Sở Y tế tỉnh, do kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế còn thiếu, mà nhu cầu đầu tư để xây dựng mới các hệ thống xử lý chất thải rất lớn nên sau khi chia tách, tỉnh chỉ quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, còn chất thải thì chưa thể giải quyết dứt điểm. Những năm gần đây, từ các nguồn vốn, các bệnh viện, trung tâm y tế dần được đầu tư hoàn chỉnh. Ông Phan Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hậu Giang, cho biết: “Trước đây, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực y tế hầu hết được ưu tiên cho các hạng mục khám chữa bệnh, xây mới các khoa phòng nên hệ thống xử lý nước thải y tế tại các cơ sở còn thiếu, yếu và chưa đáp ứng được nhu cầu. Những năm gần đây, nhờ nguồn vốn từ các chương trình của Bộ Y tế, việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế bắt đầu được chú trọng, tuy nhiên để hoàn thiện hệ thống này cần cả một lộ trình”.

Hiện Sở Y tế Hậu Giang đang hoàn thiện đề án đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý chất thải y tế cho cơ sở y tế trong tỉnh. Phó Giám đốc Sở Y tế Hậu Giang Phan Thanh Tùng cho biết thêm: Hiện nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế, trạm y tế cũng đã bắt đầu triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải. Với việc đưa vào xây mới, cải tạo sẽ từng bước giải quyết những bức xúc về môi trường nảy sinh trong quá trình hoạt động của các bệnh viện, trung tâm nhằm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao ở các địa phương”.

Theo thống kê của Sở Y tế Hậu Giang, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 79 bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế, trung bình mỗi ngày xả khoảng 600m3 nước thải… Đến nay, đã có 74 bệnh viện, trung tâm y tế có hệ thống xử lý chất thải lỏng, chiếm hơn 90%.

 

Bài, ảnh: THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>