Nỗi lo từ sốt xuất huyết

29/09/2019 | 23:42 GMT+7

Sốt xuất huyết (SXH) đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân và cả ngành y tế, khi hiện nay bệnh đang diễn biến phức tạp. Hiện các địa phương đã có nhiều nỗ lực để phòng, chống.

Đốt nhang diệt muỗi là cách hạn chế muỗi đốt. Qua đó, góp phần phòng, chống sốt xuất huyết.

Cas bệnh tăng nhiều lần

Số cas bệnh SXH ở Hậu Giang đã tăng gấp nhiều lần so cùng kỳ và ngành y tế đang tập trung công tác phòng, chống với nhiều giải pháp thiết thực như triển khai tuyên truyền mạnh mẽ tại các địa phương; tiến hành xử lý các ổ dịch; ra quân chiến dịch diệt lăng quăng, diệt muỗi; giám sát, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao…

Huyện Châu Thành là địa phương xuất hiện bệnh SXH nhiều nhất tỉnh, với 116 cas, tăng 90 cas so cùng kỳ. Bà Nguyễn Thùy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, cho biết: “Ngoài 3 đợt chiến dịch của tỉnh, huyện đã triển khai thêm 2 đợt phòng, chống SXH chủ động. Chúng tôi hy vọng sự đồng loạt vào cuộc từ địa phương, hỗ trợ của ngành y tế tỉnh sẽ giúp tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện được kiềm chế ở mức độ ổn định”. Việc phát hiện và dập dịch rất được địa phương quan tâm, nhằm kịp thời khắc phục những hậu quả nghiêm trọng mà SXH có thể gây ra.

Tương tự Châu Thành, huyện Châu Thành A là một trong 3 địa phương ở Hậu Giang ghi nhận số cas bệnh SXH cao, với 81 trường hợp. Ông Trần Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, bộc bạch: “Xã Tân Phú Thạnh và thị trấn Cái Tắc nằm lân cận với một số xã mắc SXH nhiều ở huyện Châu Thành, nên chúng tôi đang vận động người dân chủ động thực hiện tổng vệ sinh môi trường. Huyện còn thành lập đoàn đi vãng gia tại hộ gia đình, kiểm tra và đổ các lu, khạp có chứa lăng quăng, lồng ghép tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân”.

Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn còn một số ít người dân chưa nhận thức đúng đắn về bệnh SXH, dẫn đến lơ là trong công tác phòng, chống. Bà Nguyễn Mộng Tuyền, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Nghe tuyên truyền nhiều, địa phương cũng đến tận gia đình vận động nên tôi rất ý thức việc vệ sinh thông thoáng không gian trong và ngoài nhà. Tôi thấy khá ngán ngại khi còn nhiều người vẫn chưa quan tâm đến việc phòng bệnh SXH, đến khi mắc thì mới chú ý”.

Những nơi chưa ghi nhận bệnh

Xã Hiệp Lợi (thị xã Ngã Bảy) và xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ), hai địa phương trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay chưa ghi nhận cas bệnh SXH, nguyên nhân vì đâu.

Hầu hết các tuyến đường ở xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, đều có treo khá nhiều băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về phòng bệnh SXH. Bà Võ Thị Ngọc Hà, Phó trưởng Trạm Y tế xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, bộc bạch: “Nâng cao ý thức người dân là điều cần thiết giúp phòng SXH, nên chúng tôi luôn quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Ngoài những đợt chiến dịch do tỉnh, thị xã tổ chức, trạm còn kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương nhắc nhở người dân vệ sinh môi trường, dọn dẹp cảnh quan, thông qua họp tổ nhóm, khám sức khỏe người cao tuổi…”. Diệt lăng quăng, diệt muỗi, không để muỗi đốt là cách đơn giản và hiệu quả nhất để phòng, chống SXH.

Xã Hiệp Lợi có 12 cộng tác viên phủ khắp 6 ấp, kết hợp cùng các tổ y tế đảm bảo hiệu quả trong công tác vận động. Với đặc thù là nơi có đông đồng bào Công giáo, nên trạm đã bố trí cộng tác viên thuộc họ đạo phụ trách, giúp dễ dàng tiếp cận và nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, cộng tác viên y tế ấp Xẻo Vông B, xã Hiệp Lợi, chia sẻ: “Chúng tôi đến tận hộ gia đình để giải thích nguyên nhân gây bệnh, biện pháp phòng SXH như ngủ mùng kể cả ban ngày, thả cá diệt lăng quăng… Qua các buổi lễ, sinh hoạt tại nhà thờ, chúng tôi được nhắc nhở việc phòng, chống dịch bệnh nên ai cũng ý thức”.

Phòng, chống bệnh SXH cần người dân có ý thức mọi lúc, mọi nơi mới nâng cao hiệu quả. Bệnh SXH xảy ra quanh năm, đặc biệt là vào mùa mưa. Thời gian gần đây, tình trạng người lớn bị SXH đang gia tăng rất nhanh, chiếm tỷ lệ 13,62%. Cho nên, khi bị sốt kèm theo đau nhức cơ, mệt mỏi, người dân nên đến cơ sở y tế gần nhất kiểm tra, nhằm phát hiện kịp thời và có hướng điều trị thích hợp.

Đang ru cháu ngoại hơn 20 tháng tuổi, bà Phạm Thanh Phương, ở ấp Xẻo Vông C, xã Hiệp Lợi, nhanh tay đốt thêm nhang diệt muỗi. Bà Phương chia sẻ: “Phòng bệnh là trách nhiệm chung của người dân chứ chẳng riêng gì ngành y tế bởi họ không làm xuể đâu. Tôi còn dán các tờ rơi, tờ bướm tuyên truyền về SXH tại quán của nhà, để mọi người đến uống cà phê cũng có thể tham khảo thêm”.

Sau Chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng, phòng, chống bệnh SXH, bệnh do vi-rút zika và bệnh tay - chân - miệng đợt III vừa qua, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cũng đã tiến hành kiểm tra, giám sát tại tất cả các địa phương, nhằm nhìn nhận ưu, khuyết điểm, gỡ khó và có hướng hỗ trợ kịp thời. Để phòng, chống SXH đạt kết quả cao, các địa phương cần đẩy mạnh khâu tuyên truyền, vận động người dân và khảo sát mật độ muỗi, mật số lăng quăng trong nhà.

Bệnh SXH hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, phòng tránh là giải pháp căn cơ và ngành y tế luôn khuyến cáo người dân là: Không có muỗi, lăng quăng -  không có SXH.

Tính đến hết tuần 39 (ngày 25-9), Hậu Giang ghi nhận 448 cas SXH, tăng 288 cas, gần gấp 3 lần so cùng kỳ. Bệnh tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe con người, nên rất cần sự vào cuộc, nỗ lực phòng, chống SXH từ ngành chức năng và người dân.

 

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>