Phòng bệnh sốt xuất huyết: Cần sự chung sức !

30/08/2017 | 07:57 GMT+7

Bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng, tháng sau cao hơn tháng trước, nguy cơ bệnh bùng phát thành dịch có thể xảy ra nếu không có những giải pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả.

Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh ra quân diệt lăng quăng ở phường VII.

Sốt xuất huyết gia tăng ở nhiều địa phương

Trong tháng 7, trên địa bàn tỉnh có 30 cas bệnh sốt xuất huyết, trong khi từ đầu tháng 8 đến thời điểm ngày 18-8 cả tỉnh đã ghi nhận 41 cas bệnh, tăng 11 cas so với tháng 7. Theo nhận định của ông Trương Tỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: “Dịch bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng. Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết tiềm ẩn do môi trường nước đọng ao tù ở một số công trình dang dở, người dân chưa xử lý triệt để vật dụng nhỏ xung quanh nhà,… còn là nơi thuận lợi để lăng quăng sinh sôi nảy nở. Đồng thời, một số tỉnh, thành lân cận dịch bệnh đang diễn biến phức tạp”. Đã có 6/8 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh có số cas bệnh gia tăng so với cùng kỳ, trong đó tăng nhiều nhất ở thị xã Ngã Bảy. Mặc dù tỉnh đã triển khai 2 chiến dịch phòng, chống dịch bệnh trên phạm vi cả tỉnh và có địa phương triển khai đến 4 đợt chiến dịch phòng, chống dịch bệnh như ở thị xã Ngã Bảy, nhưng dịch bệnh vẫn gia tăng.

Qua thực tế tại nhà có bệnh nhân sốt xuất huyết, nhiều dụng cụ chứa nước đều có lăng quăng. Trường hợp nhà ông Nguyễn Văn Trừ, ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, nhà có 2 cháu nội 5 tuổi đều mắc bệnh sốt xuất huyết. Ông Trừ khẳng định: “Bệnh sốt xuất huyết mình biết được do muỗi truyền bệnh, nhưng do bận bịu công việc, chưa quan tâm kiểm tra và đổ lăng quăng trong lu nước”. Không chỉ có nhà ông Trừ lu nước có lăng quăng, mà nhà một số hộ dân ở gần nhà ông cũng có nhiều dụng cụ chứa nước có lăng quăng qua điều tra dịch tễ của cán bộ y tế, đó là sự chủ quan của các hộ dân.

Theo ông Trần Văn Thanh, Trưởng phòng Y tế huyện Châu Thành A, một trong những vấn đề tồn tại là nguyên nhân làm dịch bệnh gia tăng là do: “Việc giám sát, xử lý khi có cas bệnh đôi khi xử lý trong bán kính 200m chỉ làm theo chiều dài, ở tuyến kênh bên kia không xử lý nên chưa xử lý triệt để”. Cũng khẳng định việc xử lý khi có cas bệnh sốt xuất huyết của một số địa phương chưa nghiêm, ông Nguyễn Văn Lành, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, nhấn mạnh: “Cũng cần xem lại vấn đề vì sao dịch bệnh vẫn tăng khi chúng ta tổ chức nhiều đợt chiến dịch, truyền thông,… Công tác xử lý dịch bệnh đôi khi chưa thực hiện tốt, xử lý dịch chưa nghiêm, nhất là các cas bệnh báo ngày thứ sáu chưa quan tâm xử lý ngay đến thứ hai mới xử lý. Trong kỹ thuật phun thuốc một số cán bộ thực hiện chưa đạt yêu cầu, thực hiện xử lý dịch không làm môi trường, chỉ diệt được muỗi còn lăng quăng vẫn nở nữa”. Ông Lành cũng khẳng định, nếu xử lý triệt để, làm quyết liệt bệnh sẽ được khống chế. Chẳng hạn, ở thị xã Ngã Bảy, đầu năm dịch bệnh tăng, sau khi quyết liệt đã chựng lại.

Giải pháp có, nhưng phải cùng chung tay

Chủ động phòng, chống dịch bệnh là một công việc mà các địa phương đang ráo riết làm hiện nay. Cuối tuần qua, Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh đã phối hợp với Trạm Y tế Phường VII ra quân diệt lăng quăng ở nhà hộ dân. Cán bộ y tế đã đi đến từng nhà để kiểm tra lăng quăng và vận động người dân đổ lăng quăng. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân nên quan tâm thường xuyên kiểm tra và đổ lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước và vật dụng xung quanh nhà. Ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố, chia sẻ: “Chúng tôi muốn làm mô hình điểm để nhân rộng ra các xã, phường khác, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về thực hành diệt lăng quăng phòng bệnh sốt xuất huyết”. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, trong cộng đồng còn rất nhiều dụng cụ chứa nước có lăng quăng, đoàn đi vận động đổ nước có lăng quăng đôi khi cũng có hộ dân không đồng tình mặc dù đã có sự phối hợp tuyên truyền, giải thích của chính quyền địa phương. Đây là một vấn đề khó cho công tác phòng, chống dịch bệnh ở thành phố cũng như các địa phương khác của tỉnh.

Dù dịch bệnh so với cùng kỳ của tỉnh có tăng, nhưng theo nhận định của ông Trương Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở Y tế, đánh giá tổng quan thì so với 20 tỉnh, thành phía Nam số mắc bệnh sốt xuất huyết hiện nay của tỉnh là thấp nhất, vì vậy người dân cũng không nên hoang mang. Ông Khanh khẳng định: “Công tác dự phòng rất quan trọng, chứ để xảy ra dịch rồi thì rất khó khăn giống như thành phố Hà Nội. Hiện nay, thời tiết đang mưa nhiều khó đoán được diễn biến dịch bệnh. Chúng tôi sẽ chỉ đạo hệ y tế dự phòng tăng cường công tác xử lý, kiểm tra, giám sát. Các địa phương nên nhân rộng mô hình thả cá diệt lăng quăng. Lưu ý phòng bệnh ở những khu công nghiệp, khu dân cư,… lưu ý phòng lây chéo trong bệnh viện nếu có bệnh nhân sốt xuất huyết,…”.

Muỗi ngoài gây bệnh sốt xuất huyết còn gây bệnh zika, viêm não Nhật Bản,… vì vậy, diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng bệnh sốt xuất huyết còn nhằm để phòng tránh những bệnh nguy hiểm khác.

Đổ lăng quăng, phần nhiều cán bộ y tế làm, nhiều hộ dân còn.. làm biếng

Chia sẻ về giải pháp phòng bệnh sốt xuất huyết, ông Trần Phong Nhã, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Mỹ, cũng khẳng định đổ lăng quăng khó vì người dân không chịu đổ, cán bộ y tế đổ là nhiều. Vì vậy, theo ông Nhã việc thả cá bảy màu hiệu quả hơn. Để làm tốt việc này, ông đề nghị Sở Y tế cần phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo có công văn chỉ đạo các trường, trạm y tế nuôi cá bảy màu cho học sinh mang về nhà thả, vừa là nuôi kiểng vừa diệt lăng quăng hữu hiệu. Cán bộ không thể đi hết các gia đình để đổ lăng quăng hoài, chỉ có học trò mới về đến nhà để thực hiện.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>