Phòng khám Trung Quốc và chiêu trò 'chặt chém' ngay trên bàn mổ

22/12/2017 | 14:47 GMT+7

Lôi kéo nhiều bệnh nhân đến điều trị, thu nhập của các “bác sĩ” tư vấn tăng theo. Vì thế các “bác sĩ” này dùng mọi thủ đoạn mồi chài người bệnh để “chặt chém”.

Quản lý phòng khám đa khoa Hoàn Cầu (Q.5) xem hóa đơn điều trị phá thai, sau khi bị khiếu nại đã trả lại gần 40 triệu đồng cho bệnh nhân - Ảnh: H.LỘC

Bà Kim (quản lý phòng khám đa khoa Thăng Long, đường Sư Vạn Hạ nh, Q.10, TP.HCM) cho biết lương cơ bản của "bác sĩ" tư vấn chỉ 3,5 triệu đồng, nhưng nếu làm giỏi họ có thể có thu nhập trên 10 triệu đồng.

Số tiền này ở đâu ra? Bà Kim tiết lộ: "Nếu hẹn được càng nhiều bệnh nhân đến khám càng được nhiều tiền hoa hồng chia trên đầu bệnh nhân. Chưa kể còn có những khoản tiền thưởng khác...".

Thưởng "nóng"

Bằng việc tư vấn lôi kéo trên mạng 24/24 giờ, lượng người bệnh tìm đến phòng khám này điều trị rất lớn. Theo bảng thống kê khách hàng của riêng ngày 29-11, phòng khám Thăng Long đã tư vấn cho trên 150 bệnh nhân từ TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Trà Vinh, Gia Lai...

Trong đó, lượng bệnh nhân nam khoa chiếm áp đảo với các loại bệnh như rối loạn xuất tinh, trĩ, lậu, sùi mào gà. Đặc biệt, chỉ tính riêng trong vòng 4 ngày đầu tháng 12, phòng khám này "kết nối" được gần 500 bệnh nhân có nhu cầu tư vấn khám, điều trị.

Các bệnh nhân này lần lượt được quản lý phòng khám phân bổ cho 14 "bác sĩ" tư vấn thông qua các kênh web, Zalo, Facebook, Viber, gọi điện... Các "bác sĩ" tư vấn hiệu quả cho 202 người, trong đó có trên 30 người đến khám.

Để khích lệ, phòng khám này có cả chính sách ăn chia phần trăm hoa hồng với "bác sĩ" chiêu dụ bệnh nhân. Phần trăm được chia tùy theo lượng bệnh nhân mà "bác sĩ" mời gọi được.

Theo tìm hiểu, ngoài "chi" hoa hồng theo tháng, phòng khám còn "chi" theo ngày. Cứ "bác sĩ" nào "dắt" được 3 bệnh nhân/ngày lập tức được thưởng "nóng" 100.000 đồng, từ 5 bệnh nhân trở lên được thưởng 200.000 đồng.

Trong phòng tư vấn của phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1) có ba tấm bảng giao "chỉ tiêu" cho từng "bác sĩ" được quản lý người Trung Quốc đề ra nghiêm ngặt. Một "bác sĩ" được giao trung bình 20 - 40 bệnh nhân/ngày.

So với hai phòng khám kia, mức ăn chia hoa hồng của phòng khám đa khoa Mayo (đường Ba Tháng Hai, P.11, Q.10) "bèo" hơn.

Bà Oanh (phụ tá tuyển dụng, kiêm phiên dịch) khẳng định: "Nếu kéo được trên 30 bệnh nhân sẽ được chia hoa hồng, tiền được chia theo cấp độ từ 20.000 - 60.000 đồng/bệnh nhân. Đó chỉ là tiền hoa hồng, kế tiếp nếu đạt các mục tiêu sẽ được thưởng từ 500.000 - 1 triệu đồng. Chưa hết, nếu trong ngày kéo được 4 bệnh nhân trở lên thì tiếp tục được thưởng nóng".

"Chặt, chém" trên bàn mổ

Tháng 11-2017, phòng khám đa khoa Hoàn Cầu (đường Châu Văn Liêm, P.11, Q.5) tiếp nhận sinh viên V.H.B.N. (22 tuổi) vào phá thai 22 tuần.

N. đến phòng khám phá thai theo tư vấn của "bác sĩ", chi phí là 4 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đến phòng khám để siêu âm, các bác sĩ cảnh báo "thai to" rồi đưa ra 3 gói phá thai gồm: bình thường 20,8 triệu đồng, giảm đau 26,8 triệu đồng và không đau 32,8 triệu đồng.

N. thắc mắc giá cả tư vấn trước đó, những người này nói đó là "tư vấn bậy". Không đủ chi phí phá thai nên N. xin về, ngay lập tức các nhân viên chèo kéo: "Có bao nhiêu đưa trước bấy nhiêu để uống thuốc làm thai nhi ngừng phát triển".

Ngày 22-11, N. đến phòng khám phá thai và chọn gói 20,8 triệu đồng. Trong thời gian này N. được phát thuốc uống, yêu cầu vận động cho đến lúc vỡ ối lấy thai nhi. 10h sáng 27-11, N. được đưa lên bàn mổ trong tình trạng tay chân đều bị trói chặt.

Trên bàn mổ, bác sĩ Trung Quốc dọa cô bị băng huyết và rách cổ tử cung rất nặng cần phải khâu gấp. Nếu không khâu có thể gây vô sinh, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Chi phí khâu tử cung được người này "hét" trên bàn mổ là 28,8 triệu đồng.

N. kêu không có tiền thì người này "xổ" một tràng các câu uy hiếp: "Em còn rất trẻ nên phải chữa bây giờ, không khâu sau này không có con. Tiếc tiền mà chết cũng vậy thôi em". Trước lời đe dọa, N. và người yêu vô cùng hoảng loạn chấp nhận ký giấy nợ phẫu thuật.

Để có tiền, nhân viên phòng khám còn gợi ý người yêu N. đi vay nóng các kiểu đóng cho phòng khám trước 18h ngày 27-11. Trong lúc chuẩn bị khâu tử cung, nhân viên phòng khám dọa rất đau và gợi ý dùng "gói gây mê chi phí 12 triệu đồng".

N. nhất quyết không đồng ý, thế nhưng khi nằm trên bàn mổ, bị cơn đau khủng khiếp hành hạ đành tiếp tục cắn răng gật đầu đồng ý ký nợ rồi ngất lịm.

"Còn gì là người"

Từ lời cầu cứu của nạn nhân, ngày 29-11 chúng tôi tìm cách tiếp cận xác minh, giải cứu N..

Chúng tôi đóng vai thành viên trong gia đình N. mang tiền đến, bà Phương và bà Hoa (xưng quản lý phòng khám) dặn dò chúng tôi: "Tội nghiệp nhỏ (N.), nó khóc từ sáng giờ. Bây giờ lỡ rồi, anh chấp nhận đừng làm to chuyện, ảnh hưởng tới tụi em và cả em anh".

N. phá thai theo tư vấn nhưng bà Phương lại nói với chúng tôi là N. đến phòng khám trong tình trạng cấp cứu, người như "cái xác bước đi do bị phụ khoa rất nặng". Bà này còn "nổ" có khuyên giữ thai nhưng không được.

"Bệnh nhân đến đây bị xuất huyết hư thai rồi, thai không có tim!". Khi chúng tôi nói do bị hù dọa đủ biến chứng nên N. phải đóng trên 25,5 triệu đồng, bà Phương xem hóa đơn "ra giá" thỏa thuận: "Bây giờ hoàn cảnh của em khó khăn, bên chị hỗ trợ lại 50%. Còn 50% phòng khám xin giữ lại để trả tiền thuê bác sĩ ở bệnh viện khác qua can thiệp giúp".

Hai bà này ra điều kiện N. phải viết đơn "cảm ơn" vì "tận tình điều trị", đồng thời xác nhận "hài lòng, không khiếu nại" nhưng N. không chấp nhận.

Lúc ngồi đợi tại sảnh tầng 1 người N. run bần bật. N. bật khóc kể liên tục bị uy hiếp, ép ký giấy điều trị trên bàn mổ, bị giam lỏng. Bà Phương đột nhiên bật khóc! Bà này xin lỗi và giải thích bà mới về đây quản lý vài tháng và có nghe chuyện bác sĩ tại phòng khám o ép bệnh nhân.

"Tôi hứa đây là lần cuối xảy ra sự việc, tôi sẽ sa thải ngay tức khắc". Ngay sau đó, bà này chủ động trả lại toàn bộ chi phí khám, điều trị của N. và nói: "Tôi biết chi phí điều trị chỉ là một phần thôi, còn mất mát về tinh thần, niềm tin không gì có thể bù đắp được".

Biến tai tiếng thành... danh tiếng

"Bác sĩ" tư vấn cho bệnh nhân tại phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi (Q.1) - Ảnh cắt từ clip

Các phòng khám Trung Quốc (PKTQ) bị nhiều tai tiếng bởi hàng loạt sai phạm liên quan đến việc "vẽ" bệnh ăn tiền, hù dọa người bệnh. Thế nhưng, tuyệt nhiên các thông tin tai tiếng này ít xuất hiện, thậm chí xuất hiện rồi... biến mất.

Điều gì khiến các PKTQ đầy tai tiếng trở nên... danh tiếng? Theo xác minh, các phòng khám này có hẳn một công ty quảng cáo lo "hình ảnh".

Ngoài việc đầu tư vào đội ngũ "bác sĩ" tư vấn hoạt động 24/24 giờ trên tất cả các trang mạng, các phòng khám còn "chi" khoản tiền lớn thuê chạy quảng cáo từ khóa Google adword, các bài PR ở nhiều tờ báo.

Đặc biệt, các PKTQ có chiêu "độc" khi lấy lại nguyên tít các bài viết tai tiếng về họ trên báo và thêm dấu hỏi: "PKTQ có thật sự lừa đảo người bệnh hay không?".

Người đọc tò mò liền bị dẫn dắt "lọt" ngay vào trang web tư vấn điều trị để các "bác sĩ" ra tay lôi kéo.

"Đừng để đội đòi nợ làm phiền phức"

Dù chỉ bị đau bụng nhưng khi đến phòng khám đa khoa Thủ Dầu Một (Bình Dương) thăm khám, bệnh nhân N.T.L. (26 tuổi) được kết luận nguy cơ ung thư (kiểm tra ở bệnh viện không bị bệnh - PV).

Hoảng loạn L. cầm CMND và bằng lái theo gợi ý của phòng khám để điều trị gói 18,8 triệu đồng.

Điều trị xong L. vay mượn chuyển trả 3,5 triệu đồng. Tuy nhiên, phòng khám này liên tục gọi điện hù dọa đòi nợ.

Đầu tháng 11, chúng tôi gọi điện cho phòng khám này hỏi khoản tiền nợ, một người xưng "bác sĩ" Vương đe dọa: "Phòng khám có một đội chuyên đi đòi nợ của bệnh nhân nên không muốn làm phức tạp vấn đề. Nếu bây giờ chưa có hoặc chưa đủ cũng gửi sẽ đỡ phiền phức đến mình".

Theo Tuổi trẻ Online

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>