Sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng !

08/01/2018 | 08:10 GMT+7

Thực hiện theo mô hình 5S gắn liền với xây dựng cảnh quan khoa phòng và buồng bệnh xanh - sạch - đẹp gần 1 năm qua tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã khẳng định là một công cụ cải tiến hiệu quả, giúp cho môi trường làm việc bệnh viện chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn, góp phần tăng năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, không gian.

Khoa Nội thần kinh - cơ xương khớp - huyết học đã tạo được không gian làm việc xanh - sạch - đẹp, ngăn nắp khi áp dụng 5S.

Khẳng định hiệu quả

5S là chữ viết tắt của các từ “Sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng”. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang là cơ sở y tế đầu tiên của tỉnh thực hiện thí điểm mô hình này trong năm 2017. Việc ứng dụng mô hình này được triển khai ở tất cả các khoa, phòng của bệnh viện và cho thấy sự cải tiến tích cực sau khi áp dụng mô hình. Bác sĩ Trần Anh Dũng, Trưởng khoa Nội thần kinh - cơ xương khớp - huyết học, cho biết: “Trước đây nơi làm việc, các buồng bệnh không gọn gàng, không đẹp, không sạch, đôi khi chưa cấp cứu kịp thời, dễ sai sót, không gian làm việc đơn điệu, không ngăn nắp. Khi được ban giám đốc phát động xây dựng mô hình 5S, chúng tôi nhận thấy mình phải thay đổi”.

Các khu vực ứng dụng 5S của khoa là phòng hành chánh, khu vực buồng bệnh, tủ thuốc, khu vực để vật tư thiết bị y tế, khu vực hành lang buồng bệnh, khu vực để xe tiêm, xe lăn. Ông Dũng cho biết thêm: “Chúng tôi đã sàng lọc, phân loại những thứ cần dùng thì giữ lại, những thứ không cần dùng thì loại bỏ, những thứ không rõ cần hay không cần dùng thì xin ý kiến quyết định lãnh đạo khoa hoặc cho vào kho. Sắp xếp mọi thứ cần dùng với phương châm: “Mọi thứ phải có chỗ để và phải để đúng chỗ quy định”. Một số phương pháp giúp dễ phân biệt như: Dán nhãn, mã hóa màu, đánh dấu bằng vạch màu, dán bảng hướng dẫn cụ thể được thực hiện”. Đồng thời, khoa còn bố trí cây xanh, đề nghị sửa chữa khu vệ sinh, trang trí đẹp góc tuyên truyền khu vực chờ, góc tuyên truyền. Kết quả, nơi làm việc có tổ chức tốt, đảm bảo giảm các sai sót, chi phí và tạo môi trường làm việc an toàn.

Còn điều dưỡng trưởng của khoa răng - hàm - mặt Đỗ Ngọc Mỹ Duyên chia sẻ: “Mọi cán bộ, nhân viên nhận thức rõ lợi ích của 5S, tự nguyện, tự giác thực hiện. Tạo cơ hội để nhân viên y tế đưa ra những ý kiến sáng tạo về cách tổ chức và vận hành nơi làm việc. Giường bệnh đều được đánh số thứ tự và có vạch cố định vị trí giúp dễ kiểm soát. Các vị trí, vật dụng đều có nhãn dán giúp dễ nhận biết và thuận tiện. Các xe tiêm được sắp xếp gọn gàng, có nhãn vạch xác định vị trí. Máy hấp dụng cụ được đặt trên bệ an toàn và đúng quy định. Cải tiến luôn tuân thủ những nguyên tắc mọi thứ đều có một chỗ quy định và dễ nhìn, dễ thấy, dễ lấy, dễ sử dụng”.

Tiếp tục duy trì

Theo bác sĩ Đỗ Quang Khánh Trang, Trưởng khoa tai - mũi - họng: “Vấn đề gây phiền hà, mất thời gian vì tìm kiếm công văn đã được khắc phục khi ứng dụng 5S. Khoa cũng chuẩn bị sẵn sàng hộp chống sốc phản vệ để kịp thời cấp cứu cho bệnh nhân vì sốc phản vệ là tai biến có thể dẫn đến tử vong. Chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng hộp cấp cứu dự phòng để sử dụng ngay trong thời gian chờ bác sĩ khoa hồi sức tích cực, chống độc đến hỗ trợ. Dù hiệu quả rất nhiều nhưng để thay đổi thói quen của một người là rất khó, huống hồ thay đổi thói quen một nhóm người. Vì vậy, để duy trì 5S trong một tập thể là vấn đề cần có sự chung tay góp sức của nhiều người và cần có thời gian”.

Trong thời gian đầu áp dụng vào thực tế, mô hình 5S đã được các khoa, phòng tại bệnh viện nhiệt tình hưởng ứng và đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh: “Khi triển khai mô hình 5S, bệnh viện gặp không ít khó khăn như phương pháp còn mới đối với nhân viên của khoa, phòng; thực hiện 5S đòi hỏi ý thức tự giác, sự tỉ mỉ, đầu tư nhiều thời gian nên dễ gây nản chí,… Vì vậy, cần sự chỉ đạo sát sao của ban giám đốc bệnh viện, đặc biệt là sự quyết tâm của tập thể cán bộ, thầy thuốc từng khoa phòng để tiếp tục triển khai ứng dụng mô hình 5S tại bệnh viện đạt được mục tiêu đề ra là 5S đã trở thành thói quen của nhân viên bệnh viện”.

Mô hình này đã góp phần giảm được sai sót trong quản lý thuốc, vật tư y tế tiêu hao nên người bệnh được điều trị trong điều kiện an toàn hơn. Người bệnh được điều trị trong môi trường phòng bệnh đầy đủ, gọn gàng, không gian xanh, sử dụng nước sạch, nhà vệ sinh sạch sẽ hơn. Phòng ngừa lây nhiễm chéo do việc quản lý chất thải tốt hơn. Cảm giác được quan tâm, chăm sóc nhiều hơn. Đây là mô hình không chỉ cần được duy trì trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh mà còn có thể nhân rộng ở những đơn vị khác.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>