Thành phố Hồ Chí Minh: Lo lắng vì khan hiếm vắcxin phòng dại

05/04/2018 | 15:47 GMT+7

Tiêm phòng bệnh dại cho bệnh nhân bị chó cắn. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Những ngày gần đây, các bệnh viện, Trung tâm y tế dự phòng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh liên tục thiếu vắcxin phòng dại khiến nhiều người dân lo lắng khi không may bị động vật cắn.

Sáng 4/4, sau khi đến hai đơn vị là Trung tâm Y tế dự phòng quận Tân Bình và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh để tiêm phòng dại do bị chó cắn nhưng đều không còn vắcxin, anh Nguyễn Đức Hải, ngụ quận Tân Bình tìm đến Trung tâm tiêm chủng vắcxin VNVC Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây vẫn còn vắcxin phòng dại nên anh Hải được tiêm chủng mũi đầu tiên.

Theo lời kể của anh Hải, khoảng 23 giờ ngày 3/4, anh bị chó nhà hàng xóm cắn nhưng do quá khuya nên anh chỉ rửa sát trùng vết thương. Đến sáng 4/4, khi đi nhiều nơi mà không có vắcxin để tiêm ngừa nên anh rất hoang mang và đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là không tiêm được vắcxin phòng dại.

Cũng phải đi qua hai địa điểm mới được tiêm ngừa vắcxin phòng dại, chị Nguyễn Thái Tuyết Nhung, ngụ quận Thủ Đức rất lo lắng khi vắcxin phòng dại lại trở nên khan hiếm.

Chị Nhung lo ngại: "Bác sỹ nói là tiêm ngừa vắcxin phòng dại phải tiêm đến 4-5 mũi. Tôi tiêm đã tiêm được mũi đầu tiên nhưng đến mũi thứ 2-3 thì không biết có còn vắc-xin để tiêm không."

Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và một số trung tâm y tế dự phòng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh những ngày qua liên tục thông báo hết vắcxin phòng dại.

Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Phó Trưởng khoa Xét nghiệm sinh học lâm sàng, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết những ngày qua, vắcxin phòng bệnh dại ở các trung tâm tiêm ngừa trên địa bàn thành phố hầu như đã cạn kiệt, nguyên nhân là do nguồn cung ứng đã hết hàng.

Tuy nhiên, theo bác sỹ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, người dân cũng không nên quá lo lắng quá, bởi lẽ khi bị động vật nghi dại cắn, thời gian ủ bệnh đến khi phát bệnh là khoảng 3 tháng.

Bệnh nhân mới bị động vật cắn cần theo dõi con vật và có thể tiêm vắcxin chậm 1-2 ngày cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe. Các bệnh nhân cũ đã tiêm 1-2 mũi thì vẫn có thể tiêm trễ được vì việc tiêm trễ không ảnh hưởng gì đến quá trình tạo miễn dịch, bác sỹ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn cho hay.

Trước sự lo lắng của người dân, trong ngày 4/4, Trung tâm tiêm chủng VNVC Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đơn vị này đã huy động được thêm 1.000 liều vắcxin phục vụ cho bệnh nhân có nhu cầu. Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh trong chiều 4/4 cũng mới nhập một lô khoảng 1.000 liều vắcxin phòng dại.

Hiện, Việt Nam đang sử dụng 2 loại vắcxin phòng dại là Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Tuy nhiên, vắcxin Verorab được ưa chuộng, sử dụng nhiều hơn./.

Theo Đinh Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>