Tiêm chủng - Sự lựa chọn phòng bệnh hiệu quả nhất cho trẻ

28/05/2018 | 07:36 GMT+7

Tiêm vắc-xin phòng bệnh có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với trẻ. Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã và đang góp phần thanh toán và loại trừ nhiều bệnh dịch nguy hiểm. Có thể xem đây cũng là chương trình y tế quốc gia thành công nhất trong suốt những năm qua, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá cao.

Tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh hiệu quả cho trẻ. (Ảnh chụp tiêm chủng tại xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp). Ảnh: HỒNG DIỄM                                                                                   

Từ khi ra đời cho thấy tác động của vắc-xin với sức khỏe loài người là không thể diễn tả hết. Bản chất việc tiêm chủng là sử dụng vắc-xin để kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch nhằm chủ động chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Đến nay, đã có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vắc-xin phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã đưa vắc-xin vào sử dụng phổ cập cho người dân và tiêm chủng thực sự có vai trò rất lớn đối với toàn xã hội. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, chỉ riêng việc thanh toán bệnh bại liệt đã giúp chính phủ của các quốc gia tiết kiệm được 1,5 tỉ USD mỗi năm cho chi phí điều trị và phục hồi chức năng, việc thanh toán bệnh đậu mùa giúp tiết kiệm được 275 triệu USD mỗi năm cho chi phí chăm sóc y tế trực tiếp,...

Tại nước ta, chương trình TCMR là dự án thuộc chương trình mục tiêu y tế quốc gia đã được triển khai trên toàn quốc từ năm 1985, đã đạt được nhiều thành quả to lớn. Sau hơn 30 năm triển khai chương trình TCMR đã góp phần làm giảm rõ rệt nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em. Bệnh bại liệt đã được thanh toán vào năm 2000, bệnh uốn ván sơ sinh đã được loại trừ vào năm 2005. Các bệnh còn lại như: Bạch hầu, ho gà, sởi giảm ở mức rất thấp. Kết quả của chương trình TCMR cũng là một trong những thành tựu to lớn góp phần hoàn thành mục tiêu thứ tư của thiên niên kỷ và tăng tuổi thọ người Việt Nam nói chung, của ngành y tế tỉnh Hậu Giang nói riêng trong thời gian qua.

Tuy đã đạt được những thành quả đó, công tác tiêm chủng vẫn còn những tồn tại và thách thức, như một số nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ, hoặc tiêm chủng muộn vì vậy một số bệnh truyền nhiễm có nguy cơ quay trở lại. Hơn 600.000 trẻ sinh ra hàng năm không được tiêm chủng kịp thời lúc mới sinh ra có nguy cơ bị lây nhiễm vi-rút viêm gan B, trong khi tỷ lệ nhiễm vi-rút viêm gan B trong cộng đồng còn ở mức cao. Tỷ lệ tiêm chủng tại một số huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chưa đạt 90%,...

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Lành, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Trẻ nhỏ có thể mắc một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: lao, bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, sởi, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não mủ do Hemophilus Influenza typ b (Hib), viêm não Nhật Bản,… Trẻ chưa có đủ sức đề kháng chống lại bệnh tật nên nếu mắc các bệnh truyền nhiễm này sẽ rất nặng, để lại di chứng nặng về sau hoặc có thể tử vong. Song, các bệnh này có thể phòng được bằng cách tiêm chủng vắc-xin đầy đủ cho trẻ”.

Cô Nguyễn Thị Lệ, ở khu vực 4, phường VII, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Lúc trước, lúc tôi mang thai và sinh con thì chưa có chương trình TCMR. Hiện nay, dưới sự phát triển của xã hội, bản thân tôi thấy tiêm ngừa vắc-xin có vai trò quan trọng cho cả mẹ và bé trong việc phòng bệnh. Cháu nội tôi mới sinh được 1-2 ngày tuổi cũng đã được tiêm ngừa, tôi cảm thấy an tâm hơn. Tôi nghĩ, tiêm ngừa đầy đủ vẫn là phương án lựa chọn tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho cháu tôi”.

Hậu Giang hiện có 76/76 xã, phường, thị trấn có điểm tiêm chủng cố định là trạm y tế. Tỷ lệ miễn dịch đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi hàng năm đều đạt trên 98%. PGS.TS Nguyễn Văn Lành cho biết thêm: “Để giữ vững thành tích và góp phần tăng tỷ lệ TCMR trên địa bàn ngày một tốt hơn, thời gian tới, chúng tôi sẽ nâng cao kiến thức cho cán bộ làm công tác tiêm chủng từ tỉnh đến ấp thông qua đào tạo, tập huấn. Đồng thời, tăng cường giám sát tiêm chủng tại các điểm trên địa bàn, đảm bảo thực hiện an toàn trong tiêm chủng. Ngoài ra, trung tâm sẽ đẩy mạnh việc kết hợp với cán bộ dân số xã để quản lý số lượng bà mẹ mang thai, nhằm tránh trường hợp bỏ sót trẻ khi TCMR”.

Việc tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch không chỉ có tác dụng phòng bệnh đối với trẻ, mà còn mang lại những lợi ích to lớn đối với xã hội và là một chương trình mang tính nhân văn sâu sắc. Vắc-xin dùng trong chương trình TCMR không phải trả tiền, an toàn và hiệu quả để phòng bệnh cho trẻ em.

Lịch tiêm chủng cho trẻ trong chương trình TCMR:

- Trẻ sơ sinh: Tiêm vắc-xin phòng bệnh lao (BCG); viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh.

- Trẻ 2 tháng tuổi: Tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do Hib lần 1; uống vắc-xin phòng bệnh bại liệt lần 1.

- Trẻ 3 tháng tuổi: Tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do Hib lần 2; uống vắc-xin phòng bệnh bại liệt lần 2.

- Trẻ 4 tháng tuổi: Tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do Hib lần 3; uống vắc-xin phòng bệnh bại liệt lần 3.

- Trẻ 9 tháng tuổi: Tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi lần 1.

- Trẻ 18 tháng - 24 tháng: Tiêm nhắc vắc-xin phòng sởi lần 2 và bạch hầu, ho gà, uốn ván lần 4.

- Trẻ 2 tuổi: Tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản. Tiêm 2 mũi cách nhau 7-10 ngày.

- Trẻ 3 tuổi: Tiêm nhắc vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản lần 3 sau lần 2 một năm.

 

BÁ PHÁT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>