Tiếp tục nỗ lực phòng, chống sốt xuất huyết

20/11/2019 | 07:09 GMT+7

Ngành y tế Hậu Giang đã và đang triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết (SXH). Trong đó, trọng tâm là tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân ở các địa phương…

Do gia đình có trẻ nhỏ, bà Nga rất quan tâm đến việc phòng bệnh.

Tích cực hướng dẫn người dân cách phòng bệnh hiệu quả

Xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, là một trong những địa phương ghi nhận số cas bệnh khá cao với 14 trường hợp, xuất hiện ở 8/11 ấp. Ngoài ra quân thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường, phát tờ rơi, tờ bướm tuyên truyền… địa phương còn đề ra một giải pháp cụ thể, là cấp phát cao su tại hộ gia đình rồi hướng dẫn người dân cách đậy kín các lu, khạp, vật dụng chứa nước nhằm hạn chế môi trường cho muỗi sinh sản.

Ông Bùi Hoàng Dũng, ở ấp Tân Long A, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Gia đình tôi nghe tuyên truyền nhiều, nên biết được mức độ nguy hiểm, ảnh hưởng sức khỏe do SXH gây ra. Địa phương vừa đến tận nhà cho cao su để đậy lu, hướng dẫn cách vệ sinh dụng cụ chứa nước, tôi rất phấn khởi”. Kinh phí cho việc trang bị cao su của Tân Bình là gần 3 triệu đồng do địa phương hỗ trợ.

Qua thời gian triển khai thực hiện cách làm này, tình hình dịch bệnh SXH ở xã Tân Bình được kiềm chế ở mức độ ổn định, chưa có sự gia tăng đáng kể. Cách làm này đã được huyện Phụng Hiệp áp dụng rộng rãi ở nhiều đơn vị có số cas bệnh cao, bước đầu cho thấy hiệu quả. Khi cán bộ y tế tiến hành thực hành cách đậy nắp bằng cao su tại hộ gia đình sẽ giúp người dân dễ hiểu, dễ làm và nâng tầm ý thức thực hiện, nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân.

Với địa bàn rộng, dân số đông, giáp ranh nhiều địa phương, là nguyên nhân khiến huyện Phụng Hiệp dễ bùng phát dịch bệnh. Công tác phòng chống dịch chủ động luôn được địa phương quan tâm, tạo sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống để đẩy mạnh công tác tổng vệ sinh môi trường. Quan tâm tuyên truyền, vận động người dân phối hợp cho phun thuốc dập dịch kịp thời, nhằm khống chế dịch bệnh lây lan.

Mới đây, Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp tổ chức lớp tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, tay - chân - miệng và cách xử lý khi có dịch xảy ra cho cán bộ y tế tại các trường học trên địa bàn. Từ đó, đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng, chống SXH tại đơn vị và cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức, giữ gìn môi trường để phòng bệnh.

Còn tại thị xã Long Mỹ, dù số cas bệnh ghi nhận chưa tăng mạnh so cùng kỳ nhưng địa phương rất chủ động trong công tác phòng, chống dịch. Bởi khi có sự chủ động sẽ giúp địa phương kịp thời ngăn chặn và ứng phó với những trường hợp bất ngờ có thể xảy ra. Bà Mai Thị Nga, ở ấp Bình Lợi, xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Cộng tác viên, tổ y tế thường vãng gia tuyên truyền, dán tờ bướm, tờ rơi tại nhà. Tôi cứ thực hiện đúng theo hướng dẫn của cán bộ nên gia đình không ai bị bệnh hết. Gia đình có trẻ nhỏ nên tôi thường cho các cháu ngủ mùng kể cả ban ngày, nếu rảnh thì ngồi đưa rồi đốt thêm nhang muỗi. Các lu, khạp, tôi cũng đậy bằng cao su cho kín, tuy có tốn kém một ít nhưng an toàn vẫn là trên hết”.

Địa phương chủ động

Tính đến ngày 13-11, toàn tỉnh đã ghi nhận 580 cas bệnh SXH, xuất hiện ở tất cả các xã, phường, thị trấn, tăng 337 cas so cùng kỳ. Trong đó, tỷ lệ bệnh SXH ở người trên 15 tuổi chiếm hơn 12,5%. Đây thực tế là một tình trạng đáng báo động và cần khắc phục kịp thời, nhanh chóng để hạn chế những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe người dân mà SXH có thể gây ra.

Huyện Châu Thành là địa phương có số cas bệnh nhiều nhất trong toàn tỉnh, khi chạm ngưỡng 159 trường hợp, tăng 117 cas so cùng kỳ. Bà Nguyễn Thùy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, cho biết: “Do giáp ranh với nhiều tỉnh, thành có cas bệnh cao như thành phố Cần Thơ, Sóc Trăng; nhiều công trình đang xây dựng chưa hoàn thiện là những nguyên nhân trực tiếp tác động đến tình hình dịch bệnh tăng. Từ đầu năm đến nay, ngoài 3 đợt chiến dịch của tỉnh, chúng tôi đã tổ chức 5 đợt chiến dịch chủ động, ra quân rầm rộ nhằm tạo sự lan tỏa, giúp người dân ý thức hơn trong phòng bệnh”. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, nên theo ghi nhận vài tuần gần đây, tình hình dịch bệnh SXH ở huyện Châu Thành có chiều hướng giảm. Nếu tuần 42, huyện xuất hiện 13 cas bệnh, thì từ tuần 43 đến nay, dịch bệnh chỉ trong mức 3-5 cas/tuần.

Mặc dù vậy, ở nhiều địa phương vẫn còn những khó khăn nhất định trong công tác phòng, chống dịch do hạn chế về nguồn nhân lực. Điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến việc ra quân đồng loạt cũng như vãng gia tại hộ gia đình hoặc kiểm tra đánh giá sau chiến dịch. Ông Trần Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, cho biết: “Nguồn nhân lực ít khiến địa phương khó có thể triển khai chiến dịch đồng loạt, tạo sự lan tỏa, gây chú ý nơi người dân. Thêm vào đó, nhiều hộ dân đi làm ăn xa, nên việc đảm bảo vệ sinh môi trường chưa được thực hiện tốt; một bộ phận nhỏ người dân thiếu quan tâm đến việc phòng bệnh…”.

Nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra cho ngành y tế địa phương khi đây vẫn là giai đoạn cao điểm bệnh SXH có nguy cơ bùng phát nếu không thực hiện những biện pháp mạnh, khống chế kịp thời. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người tỉnh, đã tiến hành triển khai thực hiện Chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng, phòng, chống bệnh SXH, bệnh do vi-rút zika và bệnh tay - chân - miệng đợt IV. Sáng nay (18-11), các xã, phường, thị trấn trong tỉnh sẽ đồng loạt ra quân thực hiện chiến dịch.

 Theo thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, do tình hình dịch bệnh có nhiều biến động, nên chiến dịch đợt IV năm nay triển khai sớm hơn một tháng so với năm 2018. Mục tiêu nhằm tạo ra phong trào chống dịch bệnh rầm rộ; nâng cao nhận thức người dân về lợi ích của việc phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn người dân cách xử lý các dụng cụ chứa nước, chủ động diệt muỗi, diệt lăng quăng, vệ sinh cá nhân để phòng bệnh. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế, lưu ý: “Tôi đề nghị các địa phương cần chủ động xử lý mầm bệnh một cách triệt để, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân quan tâm việc đảm bảo vệ sinh môi trường phòng, chống bệnh. Mong rằng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chiến dịch đợt IV sẽ đạt hiệu quả cao, tạo sự đồng tình, lan tỏa, nâng cao ý thức phòng bệnh trong Nhân dân”.

Chiến dịch đợt IV năm nay triển khai sớm hơn một tháng so với năm 2018

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, do tình hình dịch bệnh có nhiều biến động, nên Chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng, phòng, chống bệnh SXH, bệnh do vi-rút zika và bệnh tay - chân - miệng đợt IV năm nay triển khai sớm hơn một tháng so với năm 2018. Mục tiêu nhằm tạo ra phong trào chống dịch bệnh rầm rộ; nâng cao nhận thức người dân về lợi ích của việc phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn người dân cách xử lý các dụng cụ chứa nước, chủ động diệt muỗi, diệt lăng quăng, vệ sinh cá nhân để phòng bệnh.

 

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>