Xử trí đúng cách khi bị bong gân

22/09/2017 | 06:06 GMT+7

Bong gân là một tổn thương ở dây chằng khớp, xảy ra bởi sự tác động quá mức, sai tư thế, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, chơi thể thao,… Các chấn thương này sẽ làm khớp xê dịch đột ngột, thậm chí trật khớp ra khỏi vị trí bình thường diễn ra trong khoảnh khắc rồi trở về bình thường. Bong gân thường xảy ra nhất ở mắt cá chân. Thỉnh thoảng, khi mọi người ngã và chống tay xuống đất, họ bị bong gân ở cổ tay, ở ngón tay cái,...

Bong gân thường xảy ra nhất ở mắt cá chân.

Theo khuyến cáo của BSCKI Lê Văn Hái, Trưởng khoa Ngoại Chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang, ngay sau khi bị bong gân dù nặng hay nhẹ cũng cần được chườm lạnh lập tức. Dùng nước đá đập thành cục nhỏ, cho vào túi ni-lông. Phủ lên da một lớp khăn hoặc vải mỏng rồi đặt túi nước đá lên vùng bong gân nhằm tránh không cho nước đá tiếp xúc trực tiếp lên da có thể gây bỏng lạnh. Tác dụng của chườm đá sẽ làm dịu đau, co mạch, ngưng chảy máu và bớt phù nề. Nên kê cao đầu chân bị bong gân khi nghỉ ngơi và nằm ngủ. Có thể dùng băng thun để băng ép khớp bong gân, giữ ít nhất 48 giờ nhưng không băng chặt quá sẽ hạn chế lưu thông máu.

Điều tuyệt đối không được áp dụng là xoa bóp để làm nóng bằng các loại dầu, cồn, rượu (ngay cả rượu thuốc, mật gấu), không được chườm nóng, không tiêm bất cứ thuốc gì vào vùng bong gân vì làm như vậy có nguy cơ làm giãn mạch, chảy máu nhiều hơn và càng phù nề thêm. Nếu dùng băng thun thì không được băng quá chặt vì có thể sẽ gây đau nhức, bầm tím thêm chỗ bị bong gân. Để giảm đau, chống phù nề có thể dùng một số thuốc được bác sĩ khám bệnh kê đơn, người bệnh cần tuân theo, không được tự mua thuốc để điều trị.

HỒNG DIỄM ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>