Ít người làm được nhiều việc ?

05/09/2024 | 05:10 GMT+7

Ngoài ít người, nhiều việc và đạt nhiều kết quả, cán bộ, đảng viên Hậu Giang còn quan tâm thực hiện Quy định số 101 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, lãnh đạo tỉnh cho thấy bộ máy tổ chức ở tỉnh không những gọn mà còn… tinh.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, sử dụng bút lông, bảng trắng hướng dẫn xây dựng vị trí việc làm.

Bài 2: Khi Bí thư Tỉnh ủy sử dụng… bút lông, bảng trắng

Chỉ đạo đúng, trúng, sát thực tế nên Hậu Giang đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng trong bối cảnh người ít, việc nhiều.

Quyết liệt, quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành

Xây dựng Đề án vị trí việc làm, trong đó có bản mô tả vị trí công việc và khung năng lực vị trí việc làm là nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng cũng là việc khó. Vậy mà Hậu Giang thực hiện sớm hơn 1,5 năm so với thời gian Trung ương quy định. Trong kết quả này có dấu ấn rất lớn của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành.

Bí thư Tỉnh ủy có 12 cuộc làm việc với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh và các cơ quan liên quan để nghe báo cáo, đôn đốc, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Tại cuộc họp liên quan vào ngày 11-8-2023, Bí thư Tỉnh ủy đã sử dụng bút lông viết trên bảng trắng để cập nhật, trao đổi, gợi mở nhiều nội dung đáng quan tâm như: khi xây dựng vị trí việc làm cần xác định rõ trong cơ quan, đơn vị có bao nhiêu vị trí việc làm và tương ứng với mỗi vị trí việc làm đó có bao nhiêu cán bộ để hoàn thành; xác định năng lực giải quyết công việc của cán bộ theo từng cấp độ từ đơn giản đến phức tạp…

Một cán bộ dự cuộc họp hôm đó chia sẻ rằng hình ảnh Bí thư Tỉnh ủy sử dụng bút lông, bảng trắng để lại ấn tượng đẹp về người đứng đầu rất sâu sát, trách nhiệm cao với công việc và có tầm hiểu biết sâu rộng.

Trong thực hiện, Bí thư Tỉnh ủy luôn đề ra các mốc thời gian hoàn thành cho từng công việc; đồng thời phân công, giao nhiệm vụ cụ thể, rõ người, rõ việc, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai.

Sự quyết liệt, trách nhiệm của Bí thư Tỉnh ủy đã truyền cảm hứng, sự quyết tâm đến các cấp, các ngành có liên quan. Để rồi Hậu Giang tiên phong, đi đầu trong cả nước về thực hiện nhiệm vụ này, hoàn thành việc xây dựng bản mô tả vị trí công việc và khung năng lực vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội sớm hơn 1,5 năm so với mốc thời gian Trung ương quy định.

Việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy rõ hơn tinh thần quyết liệt, quyết tâm, sâu sát trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của lãnh đạo tỉnh.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch với tinh thần “thực hiện sớm, đạt chất lượng cao”, vấn đề nào chưa sâu, chưa rõ thì tiếp tục trao đổi, bàn bạc đi đến thống nhất. Đây chính là cơ sở để Hậu Giang là tỉnh thứ hai trong cả nước (sau tỉnh Quảng Ninh) được Chính phủ ký quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch.

Còn nhớ, trong buổi sáng ngày 9-7-2024, liền sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức, Tỉnh ủy Hậu Giang đã tổ chức Hội nghị thông qua dự thảo Kế hoạch chỉ đạo đại hội đảng bộ các cấp trong tỉnh tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XV và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Có lẽ, ở nhiệm vụ này, Hậu Giang là một trong những địa phương triển khai sớm nhất cả nước; một lần nữa cho thấy sự chủ động, quyết liệt của các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Làm sớm sẽ góp phần tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, là căn cứ để các cấp ủy đảng dựa vào đó triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức đại hội.

Đổi mới lề lối làm việc

Trong thực hiện nhiệm vụ, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền nêu cao tinh thần “Đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”. “Đổi mới” được Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu đầu tiên với mong muốn cả hệ thống chính trị phải luôn luôn đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ để hiệu quả cao hơn, ngày càng tiến bộ và tránh lối mòn, cũ kỹ. Không “chỉ đạo suông”, lãnh đạo tỉnh có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, điều hành, đổi mới về lề lối làm việc.

Mỗi ngày trong tuần, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ dành thời gian ngoài giờ làm việc để hội ý, trao đổi công việc. Đây là cách làm hiệu quả cao để tất cả có chung một chí hướng, đoàn kết thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.

Học tập và làm theo gương Bác về nề nếp, tác phong trong công việc, Hậu Giang bố trí các cuộc họp định kỳ như: Thường trực, chi bộ, tiếp dân cố định thời gian trong tháng, cách làm hay này tạo nhiều thuận lợi trong bố trí lịch xử lý các công việc của tháng, góp phần định ra thời gian công việc của quý, năm thêm khoa học và mang đến nhiều thuận lợi trong giải quyết công việc.

Đổi mới trong việc tổ chức các cuộc họp, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức theo hình thức mở rộng ra đến cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp xã thông qua họp trực tuyến. Nhờ đó, cán bộ chủ chốt cấp xã, cấp huyện có thể tiếp thu đầy đủ nội dung các chương trình, nghị quyết, đề án do Tỉnh ủy xây dựng, ban hành.

Ông Trần Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, đánh giá cao cách làm này: “Trước đây, nội dung các chương trình, nghị quyết của Tỉnh ủy và các ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại các cuộc họp sẽ được Huyện ủy quán triệt, triển khai về cho cấp xã thực hiện. Nhờ họp trực tuyến mà lãnh đạo cấp xã trực tiếp nghe các nội dung chỉ đạo của Tỉnh ủy, từ đó việc triển khai thực hiện ở địa phương mình được đầy đủ, nhanh chóng, hiệu quả hơn, giảm được thời gian, chi phí đi họp”.

Khi lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xuống làm việc tại các huyện, thị, thành thì thành phần cùng dự không đông, chỉ mời một số lãnh đạo sở, ngành có liên quan để lắng nghe, tham gia gỡ khó cho địa phương.

Lãnh đạo tỉnh còn chỉ đạo các sở, ban, ngành nếu không quá cần thiết thì hạn chế xuống làm việc với địa phương, tránh tình trạng địa phương tốn nhiều thời gian để đón tiếp…

Sâu sát với cơ sở

Nhiều năm qua, Hậu Giang không có khiếu nại, khiếu kiện đông người, phức tạp là nhờ quyết sách hợp lòng dân. Sâu sát cơ sở, lắng nghe, giải quyết các vấn đề khó khăn, bức xúc của Nhân dân là “chìa khóa” mang lại thành công này.

Từ năm 2019 đến nay, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức 26 cuộc tiếp xúc, đối thoại với các tầng lớp nhân dân, có 8.669 lượt người tham dự, ghi nhận 24.148 ý kiến, kiến nghị. Đáng nói, 100% ý kiến, kiến nghị đã được chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ. Kết quả này của Hậu Giang đã được Ban Dân vận Trung ương biểu dương, khen ngợi.

Thường xuyên vào ngày nghỉ cuối tuần, lãnh đạo tỉnh sắp lịch đi kiểm tra việc thi công các công trình, dự án trọng điểm để nắm bắt, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc; hay đi thăm các mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao để có hướng chỉ đạo nhân rộng; rồi khảo sát ở những nơi xảy ra sạt lở nghiêm trọng để chỉ đạo khắc phục, hỗ trợ người dân vượt khó…

Lãnh đạo tỉnh còn dành thời gian dự sinh hoạt chi bộ, tiếp dân ở ấp, khu vực với mong muốn hiểu được tổ chức đảng ở cơ sở và người dân còn trăn trở điều gì để trong lãnh đạo, điều hành sát hợp hơn.

Dự sinh hoạt Chi bộ ấp Mỹ Thuận 1, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, thấy mừng vì chi bộ đã làm tốt vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo Nhân dân hoàn thành tốt các nhiệm vụ chung.

Tuy nhiên, điều Bí thư Tỉnh ủy trăn trở là tỷ lệ hộ nghèo của ấp còn khá cao. Do đó, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị chi bộ cần tuyên truyền, vận động hộ nghèo nêu cao ý chí vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại; đồng thời tích cực hướng dẫn bà con thực hiện các mô hình làm ăn hiệu quả, phù hợp với điều kiện ở địa phương và của từng hộ.

Nghe Chi bộ ấp Mỹ Thuận 1 đang thiếu máy tính, máy in, Bí thư Tỉnh ủy đã vận động xã hội hóa tặng các trang thiết bị này cho chi bộ.

Tháng 3-2024, thay vì tiếp công dân tại trụ sở, ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đến Nhà văn hóa khu vực 1, phường III, thành phố Vị Thanh, để tiếp công dân.

Cụ thể, sau khi tiếp nhận được nội dung yêu cầu tiếp công dân của hộ bà P. và bà N., cùng ngụ khu vực 1, thì Chủ tịch HĐND tỉnh lên lịch gặp gỡ.

Theo thông tin thì hai hộ trên phát sinh mâu thuẫn trong sinh hoạt từ năm 2019, dù được các cấp có thẩm quyền giải quyết, tuy nhiên các bên cảm thấy chưa thỏa đáng nên vụ việc kéo dài, gây ảnh hưởng đến tình cảm xóm giềng, an ninh trật tự địa phương.

Trách nhiệm với dân, ông Trần Văn Huyến đến lắng nghe, chia sẻ tâm tư, tình cảm, vướng mắc của hộ dân. Qua phân tích và chia sẻ chân tình của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, bà P. và bà N. cùng trao đổi thêm, nhận thức được những khuyết điểm của bản thân. Kết thúc, 2 hộ đồng ý xóa bỏ hiềm khích, cùng nhau đoàn kết, giữ vững tình làng nghĩa xóm.

Thực tiễn đã chứng minh, “cán bộ nào, phong trào nấy”. Do đó, ở nơi nào người đứng đầu tiên phong, gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm thì nơi đó nội bộ đoàn kết, tập thể vững mạnh, hoạt động nền nếp, hiệu quả, bảo đảm được kỷ cương, kỷ luật. Ở Hậu Giang cũng vậy, bộ máy tổ chức không những gọn mà còn… tinh, cấp trên quyết liệt thì cấp dưới quyết tâm…

TRƯỜNG SƠN - CẨM LÌNH

Bài 3: Cấp trên quyết liệt, cấp dưới quyết tâm

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>