Để bù đắp tiến độ chậm trong năm 2023, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, Bộ Giao thông Vận tải - chủ đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) cho biết sẽ tổ chức thi công xuyên tết. Sau đây là một số hình ảnh được phóng viên Báo Hậu Giang ghi nhận.
“Đại lộ sinh đại phú”, Hậu Giang xác định dự án Đường bộ cao tốc qua địa bàn tỉnh là cơ hội để tỉnh bứt tốc phát triển trong thời gian tới. (Trong ảnh: Ông Nghiêm Xuân Thành (bìa trái), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang thăm, động viên các đơn vị thi công cao tốc đang được triển khai qua địa bàn tỉnh).
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có tổng chiều dài gần 111km, tổng mức đầu tư hơn 27.520 tỉ đồng, khởi công ngày 1-1-2023. Dự án đi qua địa bàn thành phố Cần Thơ và bốn tỉnh gồm: Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, với hơn 4.000 hộ dân bị ảnh hưởng, được chia thành hai dự án thành phần gồm Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đã đạt 99%.
Theo chủ đầu tư, sau ngày khởi công, dự án đã triển khai đồng loạt trên toàn tuyến với 146 mũi thi công, huy động hơn 688 thiết bị các loại và hơn 900 kỹ sư, công nhân... để thi công đào hữu cơ, đắp cát đường cao tốc, đường công vụ, thi công cầu tạm, cầu trên cao tốc...
Sau gần 12 tháng, hiện sản lượng toàn dự án chỉ đạt 3.255/18.803 tỉ đồng, đạt 17,3%, trong khi kế hoạch năm 2023 đặt ra là 35%.
Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho hay trong năm 2023, dự án gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường, khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, thời tiết bất lợi... dẫn đến công tác thi công dự án chậm khoảng 6 tháng.
Đến nay, các khó khăn của dự án đã cơ bản được tháo gỡ, cụ thể, về vật liệu, các tỉnh An Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp đã giới thiệu các mỏ cát cho dự án, với trữ lượng đạt khoảng 16 triệu m3. Đồng thời, đã hoàn thiện các thủ tục để khai thác khoảng hơn 6 triệu m3 và các nhà thầu đã khai thác, tiếp nhận được hơn 1,5 triệu m3 về công trường.
Về mặt bằng, tại Hậu Giang đến nay đã bàn giao mặt bằng của 2.054/2.067 hộ, diện tích 360,79ha, bằng 99,79%.
Xác định năm 2024 có vai trò rất quan trọng, mang tính quyết định để cao tốc hoàn thành trong năm 2025, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề nghị liên danh tư vấn giám sát và các nhà thầu tổ chức phát động thi đua “Xuân trên công trường”.
Qua đó, triển khai thi công xuyên Tết Dương lịch 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn; tăng cường tổ chức thi công “ba ca bốn kíp” để bù đắp khối lượng, sản lượng đã chậm của năm 2023. Đồng thời, huy động đầy đủ, kịp thời thiết bị, tranh thủ tối đa điều kiện thời tiết mùa khô, tổ chức thi công tăng ca tất cả các mũi thi công ngay thời điểm hiện nay.
Chủ đầu tư cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đề ra nhiệm vụ và kế hoạch triển khai thi công trong năm 2024, cụ thể: Triển khai thi công đồng loạt 100% số lượng cầu, hoàn thành 50% số lượng cầu đến bê tông bản mặt cầu trước ngày 30-6-2024; hoàn thành số lượng cầu còn lại đến bê tông bản mặt cầu trước cuối năm 2024. Đường công vụ và cầu tạm phải hoàn thành 100% khối lượng trong tháng 1-2024. Huy động 100% vật liệu cấp phối đá dăm về công trường; huy động từ nhiều nguồn. Hoàn thành 100% cọc xi măng đất, xử lý nền đất yếu và triển khai xong đắp gia tải đối với tuyến cao tốc. Sản lượng năm 2024 của hai dự án thành phần phải đạt trên 9.000 tỉ đồng, trong đó đoạn Cần Thơ - Hậu Giang phấn đấu đạt khoảng 4.000 tỉ đồng và đoạn Hậu Giang - Cà Mau phấn đấu đạt khoảng 5.000 tỉ đồng. |
MỘNG TOÀN