Thứ Ba, ngày 05/02/2019 | 07:04
Một ngày tháng 12-2018, Hai Phương loay hoay sửa chiếc bánh lái máy trục. Nước lũ bắt đầu rút, anh chuẩn bị “o bế” đất để xuống giống lúa Đông xuân. Hai Phương là con ông Út Ghiền, một nông dân cốt cựu sinh sống bằng nghề trồng lúa bên dòng Xà No. Út Ghiền cùng với ông Bảy Quí là những nông dân đã tạo nên một thế hệ gắn bó với cây lúa, tạo nên thương hiệu lúa gạo miệt Ngàn gắn với dòng chảy 100 năm của kinh xáng Xà No !
Những hình ảnh thân thương của nông dân Nam bộ một thời được tái hiện trong Lễ hội Ngày mùa ở Hậu Giang năm 2014.
Từ Festival lúa gạo Việt Nam đầu tiên…
Hai Phương có bằng kỹ sư cầu đường, ra trường đi làm thuê cho doanh nghiệp ở miền Đông được 5 năm. Sau nhiều phen trăn trở, anh quyết định trở về quê cha ở miệt “12.500 - Mười Hai Ngàn Rưỡi” kế nghiệp cha trồng lúa. Hai Phương vừa bước qua cái tuổi mà người xưa hay nói “tứ thập nhi bất hoặc” (tới 40 tuổi mới có thể hiểu thấu mọi sự lý trong thiên hạ). Nhìn Hai Phương loay hoay bên chiếc bánh lái máy trục, ông Nguyễn Văn Út (Út Ghiền), cười như mãn nguyện. Tết Kỷ Hợi 2019 này, ông Út Ghiền cũng vừa bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy” (bảy mươi tuổi xưa nay hiếm). Người dân ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, không xa lạ với ông Út Ghiền. Bởi, ông là một trong những người đi tiên phong góp sức gây dựng cánh đồng mẫu đầu tiên của tỉnh Hậu Giang. Nông dân trong xóm ví von gọi ông Út Ghiền là Chủ nhiệm Cánh đồng mẫu (thay vì gọi chủ nhiệm HTX). Ông Út Ghiền là thế hệ nông dân có thể nói vanh vách về miệt Ngàn. Ông nói từ đầu thế kỷ 20, sau khi đào kinh xáng Xà No, người Pháp tiếp tục “xẻ” khoảng 30 tuyến kinh: 1.000m đào một con kinh; các kinh lớn từ 1.000-1.500, chen vào giữa là 500m một con kinh nhỏ. Đây được xem là hệ thống thủy lợi đầu tiên để khai phá vùng đất màu mỡ phù sa. Ngày nay, khi tuyến đường nối Cần Thơ - Vị Thanh được đấu nối đã tạo nên một cung đường thú vị đi qua miệt Ngàn. Theo nhà văn Sơn Nam: những địa danh này gắn liền với kinh xáng Xà No - con kinh quan trọng nhứt vùng Hậu Giang do người Pháp cho đào từ đầu thế kỷ XX - nối từ Cần Thơ qua Kiên Giang, vùng trồng lúa quan trọng ven sông Hậu. Từ kinh lớn này có những con kinh sườn. Hệ thống kinh này đã dẫn nguồn nước ngọt từ sông Hậu vô tưới những đồng lúa bạt ngàn, rồi từ đây ghe xuồng lại chở lúa ra kinh Xà No nơi có những chiếc xà lan lớn đang chờ “ăn” lúa đưa về Cần Thơ, Kiên Giang, Sài Gòn và nhiều nơi khác. Kinh Xà No vẫn được coi là “con đường lúa gạo” của miền Tây sông Hậu.
Ông Út Ghiền và người con trai bên ngôi nhà khang trang nằm cạnh dòng Xà No.
Ông Út Ghiền là bạn tri giao với lão nông Bảy Quí (Lâm Ngọc Quang cùng sống ven kinh Xà No). Họ là những nông dân tạo nên “thương hiệu nông dân miệt Ngàn” gắn liền với hành trình cây lúa miền Hậu Giang. Năm 2009 (sau 5 năm thành lập tỉnh), Hậu Giang tạo điểm nhấn khi đi tiên phong tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam đầu tiên. Hồi ấy, Bảy Quí là một trong số 50 nông dân từ 34 tỉnh, thành trong cả nước được tôn vinh và nhận Bằng khen của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về “Nông dân sáng tạo - sản xuất lúa giỏi”. Ông Bảy Quí và ông Út Ghiền là những nông dân đã tạo nên kỳ tích sản xuất, cung ứng cho nông dân hơn 3.500 tấn lúa giống chất lượng cao, kháng sâu bệnh, chịu phèn... cùng các nhà khoa học ở các viện, trường tập huấn cho nông dân về những kỹ năng cần thiết để trồng lúa.
Đến Lễ hội Ngày mùa
Ông Bảy Quí được vinh danh năm 2009, 5 năm sau (năm 2014), ông Út Ghiền nằm trong nhóm 20 nông dân được vinh danh tại Lễ hội Ngày mùa trên cánh đồng mẫu để tri ân những đóng góp của họ. Sau Festiaval lúa gạo đầu tiên, Lễ hội Ngày mùa được xem điểm nhấn “có một không hai” trong hành trình vừa tròn 15 năm của tỉnh Hậu Giang. Lễ hội Ngày mùa được tổ chức ven tuyến đường nối Vị Thanh - Cần Thơ, thuộc địa phận xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy. Hôm ấy, nhiều người dân được dịp quay lại những hình ảnh thân thương của nghề nông cổ truyền, nông dân thi cắt lúa bằng lưỡi hái. Rồi lại có dịp chứng kiến cả chục chiếc máy gặt đập liên hợp thi thố cắt lúa trên cánh đồng mẫu lớn. Đó cũng là năm gắn liền với sự “nở nồi” đất trồng lúa của ông Út Ghiền khi ông mua thêm 7 công đất để nâng diện tích đất trồng lúa lên 3ha. Đó cũng là năm mà theo ông Út Ghiền, đất trồng lúa đạt năng suất cao nhất trong đời trồng lúa của ông. Cụ thể, đất của ông Út Ghiền trồng lúa đạt năng suất 26 tấn/3 vụ/ha/năm (cao nhất là lúa Đông xuân đạt năng suất 10 tấn/ha). Lúa chất lượng cao trong cánh đồng mẫu trúng lớn, được doanh nghiệp bao tiêu mua giá khá cao thời điểm ấy 4.700 đồng/kg. Ông Út Ghiền dành tiền lời mua thêm 7 công đất. Hồi ấy, anh Năm Biên (Hà Văn Biên, nguyên Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy), nói vui: “Út Ghiền à! Ông làm một công lúa để dành ăn hổng hết trong năm”! Anh Năm Biên và anh Sáu Vui (Nguyễn Văn Vui, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy), đều là cán bộ xuất thân từ ngành nông nghiệp. Và cả hai anh đều gắn bó mật thiết với những lão nông như ông Út Ghiền, đều qua họ chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật như máy sạ hàng, lúa chất lượng cao… Hơn 50 năm gắn bó với nghề trồng lúa bênh kinh xáng Xà No, ông hiểu nỗi đau từ thời cha ông trồng lúa phải nộp tô cho chủ đồn Điền, ông cũng hiểu cái dở của “thời xa vắng” khi làm lúa tập đoàn, năng suất không cao… Ông Út Ghiền thừa biết giờ là thời máy gặt đập liên hợp; và phải giã từ làm lúa khi “trông trời sa mưa” để thay thế bằng giống lúa cao sản, phẩm cấp cao... Ngược dòng thời gian mấy chục năm về trước, khi còn làm lúa một vụ (lúa mùa), khi sa mưa (khoảng tháng tư) nông dân bắt đầu cày đất, gieo mạ, rồi cấy lúa... chờ đến Tết Nguyên đán mới thu hoạch! Theo năm tháng khi da bàn chân chai sạn thêm, ông Út Ghiền hiểu rõ quá trình chuyển mình của những kỹ năng trồng lúa ở đất đồng bằng: những “con trâu sắt” xuất hiện, chiếc vòng gặt “cổ điển” xếp vào “xó bếp” nhường chỗ cho máy cắt lúa xếp dãy... Ông Út Ghiền giờ thuộc lòng những quy trình sản xuất, những tiến bộ bước ngoặt của kỹ năng trồng lúa. Ông cũng là một trong những nông dân đầu tiên được ngành khuyến nông tỉnh hỗ trợ máy giê lúa sản xuất lúa giống. Ngoài ra, ông cũng được hỗ trợ máy tách hạt lúa giống. Giờ Út Ghiền nhường lại cho một HTX nông nghiệp. Và bản thân ông Út Ghiền đã tự mua máy gieo giống, máy phun thuốc và 3 máy bơm tưới giao cho người con trai là anh Hai Phương để tiếp bước ông với nghề trồng lúa.
Con đường lúa gạo nằm xen giữa vào miệt Ngàn nối Cần Thơ với Hậu Giang.
Những người “ngồi cùng thuyền”
Sẽ không trọn vẹn khi nói về hành trình cây lúa miệt Ngàn mà không nhắc đến ông Nguyễn Văn Đồng (Chín Đồng), nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang. Một vị “nhạc trưởng ngành nông nghiệp” cả đời gắn bó với nông nghiệp và gắn liền với những vui buồn của cây lúa Hậu Giang trong 15 năm qua.
Để khai thác đất sản xuất của tiểu vùng Tây sông Hậu ngày nay, người Pháp đã xây dựng hệ thống thủy lợi khá thích nghi với vùng đất này. Hệ thống kinh miệt Ngàn hiện nay cùng với kinh xáng Xà No đã tạo ra “vành đai thủy lợi” sơ khởi đã khai thác đất sản xuất thích nghi với hai mùa mưa - nắng. Nhưng kỹ sư Chín Đồng mới là người nắm rõ hệ thống các cống hở lưỡi gà dọc theo miệt Ngàn. Theo đó, mùa mưa lũ, các cống hở sẽ dẫn nước ngọt chảy ra biển Tây; đến mùa khô, các cống hở này sẽ “tự đóng lưỡi gà” để ngăn mặn. Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, kỹ sư Chín Đồng là một trong những kỹ sư nông nghiệp đầu tiên lặn lội tìm hiểu hệ thống “cống lưỡi gà” ở miệt Ngàn. Sau đó, vận dụng xây dựng các cống hở ngăn mặn ở các vùng giáp mặn ở Long Mỹ, Vị Thanh.
Có thể nói, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã “đi tắt đón đầu” gắn với một định hướng đúng nên khi Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Hậu Giang đã có bước “chạy đà” quan trọng để thực hiện chương trình này. Nhìn lại khi mới thành lập tỉnh, đời sống nông dân còn nhiều khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa nên tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật vẫn còn hạn chế. Giá thành sản xuất nông sản của nông dân Hậu Giang còn rất cao. Nổi lên là giá thành sản xuất lúa lúc đó lên đến 4.000 đồng/kg. Nhiều người nói giá thành sản xuất lúa của nông dân Hậu Giang cao ngất ngưởng, đứng đầu bảng ĐBSCL ở thời điểm đó không sai. Ngành nông nghiệp nghe cũng đau. Đau có một phần sĩ diện, nhưng đau nhất là khi giá thành cao, lợi nhuận của nông dân sẽ thấp. Cùng với việc tăng cường đẩy mạnh chuyển giao các biện pháp canh tác tiên tiến như “3 giảm, 3 tăng”, phủ 3 kỹ sư (khuyến nông, trồng trọt, thú y) về tận xã…; ngành nông nghiệp tiếp tục tham vấn cho lãnh đạo tỉnh ban hành đề án Cơ giới hóa trong sản xuất lúa (giai đoạn 2012-2015), gắn với Quyết định 68/QĐ-TTg về Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp của Thủ tướng Chính phủ đã tạo cơ sở vững chắc để nông dân hạ giá thành trong sản xuất lúa. Cùng lúc này, các đề án như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi (gọi tắt là đề án 1.000), Nâng cao chất lượng hoạt động HTX, Phát triển trạm bơm điện, các dự án sử dụng vốn Ngân hàng Thế giới… đã tạo nên sự đột phá trong ngành nông nghiệp. “Giá thành sản xuất lúa của nông dân Hậu Giang dưới 3.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực ĐBSCL. Giá thành sản xuất thấp, cùng với trúng mùa, trúng giá đậm trong năm 2018, niềm vui của ngành nông nghiệp cùng hòa trong niềm vui của nông dân Hậu Giang”, kỹ sư Chín Đồng nói như lời tạm biệt khi nhận quyết định về hưu vào những ngày cuối năm 2018.
Những ngày cuối năm 2018, trước thềm năm Kỷ Hợi 2019, Hậu Giang đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế Xanh 2018 - Hậu Giang xây dựng chuỗi giá trị nông sản trên nền tảng logistics. Nói như ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang: “Diễn đàn Kinh tế Xanh 2018, được xem như Hội nghị Diên Hồng về phát triển nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang”. Một chi tiết khá thú vị, khi trong bài phát biểu của mình tại diễn đàn, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đã đề cập đến dòng Xà No: “Từ năm 1901, tiềm năng về phát triển nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang đã được người Pháp phát hiện và đánh thức bằng việc cho xây dựng nên hệ thống kinh xáng Xà No - công trình thủy nông lớn nhất Nam kỳ thời đó, đã thực sự trở thành con đường nông sản sôi động nhất của khu vực ĐBSCL. Qua hơn 100 năm sau, nền nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang đã có bước phát triển rất đáng ghi nhận với vùng sản xuất nông nghiệp đa dạng, phong phú, rộng lớn với nhiều nông sản chủ lực và nhiều mặt hàng đặc sản có giá trị khác. Đang dần hình thành những vùng sản xuất tập trung, những cánh đồng lớn, với các tổ hợp tác, hợp tác xã và những nông dân tiên tiến”…!
Tôi nhớ có lần ngồi chung xe với ông Bảy Chánh (Trần Công Chánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang) đi qua tuyến đường nối - miệt Ngàn, anh ví von rất hình tượng: “Đi qua miệt Ngàn, thấy đất mới cày đó, ít lâu lúa xanh rì, rồi vàng óng khi Tết cổ truyền về. Chưa đâu thể hiện rõ câu “Hậu Giang vùng đất không nghỉ ngơi” như nông dân miệt Ngàn chăm sóc vụ mùa nối vụ mùa”!
Bên dòng Xà No, giờ ông Út Ghiền đã chuyển nghề trồng lúa cho người con trai là Hai Phương. Tôi tin những người như Hai Phương sẽ tiếp nối thành công nghề nông của cha ông. Gió xuân đang lùa reo trên những cánh đồng lúa vàng óng ánh miệt Ngàn. Ngọn gió ấy như sợi dây kết nối làm mát lòng ân tình của những người gắn bó với dòng Xà No như các ông Út Ghiền, Bảy Quí, Chín Đồng và Bảy Chánh…!
CAO PHONG
08:37 19/11/2024
(HG) - Trong năm nay, Mặt trận các cấp trên địa bàn huyện Phụng Hiệp có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần thực hiện tốt Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
09:19 15/11/2024
Trước thực trạng còn gặp khó trong quá trình thực hiện Đề án Hậu Giang xanh và công tác bảo vệ môi trường, hiện nay các địa phương, ngành tỉnh đã tìm mọi giải pháp để tháo gỡ, góp phần hoàn thành mục tiêu Đề án và xây dựng phát triển kinh tế xanh, hướng đến Hậu Giang là nơi thật sự đáng sống.
05:06 28/12/2023
Năm 2023, các địa phương đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và cùng với sự đồng thuận, chung tay thực hiện Đề án Hậu Giang xanh trong cộng đồng đã tạo cho môi trường thêm trong lành, là nơi đáng sống.
05:15 26/12/2023
Hợp tác xã (HTX) Tân Long (xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy) canh tác lúa theo hướng hữu cơ, làm nên thương hiệu gạo sạch, là điểm sáng trong phát triển sản phẩm nông nghiệp xanh.
13:37 09/12/2023
(HGO) - Theo kế hoạch thì vào lúc 20 giờ ngày 12-12-2023, lễ khai mạc Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 (Festival) sẽ chính thức được khai mạc tại Quảng trường Hòa Bình, thuộc phường V, thành phố Vị Thanh.
08:40 25/10/2023
Qua gần 3 năm triển khai thực hiện, Đề án Hậu Giang xanh đã tạo nhiều chuyển biến tích cực, làm cho cảnh quan môi trường trên địa bàn thành phố Ngã Bảy ngày càng xanh - sạch - đẹp.
19:02 14/02/2023
Qua 2 năm thực hiện Đề án Hậu Giang xanh đã góp phần thay đổi ý thức người dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường, giúp cảnh quan môi trường trên địa bàn tỉnh ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp.
07:59 29/05/2020
(HG) - Chiều ngày 28-5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên có buổi làm việc với các sở, ban, ngành, địa phương và nhóm đơn vị tư vấn để thông qua Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
19:28 09/04/2020
(HG) - Theo định hướng của tỉnh, tới đây sẽ tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, khuyến nông, thông tin và hợp tác quốc tế liên quan đến an ninh lương thực.
07:43 09/03/2020
Tạo ra sản phẩm sạch để an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường là mục tiêu chính của mô hình nông nghiệp xanh đang được ngành chức năng huyện Phụng Hiệp khuyến cáo người dân thực hiện.
20:15 23/11/2024
(HG) – Chiều muộn ngày 23-11, ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, tiếp và làm việc với ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đến hỗ trợ cho công tác an sinh xã hội của tỉnh.
16:10 23/11/2024
(HGO) - Quỹ Nam Phương cùng Liên Hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, UBND thị trấn Cái Tắc (huyện Châu Thành A) vừa phối hợp tổ chức Lễ khánh thành cầu Khang Đức nối liền 2 ấp Tân Phú A và Tân Long A của thị trấn Cái Tắc.
13:29 23/11/2024
(HG) - Sáng ngày 23-11, tại thành phố Cần Thơ, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Giải pháp nhân rộng các mô hình thí điểm thành công của Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030”.
11:09 23/11/2024
(HGO) - Đoàn khảo sát do bà Mã Thị Tươi, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, làm Trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với UBND huyện Long Mỹ về tình hình thực hiện “Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.