Nâng tầm sản phẩm

Thứ Năm, ngày 30/05/2019 | 06:22

Với mục tiêu trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế của tỉnh theo hướng nâng tầm chất lượng, tạo chỗ đứng trên thị trường để nâng cao giá trị và mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân, Hậu Giang đang tích cực triển khai Đề án “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” bằng nhiều việc làm thiết thực.

Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương sẽ góp phần tạo đầu ra ổn định cho người dân.

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018, UBND tỉnh xây dựng Đề án OCOP, giai đoạn 2018-2020. Theo đó, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Bên cạnh đó, OCOP còn là một trong những giải pháp để góp phần giải quyết tồn tại trong sản xuất các sản phẩm, dịch vụ ở nông thôn hiện nay. Kế hoạch đề ra trong giai đoạn 2018-2020 là Hậu Giang dự kiến phát triển 31 loại sản phẩm và dịch vụ OCOP. Từ mục tiêu trên và khi Đề án OCOP được ban hành thì các sở, ban, ngành tỉnh và chính quyền địa phương trong tỉnh đã triển khai có hiệu quả nhiều công việc liên quan.

Xác định nhiều sản phẩm đặc trưng

Tiến sĩ Nguyễn Duy Cần, Trưởng Khoa phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Hậu Giang là một trong những tỉnh thực hiện chương trình OCOP sớm nhất của vùng ĐBSCL. Mặt thuận lợi khi Hậu Giang triển khai OCOP là ngành nông nghiệp của tỉnh có nền tảng phát triển và định hướng được những đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực, đồng thời có nhiều sản phẩm có lợi thế sinh thái đặc thù theo từng vùng nên phần nào giúp cho các địa phương trong tỉnh thuận lợi trong việc lựa chọn một số sản phẩm bước đầu mang tính đặc trưng riêng để thực hiện OCOP.

Bưởi da xanh đang là một trong 3 sản phẩm của huyện Long Mỹ thực hiện chương trình OCOP.

Từ những lợi thế của mình nên khi UBND tỉnh thông qua Đề án OCOP, từng địa phương trong tỉnh căn cứ vào đề án đã tiến hành xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện theo điều kiện thực tế tại địa phương mình. Đặc biệt, qua hơn một năm thực hiện chương trình OCOP, hiện các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã bước đầu xác định được một số mặt hàng mang tính đặc thù của mình để tiến hành đầu tư có trọng tâm và từng bước tạo được thương hiệu riêng cho một xã hoặc một vùng sản xuất nào đó khi nhắc đến.

Bà Trần Hoa Phượng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, thông tin: Khi chương trình OCOP mới được triển khai thì UBND thành phố chỉ đạo ngay cho Phòng Kinh tế thành phố phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát lại các sản phẩm có thế mạnh. Qua kiểm tra, hiện thành phố xác định có 3 sản phẩm tham gia OCOP, gồm: khóm Cầu Đúc, cá thát lát Hậu Giang, sản phẩm thủ công mỹ nghệ (đan lục bình). Bên cạnh đó, địa phương cũng đang hình thành khu du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc. Khi thành công thì đây được xem là cách làm tạo nguồn xuất khẩu sản phẩm địa phương tại chỗ rất có hiệu quả, thiết thực và đúng với mục tiêu mà OCOP đặt ra.

Giống như thành phố Vị Thanh, hiện huyện Long Mỹ cũng chọn được 3 sản phẩm, dịch vụ để tham gia OCOP là mãng cầu xiêm, bưởi da xanh và khóm; huyện Phụng Hiệp có 5 sản phẩm, dịch vụ là trà mãng cầu xiêm, trà rau đắng, chả cá thát lát và các khu du lịch; huyện Châu Thành A với 5 sản phẩm là xoài cát Hòa Lộc, măng cụt, cam mật, đinh lăng, chanh muối; thị xã Ngã Bảy với 6 sản phẩm, dịch vụ là cam sành, mãng cầu xiêm, cá tra, rượu cam sành, bánh tráng và khu chợ nổi Ngã Bảy gắn với du lịch vườn sinh thái... Ông Dương Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, cho hay: “Giống như các địa phương khác trong tỉnh, hiện Đại Thành đã xác định được sản phẩm tham gia OCOP là cam sành và cá tra. Cũng nhờ hai loại sản phẩm này đã góp phần quan trọng giúp Đại Thành trở thành xã NTM đầu tiên của vùng ĐBSCL và sắp tới là xã NTM nâng cao theo 16 tiêu chí của tỉnh”.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, do Hậu Giang là tỉnh có nền nông nghiệp chiếm ưu thế nên sản phẩm nông sản được nông dân trong tỉnh tạo ra rất lớn. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 48 sản phẩm, dịch vụ thuộc 5 nhóm sản phẩm. Tuy nhiên, với thực trạng sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ của các cơ sở như hiện nay cùng với đó là tập quán và thói quen sản xuất theo hướng tự phát không theo quy hoạch, không theo quy trình, chưa quan tâm nhiều đến chất lượng và nâng cao giá trị của sản phẩm,... là những thách thức lớn cho tỉnh khi thực hiện OCOP nên cần có những giải pháp tháo gỡ ngay trong lúc này.

Những giải pháp cấp thiết

Một trong những nhiệm vụ quan trọng được nhà khoa học gợi mở cho Hậu Giang trong việc tháo gỡ khó khăn, thách thức để thực hiện chương trình OCOP đạt hiệu quả hơn chính là làm thế nào để khuyến khích người dân sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra những sản phẩm khác biệt, ấn tượng và chất lượng nhằm thu hút người tiêu dùng. Do đó, để làm được những điều trên thì các ngành chức năng của tỉnh cần tạo môi trường sáng tạo cho người dân thông qua đánh giá và xếp hạng sản phẩm, từ đó người dân xác định được các điểm còn yếu của sản phẩm để cải tiến và tiếp tục dự cuộc thi đánh giá, xếp hạng tiếp theo. Các sản phẩm được đánh giá và xếp hạng cao hơn vẫn có thể dự thi để tiếp tục nâng cấp sản phẩm. Cách khác, Hậu Giang có thể xây dựng các chương trình với cơ cấu giải thưởng hấp dẫn dành cho các sáng kiến có tính ứng dụng thực tế và mang lại hiệu quả, lợi ích kinh tế cao.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Đông, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý NN&PTNT II, Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Bộ NN&PTNT), cho rằng: Để gia nhập và tạo chỗ đứng trên thị trường, nhất là thị trường trong thời buổi hội nhập như hiện nay thì các sản phẩm cần được cải tiến, thiết kế lại cho phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài ra, các sản phẩm cần đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu và vượt qua được các hàng rào kỹ thuật của thị trường. Để làm điều này, Hậu Giang phải tập trung vào hình thành, tái cơ cấu và hỗ trợ các tổ chức kinh tế tại cộng đồng (HTX, doanh nghiệp) hơn là các cá nhân, hộ gia đình đơn lẻ. Từ các tổ chức kinh tế cộng đồng mới có pháp nhân công bố tiêu chuẩn chất lượng và tổ chức sản xuất ở quy mô lớn hơn.

Cùng với giải pháp sáng tạo thì công tác tiếp thị, quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại cũng được không ít chuyên gia cho là khâu rất quan trọng vì quyết định phần lớn đến vấn đề định giá và khả năng tiêu thụ sản phẩm nên Hậu Giang cần làm tốt vấn đề này trong thực hiện OCOP vào thời gian tới. Ông Hoàng Bá Nghị, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ NHONHO, chia sẻ: Khi chúng ta tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, mẫu mã đẹp nhưng không biết cách tiếp thị, quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại thì việc tiêu thụ sản phẩm sẽ bị hạn chế rất nhiều, ảnh hưởng đến hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và khả năng phát triển của cơ sở, doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những điểm hạn chế lớn nhất của kinh tế khu vực nông thôn đã tồn tại trong nhiều năm qua. Do đó, các chủ thể tham gia chương trình OCOP cần phải nâng cao kiến thức về marketing thông qua hoạt động đào tạo và gia tăng kết nối với các nhà phân phối, khách hàng thông qua các kênh xúc tiến thương mại như: Hội chợ, hội thảo, bán hàng online...

Song song với các giải pháp trên, nhiều nhà khoa học, ngành chức năng và chính quyền địa phương của tỉnh còn cho rằng, tới đây cần đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú để mọi người dân đều biết chương trình OCOP là gì để có sự chung tay thực hiện như chương trình xây dựng NTM. Bên cạnh đó, ngành chức năng tỉnh cũng nên mở thêm nhiều lớp đào tạo, tập huấn để nâng cao trình độ cho cán bộ thực hiện chương trình OCOP. Bởi, đây là chương trình mới nên trong quá trình thực hiện thời gian qua thì nhiều cán bộ còn lúng túng. Liên quan đến vấn đề này, ông Huỳnh Thành Hữu, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh, cho biết: Cùng với các địa phương của tỉnh trong việc thực hiện chọn sản phẩm đặc trưng thì thời gian qua, Văn phòng điều phối NTM tỉnh đã triển khai được 8 lớp đào tạo, tập huấn về đăng ký ý tưởng cho doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ dân đang sản xuất sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đang mở 16 lớp tập huấn tuyên truyền nâng cao năng lực xây dựng NTM gắn với triển khai chương trình OCOP cho ban phát triển ấp, nông dân tiêu biểu. Song song đó là không ngừng tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo của OCOP theo kế hoạch đề ra.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Với những giải pháp mà nhà khoa học, chuyên gia đưa ra sẽ là những nội dung quý để tỉnh nghiên cứu thực hiện trong thời gian tới nhằm đưa chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh thực hiện hiệu quả hơn, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, đồng thời góp phần đưa Hậu Giang trở thành tỉnh khá trong lĩnh vực nông nghiệp của vùng ĐBSCL trong thời gian sớm nhất...

Năm 2019, Hậu Giang đề ra mục tiêu cụ thể trong thực hiện chương trình OCOP như: Phấn đấu chuẩn hóa ít nhất 25% số sản phẩm hiện có của địa phương (tương đương 12 sản phẩm). Ngoài ra, có 3 sản phẩm là khóm Cầu Đúc Hậu Giang, chanh không hạt Hậu Giang và cá thát lát Hậu Giang phấn đấu đạt tiêu chuẩn từ 4-5 sao cấp tỉnh; đồng thời có 2-3 sản phẩm cấp huyện đạt tiêu chuẩn 3-5 sao cấp tỉnh. 

 

 Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới

Xem thêm

Huyện Phụng Hiệp: Xây dựng 31 mô hình thực hiện “Đề án Hậu Giang xanh”

08:37 19/11/2024

(HG) - Trong năm nay, Mặt trận các cấp trên địa bàn huyện Phụng Hiệp có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần thực hiện tốt Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bài 3: Cần giải pháp căn cơ

09:19 15/11/2024

Trước thực trạng còn gặp khó trong quá trình thực hiện Đề án Hậu Giang xanh và công tác bảo vệ môi trường, hiện nay các địa phương, ngành tỉnh đã tìm mọi giải pháp để tháo gỡ, góp phần hoàn thành mục tiêu Đề án và xây dựng phát triển kinh tế xanh, hướng đến Hậu Giang là nơi thật sự đáng sống.

Thiết thực Đề án Hậu Giang xanh

05:06 28/12/2023

Năm 2023, các địa phương đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và cùng với sự đồng thuận, chung tay thực hiện Đề án Hậu Giang xanh trong cộng đồng đã tạo cho môi trường thêm trong lành, là nơi đáng sống.

Nông nghiệp xanh vì người tiêu dùng

05:15 26/12/2023

Hợp tác xã (HTX) Tân Long (xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy) canh tác lúa theo hướng hữu cơ, làm nên thương hiệu gạo sạch, là điểm sáng trong phát triển sản phẩm nông nghiệp xanh.

Gấp rút chuẩn bị chương trình nghệ thuật tại lễ khai mạc Festival lúa gạo

13:37 09/12/2023

(HGO) - Theo kế hoạch thì vào lúc 20 giờ ngày 12-12-2023, lễ khai mạc Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 (Festival) sẽ chính thức được khai mạc tại Quảng trường Hòa Bình, thuộc phường V, thành phố Vị Thanh.

Chuyển biến tích cực từ Đề án “Hậu Giang xanh” ở thành phố Ngã Bảy

08:40 25/10/2023

Qua gần 3 năm triển khai thực hiện, Đề án Hậu Giang xanh đã tạo nhiều chuyển biến tích cực, làm cho cảnh quan môi trường trên địa bàn thành phố Ngã Bảy ngày càng xanh - sạch - đẹp.

Đề án Hậu Giang xanh: Phát huy hiệu quả tích cực

19:02 14/02/2023

Qua 2 năm thực hiện Đề án Hậu Giang xanh đã góp phần thay đổi ý thức người dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường, giúp cảnh quan môi trường trên địa bàn tỉnh ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp.

Thông qua Đề án Hậu Giang xanh

07:59 29/05/2020

(HG) - Chiều ngày 28-5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên có buổi làm việc với các sở, ban, ngành, địa phương và nhóm đơn vị tư vấn để thông qua Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Chọn tạo và sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao

19:28 09/04/2020

(HG) - Theo định hướng của tỉnh, tới đây sẽ tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, khuyến nông, thông tin và hợp tác quốc tế liên quan đến an ninh lương thực.

Hướng đến nền nông nghiệp xanh

07:43 09/03/2020

Tạo ra sản phẩm sạch để an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường là mục tiêu chính của mô hình nông nghiệp xanh đang được ngành chức năng huyện Phụng Hiệp khuyến cáo người dân thực hiện.

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Ông Lê Tiến Châu tặng cho Hậu Giang 800 triệu đồng thực hiện an sinh xã hội

20:15 23/11/2024

(HG) – Chiều muộn ngày 23-11, ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, tiếp và làm việc với ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đến hỗ trợ cho công tác an sinh xã hội của tỉnh.

Khánh thành cầu nông thôn Khang Đức trị giá trên 1 tỉ đồng

16:10 23/11/2024

(HGO) - Quỹ Nam Phương cùng Liên Hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, UBND thị trấn Cái Tắc (huyện Châu Thành A) vừa phối hợp tổ chức Lễ khánh thành cầu Khang Đức nối liền 2 ấp Tân Phú A và Tân Long A của thị trấn Cái Tắc.

Mô hình lúa chất lượng cao giúp người dân ĐBSCL giảm chi phí, tăng năng suất và lợi nhuận

13:29 23/11/2024

(HG) - Sáng ngày 23-11, tại thành phố Cần Thơ, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Giải pháp nhân rộng các mô hình thí điểm thành công của Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030”.

Tuyên truyền sâu rộng để người dân chung tay bảo vệ môi trường

11:09 23/11/2024

(HGO) - Đoàn khảo sát do bà Mã Thị Tươi, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, làm Trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với UBND huyện Long Mỹ về tình hình thực hiện “Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.