Điểm sáng trong phong trào nông dân

20/06/2024 | 05:12 GMT+7

Ba năm liên tục (2021-2023), Hội Nông dân huyện Châu Thành được Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh xếp hạng nhất trong phong trào thi đua. Đây là nền tảng vững chắc để hội tiếp tục tập trung đổi mới, nâng chất công tác hội và phong trào nông dân năm nay.

Vườn sầu riêng 1,6ha của ông Đặng Văn Hiệp (bìa phải), Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Đông Bình, xã Đông Phước, hiện cho năng suất khá cao.

“Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp mà năm nay, với vườn sầu riêng 1,6ha cho thu hoạch hơn 4 tấn trái. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lợi nhuận hơn 400 triệu đồng”, ông Đặng Văn Hiệp, Chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp Đông Bình, xã Đông Phước, phấn khởi nói.

Chuyển đổi cây trồng hiệu quả

Trước đây, toàn bộ diện tích đất vườn sầu riêng được ông Hiệp trồng cam sành, rồi xoài Đài Loan, mít Thái. Thế nhưng, giá cả các loại trái cây này, khá bấp bênh nên thời gian sau, ông nghiên cứu, tìm hiểu và nhận thấy mô hình trồng sầu riêng theo hướng an toàn cho hiệu quả kinh tế cao. Vậy là, từ cuối năm 2018, ông quyết định chuyển đổi sang trồng sầu riêng Ri6 xen với Thái monthong.

Ngoài tìm hiểu qua sách báo, ông Hiệp còn chủ động đến các mô hình canh tác hiệu quả trong và ngoài huyện để học hỏi, rút kinh nghiệm về áp dụng tại vườn của mình. Bằng sự kiên trì học hỏi kinh nghiệm, kiến thức của nhà vườn đi trước và áp dụng đúng phương pháp, kỹ thuật bón phân, chăm sóc, nên những năm gần đây, vườn sầu riêng của gia đình ông cho năng suất khá cao.

Từ hiệu quả mang lại tích cực, nên vào tháng 3 năm ngoái, Hội Nông dân xã Đông Phước đã cho ra mắt Tổ hợp tác “Trồng sầu riêng” tại ấp Đông Bình, với sự tham gia của 7 thành viên đều là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong xã. Ông Nguyễn Văn Trạng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Phước, cho biết, các thành viên của tổ được hỗ trợ vay vốn 500 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân huyện.

Hội Nông dân huyện còn mời chuyên gia từ Trường Đại học Cần Thơ xuống hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên. “Từ những hiệu quả kinh tế mang lại cho nông dân, chúng tôi đang có kế hoạch phát triển tổ hợp tác này thành hợp tác xã trong năm 2024. Việc thành lập hợp tác xã sẽ giúp các thành viên có điều kiện phát triển kinh tế, tăng năng suất, hỗ trợ nguồn vốn phát triển cây trồng tốt hơn”, ông Trạng chia sẻ thêm.

Hiện, toàn xã Đông Phước có 300 hộ dân trồng sầu riêng. Ngoài trồng sầu riêng, Hội Nông dân xã đang định hướng người dân thực hiện thêm các mô hình hiệu quả khác, như nuôi ốc, trồng mít ruột đỏ...

Phát triển kinh tế tập thể    

Củng cố, nâng chất lượng hoạt động câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghề cho hội viên và lao động nông thôn, là những nhiệm vụ trọng tâm trong quý II, được Huyện hội tập trung thực hiện. Ông Đỗ Trung Nam, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, cho rằng: “Chúng tôi chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và các trạm chuyên môn, tổ kỹ thuật các xã, thị trấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, giúp bà con ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất hiệu quả”.

Đó cũng là một trong những giải pháp để thu hút thêm hội viên tham gia vào hội chất lượng hơn. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ nông dân nắm bắt thông tin thị trường, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có 25 sản phẩm OCOP 3 sao, 13 sản phẩm 4 sao. Phát huy hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các cấp hội còn hướng dẫn cán bộ hội, hội viên, nông dân thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, qua việc thành lập được 15/8 tổ hợp tác sản xuất, đạt 187,5% chỉ tiêu tỉnh giao.

Mặt khác, vận động nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Cụ thể, Huyện hội tiếp tục phối hợp phát huy hiệu quả Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP tại thị trấn Ngã Sáu và phối hợp ra mắt thành lập được 2 hợp tác xã tại xã Đông Phước và Đông Phước A, nâng tổng số toàn huyện có 16 hợp tác xã, với 351 thành viên, giúp cho 523 lao động có việc làm ổn định...

Bà Phạm Thị Khéo, hội viên nông dân ấp Thạnh Long, xã Đông Thạnh, bày tỏ: “Nhờ tham gia vào hội, gia đình tôi được hỗ trợ nhiều kỹ năng, mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang làm vườn. Với vườn mít ruột đỏ, đã giúp gia đình tôi có nguồn thu nhập đảm bảo nuôi 3 con ăn học thành tài và có công việc ổn định”.

Thông qua những cách làm hiệu quả, xây dựng mô hình kinh tế chất lượng, mà đầu năm đến nay, các cấp hội đã kết nạp mới được 386 hội viên, nâng tổng số hội viên nông dân toàn huyện là 14.989 người, đạt 97,87% so tổng số hộ nông dân toàn huyện.

Ông Đỗ Trung Nam, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, cho hay: “Chúng tôi tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở, vì lợi ích của hội viên, nông dân; đa dạng các hình thức tập hợp nông dân vào hội. Dự kiến, sắp tới, huyện sẽ nhân rộng mô hình “Nuôi ốc bươu đen trong bể bạt” có bao tiêu đầu ra và đăng ký sản phẩm OCOP “Ốc gác bếp” 3 sao”.

Quý I, Hội Nông dân huyện hoàn thành 8/13 chỉ tiêu Nghị quyết năm 2024 đề ra. Các chỉ tiêu đạt và vượt cao như 10.722 hộ hội viên đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đạt tỷ lệ 100%; tăng quỹ hỗ trợ nông dân 510/430 triệu đồng, đạt 118% kế hoạch; tổ chức giặm vá, sửa chữa hơn 3,2km lộ nông thôn bị hư hỏng; công tác vận động hội viên tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ 75,37%, bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 406%...

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>