Tạo động lực, giúp nhiều chị em vượt khó

08/10/2024 | 08:04 GMT+7

Cùng chị em xây dựng được các tổ hùn vốn xoay vòng tiết kiệm không tính lãi, bà Trương Thị Thạnh, Chi hội trưởng phụ nữ ấp 1, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ đã giúp nhiều hội viên, phụ nữ có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bà Thạnh (bìa phải) luôn quan tâm và gần gũi, trao đổi kinh nghiệm làm ăn với hội viên phụ nữ trong ấp.

Trong ngôi nhà tường kiên cố, ấm áp được chị em hội viên vận động các mạnh thường quân hỗ trợ trao tặng, bà Huỳnh Trường Giang, Tổ trưởng Tổ hùn vốn tiết kiệm không tính lãi số 3 của ấp 1, chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ của bà Thạnh, tạo điều kiện để tôi tham gia hùn vốn xoay vòng tiết kiệm của ấp, mà gần 3 năm nay, gia đình tôi thoát nghèo bền vững, có mô hình làm ăn hiệu quả”.

Cuộc sống gia đình bà Giang giờ ổn định hơn nhờ mô hình nuôi ếch, cá trong vèo. Nắm được bí quyết làm ăn hiệu quả, bà Giang luôn sẵn lòng chia sẻ cùng chị em. Giờ đây, với vai trò tổ trưởng, bà Giang tiếp tục cùng với Chi hội trưởng phụ nữ ấp 1 giúp nhiều chị em mượn vốn để thực hiện mô hình chăn nuôi phù hợp.

Bà Trương Thị Thạnh, được xem là người kết nối những niềm tin, ý chí thoát nghèo trong chị em qua việc đề xuất ý tưởng và cùng chị em thực hiện mô hình “Tổ hùn vốn xoay vòng tiết kiệm không tính lãi” từ năm 2015. Thành viên tham gia vào tổ với nguồn vốn đóng góp 100.000 đồng/1 người/1 tháng. Từ nguồn vốn quan trọng này, tổ xét cho mượn vốn xoay vòng theo nhu cầu bức thiết của chị em.

Bà Thạnh cho biết: “Khi khó khăn cần vốn, nếu vay tiền bên ngoài với lãi suất cao, sẽ gây áp lực chi trả sau này nhiều hơn cho chị em; còn tham gia “Tổ hùn vốn xoay vòng tiết kiệm không tính lãi” của ấp, chị em cần vốn sẽ được vay ngay. Cứ 6 tháng 1 lần, chị em sẽ trả lại nguồn vốn vay mà không tính lãi đồng nào. Nhiều năm qua quản lý các tổ, tôi thấy chị em tham gia và đánh giá đây là mô hình thiết thực, có hiệu quả nên tiếp tục được nhân rộng”.

“Năm 2015, khi ra mắt “Tổ hùn vốn xoay vòng tiết kiệm không tính lãi” số 1 của ấp, có 24 chị em tham gia và chỉ sau 1 năm, ấp 1 có đến 5 chị thoát nghèo nhờ mượn vốn thực hiện các mô hình đan lục bình, nuôi heo, nuôi cá, nuôi ếch… Đó là niềm vui khôn tả với chúng tôi. Chính bà Thạnh với sự tâm huyết, đồng hành cùng phong trào giảm nghèo đã góp phần mang lại niềm vui này trong chị em”, bà Nguyễn Thị Tú, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Thuận Hòa, chia sẻ.

Theo bà Tú, cứ sau từng năm, Chi hội phụ nữ ấp 1 đều có từ 5-6 hội viên, phụ nữ thoát nghèo. Riêng năm 2023, có đến 8 chị thoát nghèo, nhờ sự hỗ trợ của bà Thạnh. Đến nay, ấp 1 có tổng số 5 “Tổ hùn vốn xoay vòng tiết kiệm không tính lãi” do bà Thạnh quản lý, với hơn 120 hội viên tham gia.

 Qua 14 năm tham gia công tác hội, bà Thạnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm tốt vai trò “cầu nối” với chị em phụ nữ nói riêng và bà con nhân dân với chính quyền nói chung. Bà Thạnh bày tỏ: “Tôi luôn trăn trở phải làm như thế nào để hỗ trợ chị em hội viên, phụ nữ nông thôn mình có cuộc sống nâng lên, thoát cảnh nghèo khó vất vả, giúp giải quyết việc làm tại chỗ, góp phần vào công tác an sinh xã hội, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương”.

Nghĩ là làm, bà Thạnh bắt tay thực hiện từng bước, ngoài nhân rộng 5 tổ hùn vốn trong ấp, bà cũng tập trung tuyên truyền vận động chị em phụ nữ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện thực tế. Trong đó, chú trọng tuyên truyền nâng cao ý thức, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Đồng thời, tiến hành rà soát số hội viên hộ nghèo trên địa bàn để xây dựng kế hoạch giúp đỡ bằng nhiều hình thức thiết thực về khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống, giới thiệu việc làm, mở các lớp dạy nghề...

Ngoài ra, bà cũng tăng cường hỗ trợ các kỹ năng xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” cho chị em, cùng chị em tham gia các hoạt động xã hội bổ ích... Chia sẻ bí quyết để huy động được hội viên tham gia, bà Thạnh bộc bạch: “Chỉ đơn giản là tôi gần gũi, quan tâm và gắn bó sát, nắm nhu cầu từng hội viên để cùng chị em làm kinh tế phù hợp”.

Nhìn ngôi nhà tường đang dần hoàn thiện, bà Nguyễn Thị Huỳnh Như, hội viên phụ nữ ở ấp 1, phấn khởi nói: “Không chỉ cùng chị em giúp gia đình có căn nhà tình thương này, mà bà Thạnh còn mở lớp hướng dẫn tôi kỹ thuật đan lục bình. Nhờ có nghề đan lục bình, tôi tận dụng làm khi nhàn rỗi cũng lo được cuộc sống hàng ngày”.

Chưa kể, bà Thạnh còn hướng dẫn kỹ thuật để bà Như canh tác hiệu quả trên diện tích đất ít ỏi của gia đình bằng mô hình nuôi lươn không bùn. Bà Như cho hay: “Với nguồn vốn mượn của chị em, tôi bắt về gần 5.000 con lươn giống. Dự tính cuối năm thu hoạch, có thể kiếm lời gần 100 triệu đồng, nên năm nay, khả năng cao, gia đình tôi sẽ được thoát nghèo”.

Thông qua phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, bà Thạnh đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ ý thức vươn lên thoát nghèo, làm chủ kinh tế của chị em. “Năm 2024, chúng tôi đăng ký sẽ thoát nghèo 5-6 chị. Qua rà soát, hiện nay cơ bản các chị đều đã có mô hình và cách làm ăn hiệu quả. Tôi tin với ý chí và động lực vươn lên trong cuộc sống, mỗi chị em sẽ có kinh tế tốt, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc hơn”, bà Trương Thị Thạnh khẳng định.

CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>