Góp ý đầy tâm huyết - Kiến nghị sát thực tế

24/07/2024 | 05:30 GMT+7

Trong chương trình nghị sự, Kỳ họp HĐND tỉnh giữa năm dành 1 buổi để đại biểu, cử tri dự kỳ họp thảo luận. Qua đây, ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, kiến nghị sát thực tế, trả lời rõ ràng trong phạm vi thẩm quyền của ngành chức năng…

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, trả lời ý kiến tại buổi thảo luận.

Cần đầu tư nhiều hồ bơi

Tại Tổ thảo luận số 1, ông Huỳnh Văn Trắng, Phó Chủ tịch HĐND huyện Vị Thủy, phát biểu: “Thực trạng hiện nay còn nhiều học sinh trên địa bàn chưa biết bơi, trong khi tỉnh ta đặc thù là vùng sông nước, trẻ không biết bơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ”.

 “Tỉnh cần mở nhiều lớp phổ cập bơi cho học sinh. UBND tỉnh cần có cơ chế chính sách hỗ trợ vốn cho mỗi huyện, thị xã, thành đầu tư ít nhất 3 hồ bơi để dạy cho trẻ”, ông Huỳnh Văn Trắng đề xuất.

 Phó Chủ tịch HĐND huyện này cũng đề xuất tỉnh cần đầu tư xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường vào Trường THCS Vĩnh Trung trên địa bàn huyện để học sinh đến trường thuận tiện.

Đại biểu nêu ý kiến.

Với Đề án Hậu Giang xanh, ông Huỳnh Văn Trắng kiến nghị có giải pháp thu gom vỏ bao bì, thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng; chỉ đạo nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn; nên có chỉ đạo cơ quan tham mưu cung cấp bổ sung thêm số liệu xử phạt vi phạm về lĩnh vực môi trường cấp huyện để cử tri nắm; và về vấn đề thu học phí của học sinh trong năm học tới…

Liên quan đến học phí, bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cung cấp thông tin, kỳ họp lần này Sở đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành nghị quyết mới và học phí sẽ không tăng so các năm học trước.

Nước sạch cho vùng nông thôn

Ở Tổ thảo luận số 2, đại biểu Lê Công Lý, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết, qua các kỳ tiếp xúc, có nhiều cử tri ở địa bàn nông thôn kiến nghị được kéo nước sạch để thuận tiện hơn trong sinh hoạt. Tuy nhiên, do ở nông thôn, dân cư sinh sống thưa thớt nên gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đầu tư hạ tầng. Để đảm bảo nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các tuyến dân cư thưa thớt, kiến nghị thời gian tới, HĐND tỉnh nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, xem xét có cơ chế hỗ trợ kinh phí đối ứng cho doanh nghiệp khi đầu tư hệ thống nước sạch cho dân những địa bàn này.

Ông Lê Văn Lòng, Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, cho biết, thực tế ở khu dân cư chưa có nước sạch hầu hết là do dân cư sinh sống quá thưa thớt, khi đầu tư hạ tầng thì chi phí rất cao, không có khả năng sinh lợi. Trên địa bàn tỉnh cũng đã có một số tuyến dân cư nông thôn vận động tổ chức, mạnh thường quân đối ứng kinh phí và công ty đã phối hợp kéo nước sạch cho dân xài.

“Thời gian tới, công ty sẽ khảo sát, tính toán và vận động người dân đóng góp một phần kinh phí đầu tư để cùng đơn vị kéo nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân; đề nghị các địa phương có thể ghi vốn để đầu tư đường ống và bàn giao cho xã quản lý, khi đó công ty sẽ thuê lại để kéo nước cho người dân” ông Lê Văn Lòng nói thêm.

Chính quyền điện tử có nhiều bước tiến

Ở Tổ thảo luận số 4, đại biểu cũng tích cực thảo luận các vấn đề liên quan đến báo cáo kinh tế - xã hội của tỉnh, đóng góp cho dự thảo tờ trình, nghị quyết trình tại kỳ họp.

Đại biểu Huỳnh Thị Ngọc Hường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, kiến nghị, đối với báo cáo kinh tế - xã hội của tỉnh cần bổ sung đánh giá sâu hơn về kết quả thực hiện công tác chuyển đổi số của tỉnh thời gian qua.

Trong đó, bà Huỳnh Thị Ngọc Hường nói cần nhấn mạnh nội dung tỉnh đã xây dựng 8/8 bộ phận trả kết quả cấp huyện theo mô hình trung tâm phục vụ hành chính công; xây dựng chính quyền điện tử có nhiều bước tiến quan trọng, từng bước chuyển đổi tư duy từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ, bộ máy từng bước sắp xếp tinh gọn. Tỉnh đã đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh; hình thành khu công nghệ số, đã có doanh nghiệp vào đầu tư, xây dựng và phát triển được một số hạ tầng kỹ thuật quan trọng…

Cử tri Trần Tuấn Kiệt, ở ấp Phương Lạc, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, phát biểu tại phiên thảo luận.

Quan tâm đến vấn đề nâng cấp lộ, cử tri Trần Tuấn Kiệt, ở ấp Phương Lạc, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tham gia phiên họp, kiến nghị: “Hiện nay, chợ Cái Sơn, tại xã Phương Bình, đường vào chợ quá hẹp, khó trong việc vận chuyển, giao thương hàng hóa và đi lại của người dân. Đề xuất lãnh đạo tỉnh, huyện quan tâm xây lộ phía sau chợ”.

Ngoài ra, cử tri Trần Tuấn Kiệt cũng chia sẻ về thực trạng an ninh trật tự trên địa bàn xã chưa ổn định, còn tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện, chính quyền địa phương cần có giải pháp giải quyết dứt điểm.

Qua các ý kiến thảo luận, ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đề nghị: “UBND tỉnh, các sở, ngành ghi nhận đầy đủ và trả lời tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn vào sáng ngày 24-7”.

Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nêu ý kiến: “6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn của tỉnh khá thấp, dưới 50%, đề nghị UBND tỉnh có giải pháp quyết liệt hơn; thực trạng doanh nghiệp giải thể tăng so cùng kỳ, nên có giải pháp cụ thể”.

Ông Nguyễn Đăng Hải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nêu giải pháp: “Thực trạng doanh nghiệp giải thể là vấn đề không quá lo bởi tỉnh thời gian qua có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; HĐND tỉnh cũng ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn nên khuyến khích hộ kinh doanh rất nhiều”.

Theo ông Nguyễn Đăng Hải, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp thấy không đáp ứng theo nhu cầu phát triển của thị trường và chọn giải thể hay chuyển sang một hình thức kinh doanh khác là bình thường.

 

THẢO TRÂN - QUỲNH LAM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>