Học tập suốt đời - Kim chỉ nam cho hành trình bước vào kỷ nguyên mới

Thứ Hai, ngày 21/04/2025 | 06:06

 

Học tập suốt đời - Kim chỉ nam cho hành trình bước vào kỷ nguyên mới.mp3

 

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, tạo nên những biến đổi sâu sắc trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, cuộc Cách mạng chuyển đổi số với sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) và các công nghệ số đang làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất, quản lý và tổ chức đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang đứng trước thời cơ, vận hội mới để vươn mình, để “sánh vai với cường quốc năm châu”.

Ứng dụng công nghệ vào trong giảng dạy đã và đang được ngành giáo dục Hậu Giang tích cực triển khai thực hiện. Ảnh: CAO OANH

Trong bài viết “Học tập suốt đời” đăng ngày 2-3-2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Học tập suốt đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung, để trở thành người có ích cho xã hội”. Tổng Bí thư cũng chỉ rõ: “Cách mạng 4.0 đang diễn ra với quy mô và tốc độ chưa từng có, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tri thức, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số khiến một phần nội dung giảng dạy tại nhà trường hôm nay có thể thành lạc hậu, lỗi thời sau vài năm; hơn thế, những điều phổ biến hiện nay thì 10 năm trước còn chưa xuất hiện và có 65% những công việc hiện nay sẽ bị thay thế bởi công nghệ trong những năm tới”.

Quan điểm của Đảng và Nhà nước về học tập suốt đời

Học tập suốt đời không phải là vấn đề mới trong lịch sử dân tộc ta. Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào toàn dân xóa nạn mù chữ. Người căn dặn: “Muốn biết thì phải thi đua học. Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”; “Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”.

Kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, trong các giai đoạn cách mạng, đặc biệt trong những năm đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm, khuyến khích học tập suốt đời và xây dựng cả nước thành xã hội học tập. Chủ trương học tập suốt đời được đề cập trong nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng như Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo, Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo, Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định “Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời”.

Đặc biệt, trước những thách thức và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, nhấn mạnh vai trò của việc nâng cao năng lực số cho người dân và xây dựng xã hội học tập.

Tuy nhiên, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra, bên cạnh kết quả, thực hiện chủ trương học tập suốt đời vẫn còn một số hạn chế. Đào tạo, bồi dưỡng còn chạy theo số lượng mà chưa thực sự chú trọng tới chất lượng; việc tự học, thực học và học tập suốt đời của đội ngũ cán bộ, đảng viên chưa đạt kết quả như mong muốn; còn tình trạng học theo phong trào, sính bằng cấp mà chưa thực sự căn cứ vào đòi hỏi thực tiễn.

Cuộc Cách mạng chuyển đổi số và yêu cầu học tập suốt đời

Nhận thức rõ tầm quan trọng của cuộc Cách mạng chuyển đổi số đối với sự phát triển của đất nước, ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình đặt ra tầm nhìn đến năm 2030: “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”.

Chuyển đổi số mang lại những cơ hội to lớn cho người dân. Công nghệ số giúp người dân tiếp cận thông tin, kiến thức một cách nhanh chóng, thuận tiện; tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã hội một cách bình đẳng hơn; nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua các dịch vụ số trong y tế, giáo dục, giao thông, tài chính. Song, chuyển đổi số cũng đặt ra những thách thức to lớn đối với người dân Việt Nam. Một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là người cao tuổi, người ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng các công nghệ số. Khoảng cách số (digital divide) giữa các nhóm dân cư, giữa các vùng miền có nguy cơ ngày càng gia tăng nếu không có những giải pháp kịp thời và hiệu quả.

Để tận dụng tối đa cơ hội và vượt qua thách thức của chuyển đổi số, mỗi công dân cần không ngừng học tập, nâng cao năng lực số của mình. Học tập suốt đời trong kỷ nguyên số không chỉ là việc học các kiến thức, kỹ năng mới, mà còn là việc thay đổi tư duy, thói quen, phương thức làm việc và sinh hoạt để thích ứng với môi trường số.

Phong trào “Bình dân học vụ số” - khởi đầu cho hành trình học tập suốt đời trong kỷ nguyên mới

Lịch sử dân tộc ta đã chứng kiến thành công vang dội của phong trào Bình dân học vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Kế thừa và phát huy tinh thần đó, phong trào “Bình dân học vụ số” đã được chính thức phát động vào tháng 3-2025 nhằm thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Phong trào “Bình dân học vụ số” ra đời với mục tiêu giúp người dân, đặc biệt là những đối tượng ít có điều kiện tiếp cận công nghệ, có thể nắm bắt và sử dụng thành thạo các công nghệ số cơ bản, từ đó tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. Đây là một bước đi quan trọng, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong kỷ nguyên số.

Nền tảng Bình dân học vụ số tại địa chỉ binhdanhocvuso.gov.vn đã được chính thức đưa vào vận hành từ ngày 1-4-2025, cung cấp các khóa học trực tuyến miễn phí về kỹ năng số cơ bản, từ cách sử dụng điện thoại thông minh, máy tính đến các ứng dụng phổ biến như thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến, mua sắm trực tuyến.

Phong trào “Bình dân học vụ số” hướng tới các mục tiêu cụ thể: phổ cập tri thức số, nâng cao kỹ năng số, xóa mù công nghệ cho toàn dân; tạo điều kiện cho mọi người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số một cách bình đẳng; thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quá trình chuyển đổi số quốc gia; góp phần thu hẹp khoảng cách số giữa các nhóm dân cư, giữa các vùng miền.

Một trong những đặc điểm nổi bật của phong trào “Bình dân học vụ số” là vai trò của các Tổ công nghệ số cộng đồng. Các tổ này được thành lập ở cấp thôn, bản, khu phố, gồm những người có kiến thức, kỹ năng về công nghệ số, tình nguyện hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ số. Các Tổ công nghệ số cộng đồng đóng vai trò như những “cầu nối” giữa chính sách chuyển đổi số của Nhà nước với người dân, giúp đưa chủ trương, chính sách vào cuộc sống một cách hiệu quả.

Giải pháp thúc đẩy học tập suốt đời trong kỷ nguyên số

Để thúc đẩy học tập suốt đời trong kỷ nguyên số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Cách mạng chuyển đổi số quốc gia, thiết nghĩ các cấp ủy, chính quyền cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách về học tập suốt đời. Đảng, Nhà nước cần sớm tổng kết, đánh giá, nghiên cứu ban hành quy định, quy trình, đổi mới quan điểm đánh giá, sàng lọc, quy hoạch đội ngũ cán bộ nhằm xây dựng, hoàn chỉnh bộ máy hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Thứ hai, phát triển hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông. Cần tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Cách mạng chuyển đổi số. Phát triển hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo, giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, giữa nhà trường, doanh nghiệp và xã hội.

Thứ ba, ứng dụng công nghệ số trong học tập suốt đời. Tận dụng tối đa thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển các nền tảng học tập trực tuyến, các khóa học mở đại trà trực tuyến (MOOCs), các ứng dụng học tập di động, tạo điều kiện cho người dân học tập mọi lúc, mọi nơi, với chi phí thấp hoặc miễn phí.

Thứ tư, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân trong việc tuyên truyền, vận động, tổ chức các hoạt động học tập suốt đời. Tăng cường vai trò của Hội Khuyến học Việt Nam và hệ thống khuyến học các cấp trong việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.

Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, học tập suốt đời. Học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong việc xây dựng xã hội học tập, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, học tập suốt đời trở thành yêu cầu cấp thiết đối với mỗi cá nhân, mỗi tổ chức và toàn xã hội. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, học tập suốt đời là chìa khóa để Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới, là con đường duy nhất, hướng đi tất yếu để đảm bảo sự phát triển thịnh vượng, bền vững của đất nước.

Chỉ khi đẩy mạnh thực chất học tập suốt đời, chúng ta mới giàu có những ý tưởng, giải pháp, sáng kiến để giải quyết những đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, những vấn đề mới, chưa có tiền lệ; khắc phục triệt để những “điểm nghẽn” trong cơ chế, chính sách, biểu hiện hình thức trong tự phê bình và phê bình; xóa bỏ tình trạng trì trệ, lúng túng trong giải quyết công việc tại các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng học tập về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp, kinh nghiệm làm việc và khả năng phối hợp trong tập thể để nâng cao tính kỷ luật của tổ chức, năng suất lao động và phát huy sức mạnh tổng hợp. Đồng thời, học về tư cách người cán bộ cách mạng, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân; không ngừng tự học tập, tự cập nhật kiến thức mới, tham gia tích cực phong trào “học tập số”, phổ cập, nâng cao kiến thức khoa học công nghệ, kiến thức số.

Học tập suốt đời trong kỷ nguyên số không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Mỗi người dân, mỗi tổ chức, mỗi cơ quan, đơn vị đều có vai trò quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Chỉ khi toàn xã hội cùng chung tay, góp sức mới có thể xây dựng thành công một xã hội học tập, một đất nước Việt Nam phát triển thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khát vọng của dân tộc Việt Nam.

TS NGUYỄN HỮU DŨNG (Học viện Chính trị khu vực IV)

Viết bình luận mới

Xem thêm

Trao giấy chứng nhận cho 48 sinh viên hoàn thành huấn luyện lập trình

07:24 21/04/2025

(HG) - Trung tâm Ươm tạo công nghệ và Hỗ trợ đổi mới sáng tạo (ISC) Hậu Giang phối hợp với Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Cần Thơ, Alta Software cùng VNFocus, SaigonTimes Foundation tổ chức bế giảng khóa 1 và khai giảng khóa huấn luyện lập trình khóa 2.

Tặng học bổng cho hơn 60 học sinh, sinh viên

07:24 21/04/2025

(HG) - Cuối tuần qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp cùng Chương trình học bổng Vietnam Scholarship Founđation (VNSF), tổ chức trao tặng Học bổng VNSF - Tiếp sức đến trường học kỳ II, năm học 2024-2025.

Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm: Phòng bệnh hơn chữa bệnh

06:03 21/04/2025

Hơn 3 tháng đầu năm nay, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố Ngã Bảy được kiểm soát tốt nhờ sự chủ động “phòng bệnh hơn chữa bệnh” với nhiều giải pháp hiệu quả.

Tạo bước chuyển mình cho ngành y tế

06:11 18/04/2025

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được xem là “chìa khóa” thúc đẩy ngành y tế đạt được những kết quả tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân từ công nghệ số.

Thuốc hạ huyết áp Amlodipine: Đừng lạm dụng coi chừng nguy hiểm tính mạng

06:18 17/04/2025

Thuốc Amlodipine có tác dụng giãn mạch, hạ huyết áp, dùng phổ biến ở bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh tim mạch. Tuy nhiên, theo BSCK1 Đặng Nguyễn Vũ Linh (ảnh), Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khi người bệnh tự ý uống thuốc Amlodipine không theo chỉ định của bác sĩ, quá liều có nhiều rủi ro sức khỏe.

Đồng loạt tổng vệ sinh môi trường, tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng dịch bệnh truyền nhiễm

08:34 16/04/2025

(HG) - Ngày 15-4, Chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng, phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay - chân - miệng đợt I năm 2025 đã được đồng loạt thực hiện trên phạm vi cả tỉnh.

Tập huấn sử dụng hệ thống phần mềm quản lý tuyển sinh cấp tiểu học

07:48 16/04/2025

(HG) - Ngày 15-4, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Công ty TNHH Đầu tư Phát triển BiTech tổ chức Tập huấn hướng dẫn sử dụng hệ thống phần mềm quản lý tuyển sinh.

Động lực mới cho ngành giáo dục và đào tạo

18:57 14/04/2025

Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo động lực mạnh mẽ để ngành giáo dục và đào tạo nâng cao chất lượng giáo dục, gắn với thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục.

Hơn 76% học sinh cấp tiểu học được học tiếng Anh

18:56 14/04/2025

(HG) - Năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 142 trường tiểu học với 1.562 lớp, gồm 45.523/59.880 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 được học tiếng Anh. Trong đó, học sinh lớp 3, 4, 5 được học tiếng Anh là 1.267 lớp/36.429 học sinh, tỷ lệ 100%. Đối với những nơi có điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên và sự đồng thuận của cha mẹ học sinh,

“Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”

18:55 14/04/2025

(HG) - Đây là hội thi vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, tham gia hội thi các trường sẽ trải qua 3 phần thi gồm thi video clip quá trình xây dựng thực hiện chuyên đề; thiết kế môi trường giáo dục; tổ chức hoạt động giáo dục áp dụng khai thác môi trường thực tế của các đơn vị.

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Hướng đến 100% cán bộ, giảng viên, học viên trở thành công dân số

07:05 21/04/2025

(HG) - Trường Chính trị tỉnh vừa phối hợp với Viettel Hậu Giang triển khai cài đặt các phần mềm hỗ trợ giảng dạy và học tập, hướng đến mục tiêu 100% cán bộ, giảng viên, học viên trở thành công dân số.

Đảm bảo cung cấp điện dịp lễ 30-4 và 1-5

06:07 21/04/2025

Để phục vụ tốt nhu cầu sử dụng điện của người dân và các hoạt động chính trị - xã hội trong dịp lễ 30-4 và 1-5, Công ty Điện lực Hậu Giang đã triển khai nhiều phương án đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn tỉnh.

Học tập suốt đời - Kim chỉ nam cho hành trình bước vào kỷ nguyên mới

06:06 21/04/2025

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, tạo nên những biến đổi sâu sắc trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, cuộc Cách mạng chuyển đổi số với sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) và các công nghệ số đang làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất, quản lý và tổ chức đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang đứng trước thời cơ, vận hội mới để vươn mình, để “sánh vai với cường quốc năm châu”.

Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm: Phòng bệnh hơn chữa bệnh

06:03 21/04/2025

Hơn 3 tháng đầu năm nay, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố Ngã Bảy được kiểm soát tốt nhờ sự chủ động “phòng bệnh hơn chữa bệnh” với nhiều giải pháp hiệu quả.