Ngăn chặn nguy cơ ngộ độc thực phẩm

13/05/2024 | 06:04 GMT+7

Sau 7 ngày ra quân, Đoàn kiểm tra liên ngành về An toàn thực phẩm trong Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm năm 2024 tỉnh đã kiểm tra tại 16 cơ sở, đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời nguy cơ ngộ độc thực phẩm, buộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm “phải đảm bảo an toàn thực phẩm” mới được tiếp tục hoạt động.

Nhiều căng tin trường học bán hàng hóa chưa rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng.

Có kiểm tra là có vi phạm

“Có kiểm tra là có vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” đã đặt ra sự lo ngại về nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn tiềm ẩn, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trong đợt kiểm tra này, Đoàn kiểm tra của tỉnh đã kiểm tra nhiều loại hình kinh doanh khác nhau, trong đó có căng tin trường học, cơ sở sản xuất bún, bánh mì, bán cháo, tạp hóa… ghi nhận nhiều vi phạm.

Ông Nguyễn Vĩnh Sơn, Phó Chi cục trưởng phụ trách lãnh đạo điều hành Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Trưởng Đoàn kiểm tra, thông tin: “Chúng tôi kiểm tra và ghi nhận những lỗi vi phạm phổ biến là cơ sở bán hàng hóa không có nguồn gốc rõ ràng. Vi phạm các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, như không khám sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, buôn bán; thiếu giấy xác nhận kiến thức; điều kiện nơi sản xuất, chế biến, kinh doanh không đảm bảo vệ sinh,... Chúng tôi cương quyết xử lý tùy theo lỗi vi phạm, có lỗi bắt buộc cơ sở phải tạm ngưng hoạt động cho đến khi khắc phục lỗi vi phạm mới được hoạt động, cũng có lỗi bắt cơ sở khắc phục ngay. Buộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm “phải đảm bảo an toàn thực phẩm” mới hoạt động”.

Từ hoạt động kiểm tra cho thấy, sự kiên quyết từ ngành chức năng trong kiểm tra, xử lý vi phạm có ý nghĩa quan trọng trong ngăn chặn, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Có những vi phạm, hạn chế kéo dài ở cơ sở chưa được quan tâm khắc phục, nhưng khi đoàn kiểm tra kiên quyết xử lý cơ sở đã khắc phục ngay để có thể hoạt động. Chẳng hạn như tại lò bánh mì Hòa - Mị, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, lỗi vi phạm để súc vật vào khu vực chế biến và chưa có biện pháp ngăn chặn côn trùng được đoàn kiểm tra lập biên bản và đề nghị tạm ngưng hoạt động để khắc phục. Cơ sở đã khắc phục ngay. Ông Thái Trung Kiên, chủ cơ sở, cho hay: “Tôi đã khắc phục không để chó vào khu vực sản xuất và tạm thời lấy vải che chắn ngăn chặn côn trùng, đang đặt làm cửa lưới che chắn để ngăn côn trùng hiệu quả đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định”.

Nhiều chủ cơ sở rất chủ quan, xem thường các quy định về an toàn thực phẩm

Qua thực tế kiểm tra đặt ra mối lo ngại về ý thức chấp hành pháp luật của chủ cơ sở. Chẳng hạn quán cháo lòng Cái Tắc Ngọc Thúy (thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A), sau khi đoàn kiểm tra và ghi nhận chưa đảm bảo an toàn thực phẩm và đề nghị tạm ngưng hoạt động nhưng cơ sở ban đầu không chấp hành. Đến khi ngành chức năng địa phương kiên quyết làm việc, chủ cơ sở mới chấp hành tạm ngưng hoạt động và khắc phục vi phạm. Địa phương đang giám sát chặt việc chấp hành và khắc phục của cơ sở này. Bà Nguyễn Thị Bé Ba, Trưởng trạm Y tế thị trấn Cái Tắc, cho biết: “Chúng tôi giám sát việc chấp hành tạm ngưng hoạt động và khắc phục của quán cháo lòng Cái Tắc Ngọc Thúy. Hiện tại, quán đang sửa chữa cơ sở và thực hiện các thủ tục để đảm bảo đủ điều kiện xin cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm và có thể hoạt động trở lại”.

Vấn đề làm sao đảm bảo tốt an toàn thực phẩm ở trường học còn là nỗi lo khi đoàn kiểm tra 2/2 căng tin trường học (căng tin Trường THCS Nguyễn Văn Quy, huyện Châu Thành và căng tin Trường THCS Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy), đều ghi nhận 2 cơ sở này bán hàng hóa chưa rõ nguồn gốc, có những hàng hóa hết hạn sử dụng.

Đây chỉ là 2 trong hàng trăm trường học có căng tin của tỉnh. Cả 2 chủ cơ sở đã kinh doanh thực phẩm nhiều năm nhưng vẫn chưa thực hiện đúng các quy định về ATTP. Còn nhiều lý do được biện minh và sẽ khó khắc phục được nếu không có giải pháp quyết liệt trong thời gian tới. Bà Nguyễn Thị Ng., chủ căng tin Trường THCS Vĩnh Thuận Tây, giải thích: “Đồ nhiều quá, người ta giao cho mình hàng hóa nhãn mác không đúng quy định không để ý. Cả trăm ngàn món, buôn bán kiểm cũng có sơ suất, kiểm không xuể. Đoàn nhắc nhở sẽ ráng kiểm. Tôi cũng biết bán hàng hóa không an toàn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh”.

Dù bất cứ lý do gì, việc bán hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm thì không chấp nhận được.

Thực tế, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm là nhân tố quyết định trong đảm bảo phòng ngừa ngộ độc thực phẩm xảy ra. Cần có những giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao nhận thức của chủ cơ sở hướng đến mục tiêu chung là đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Theo ông Hồ Văn Út, Ban Phong trào, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thành viên Đoàn kiểm tra, chia sẻ: “Để chủ động phòng ngừa, đảm bảo tiêu dùng thực phẩm an toàn, ngoài nâng cao nhận thức của các cơ sở cần trang bị kiến thức để mỗi người dân là người tiêu dùng thông thái, biết cách lựa chọn những thực phẩm an toàn, chất lượng. Nhất là tuyên truyền, hướng dẫn các em học sinh biết nhận diện thực phẩm nào an toàn, không an toàn tự bảo vệ sức khỏe bản thân mình”.

Nhiều căng tin trường học bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, hết hạn...

 

Sau 7 ngày kiểm tra tại các huyện, thị, thành phố, Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra tại 16 cơ sở, trong đó đề nghị tạm ngưng hoạt động 5 cơ sở. Niêm phong tạm giữ 41kg bánh tráng trộn các loại và 11 hộp bắp rang, 8 bịch rong biển của căng tin Trường THCS Nguyễn Văn Quy (huyện Châu Thành). Tiêu hủy tại chỗ một số hàng hóa hết hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc ở Trường THCS Vĩnh Thuận Tây (huyện Vị Thủy).

Ngoài ra, ghi nhận nhiều hạn chế, tồn tại khác: Chủ cơ sở chưa thực hiện khám sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, buôn bán; thiếu giấy xác nhận kiến thức; điều kiện nơi sản xuất, chế biến, kinh doanh không đảm bảo vệ sinh...

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>