Giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận, đổi mới công nghệ

24/05/2024 | 09:51 GMT+7

Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNV&N) trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm trợ lực để ứng dụng, đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

DNV&N trên địa bàn tỉnh cần được trợ lực để ứng dụng, đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh.

Nền tảng phát triển doanh nghiệp

 Hậu Giang đang có trên 5.000 doanh nghiệp, trong đó DNV&N chiếm tỷ lệ khá lớn. Sau 20 năm thành lập tỉnh, các DNV&N đã không ngừng tăng về số lượng và cải thiện chất lượng. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa thực sự xứng tầm với tiềm năng và kỳ vọng của tỉnh. Trên thực tế, không ít DNV&N đang có trình độ công nghệ lạc hậu, mức độ đầu tư và áp dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất, kinh doanh còn tương đối thấp, làm hạn chế năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững.

Ông Trần Văn Trí, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, cho biết: “Phương châm của tỉnh là “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, doanh nghiệp mở rộng quy mô, Hậu Giang mừng. Mở rộng doanh nghiệp và tăng số lượng doanh nghiệp là hai yếu tố phát triển ở cả chiều rộng và chiều sâu. Mở rộng quy mô có nghĩa là đầu tư thêm, trong đó, có đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất. Từ đó, nâng cao doanh số, tăng thu ngân sách cho tỉnh. Chỉ có công nghệ mới giúp doanh nghiệp thực hiện được mục tiêu này”.

Với quan điểm đó, từ năm 2020, tỉnh đã triển khai đề tài “Nghiên cứu giải pháp ứng dụng và đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Hậu Giang”, do PGS.TS Quan Minh Nhựt làm chủ nhiệm, Trường Đại học Cần Thơ là tổ chức chủ trì, với sự phối hợp của các sở, ban, ngành liên quan. Đề tài áp dụng theo Thông tư số 17 ngày 10/12/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hướng dẫn đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất.

Ban chủ nhiệm đề tài đã tiến hành điều tra 123 DNV&N thuộc ngành chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh, mà chủ yếu là doanh nghiệp chế biến thủy sản, chế biến nông sản và cơ khí lắp ráp. Qua đó, đánh giá được trình độ và năng lực công nghệ của DNV&N thuộc các lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh. Tạo cơ sở để đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao trình độ công nghệ cho các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cơ sở quan trọng để ứng dụng, đổi mới công nghệ

Triển khai đề tài, ban chủ nhiệm đã xây dựng một phần mềm để tính toán, đánh giá trình độ công nghệ của DNV&N thuộc lĩnh vực nghiên cứu. Kết quả cho thấy, hầu hết doanh nghiệp hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần quy mô nhỏ. Lao động kỹ thuật phục vụ vận hành, bảo dưỡng máy móc, thiết bị và mức đầu tư áp dụng thiết bị công nghệ của các doanh nghiệp còn tương đối thấp.

Với hiện trạng này, có 82,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát có trình độ công nghệ và năng lực sản xuất ở mức trung bình hoặc lạc hậu; 17,9% doanh nghiệp được xếp loại trung bình tiên tiến và không có doanh nghiệp nào xếp loại tiên tiến. Tuy vậy, hầu hết doanh nghiệp đều nhận thức được vai trò quan trọng và hiệu quả của việc ứng dụng, đổi mới công nghệ. Đáng chú ý là bên cạnh các công nghệ phổ biến, một bộ phận doanh nghiệp của tỉnh đã quan tâm, ứng dụng công nghệ xanh, công nghệ sạch vào sản xuất, kinh doanh.

Đề tài cũng chỉ ra những thuận lợi và khó khăn khi đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đưa ra giải pháp và lộ trình nâng cao trình độ công nghệ sản xuất cho các doanh nghiệp này. Trong đó, có nhóm giải pháp về chính sách hỗ trợ phát triển đầu tư ứng dụng KH&CN; nhóm giải pháp nhằm nâng cao trình độ và năng lực công nghệ sản xuất thông qua tăng cường mức độ đầu tư của doanh nghiệp cho ứng dụng KH&CN.

Theo PGS. TS Trần Tiến Khai, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh: “Việc sử dụng trọn vẹn 26 tiêu chí đo lường trình độ, năng lực công nghệ sản xuất theo Thông tư số 17 của Bộ KH&CN để so sánh, đo lường, đánh giá trên địa bàn tỉnh qua các năm, sẽ tạo ra một cơ sở dữ liệu đủ bề dày để theo dõi xuyên suốt. Đây là cơ sở rất tốt để xây dựng chính sách KH&CN. Đồng thời, so sánh hiện trạng phát triển KH&CN của các doanh nghiệp so với các tỉnh khác trong cả nước và có căn cứ đề đạt lên cấp Trung ương”.

Kỳ vọng kết quả đề tài sẽ là cơ sở để triển khai hiệu quả việc ứng dụng và đổi mới công nghệ cho DNV&N trên địa bàn tỉnh, tạo nguồn lực đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh trong giai đoạn tới.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>