Lộ trình tắt sóng 2G đã thực hiện tới đâu ?

12/07/2024 | 05:30 GMT+7

Đến tháng 9 năm nay, chính thức tắt sóng 2G chuyển sang mạng 4G theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông. Các nhà mạng trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai các hoạt động chuyển đổi sim, thiết bị từ 2G/3G lên 4G/5G, đảm bảo cung cấp các dịch vụ thông tin di động liên tục, không gián đoạn cho người dân.

Các nhà mạng trên địa bàn tỉnh tích cực ra quân hỗ trợ người dân chuyển đổi sim 2G lên 4G.

Sẽ nhớ một thời... “Điện thoại cục gạch”

Gần chục năm nay, ông Võ Chí Thành, ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, quen sử dụng chiếc “điện thoại cục gạch” để liên lạc. Theo ông Thành, việc nghe, gọi thực hiện bình thường nhưng nhiều khi vẫn gặp tình trạng mạng yếu, mất sóng... Nhiều lần người thân trong gia đình khuyên ông đổi sang điện thoại thông minh sóng 4G để thuận tiện cho việc liên lạc nhưng vẫn ngần ngại.

Ông Thành bày tỏ lý do: “Sử dụng “điện thoại cục gạch” lâu ngày thành quen, sợ khi chuyển sang xài điện thoại thông minh bị lọng cọng, lỡ chạm chạm mất hết tiền không hay. Nhưng thấy con cháu, người thân sử dụng điện thoại thông minh có sóng 4G với rất nhiều tiện ích, nên tôi đã nhờ chuyển sim của cái điện thoại cũ lên 4G và đầu tư một cái điện thoại thông minh để trải nghiệm”.

Với ông Lê Thanh Vũ, ở ấp 5, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, gia đình thuộc diện hộ nghèo khi hay tin chiếc “điện thoại cục gạch” mình hay sử dụng để nghe, gọi, nhắn tin sẽ không dùng được nữa do nhà mạng tắt sóng 2G ông rất lo lắng. Tuy nhiên, sau khi nghe các nhà mạng giải thích, ông hiểu mạng 2G đã lạc hậu, không còn đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dùng, nên cần phải chuyển đổi lên 4G/5G.

Ông Vũ cho biết: “Rất mừng là khi xuống hỗ trợ chuyển đổi sim từ 2G lên 4G, nhà mạng khuyến mãi bán cho tôi một cái điện thoại có thể sử dụng sim 4G giá có vài trăm ngàn đồng hà. Với hộ nghèo như chúng tôi lo cơm ăn hàng ngày đã khó, thì điều kiện đâu mà mua điện thoại thông minh, lần này nhờ chỗ xã và nhà mạng phối hợp giúp tôi có điện thoại mới lại khỏi phải lo sim sẽ không nghe, gọi được khi tắt sóng 2G”.

Qua khảo sát ở một số địa phương, những người đang sử dụng điện thoại “cục gạch” đa phần là người lớn tuổi. Một phần do ngại điện thoại thông minh phức tạp, khó sử dụng; một số hộ lại cho rằng “điện thoại cục gạch” nhỏ, gọn dễ mang theo khi đi làm bên mình để nghe, gọi… nên thời gian qua, vẫn còn khá nhiều người sử dụng điện thoại “cục gạch” sim 2G.

Vì vậy, đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá nhiều thuê bao cần chuyển đổi từ 2G lên 4G.

Phấn đấu hoàn thành đúng lộ trình

Toàn tỉnh hiện có khoảng 888.520 thuê bao, trong đó hơn 76% thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh, với 4 mạng điện thoại di động đang hoạt động mạng VinaPhone, MobiFone, Viettel và Vietnamobile đảm bảo nhu cầu liên lạc của người dân.

Là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông với thị phần lớn nhất trên địa bàn tỉnh,  Viettel Hậu Giang quản lý hơn 400 nghìn thuê bao di động đang hoạt động. Trong đó, có trên 40 nghìn thuê bao đang sử dụng máy 2G/3G, chiếm 10% trong tổng số thuê bao của nhà mạng.

Viettel Hậu Giang đang phối hợp với các địa phương hỗ trợ người dân trên địa bàn chuyển đổi 2G lên 4G với nhiều hoạt động như giảm giá máy Smartphone 4G từ 30% đến 50%, tặng 28GB data dùng trên hạ tầng 4G trong 28 ngày; tung ra một số dòng máy 4G với mức giá chỉ từ 390.000 đồng và tặng 12 tháng miễn phí sử dụng TV360…

Tắt sóng 2G sẽ là bước ngoặt quan trọng trong phát triển hạ tầng viễn thông ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Viettel Hậu Giang, thông tin: “Chuẩn bị cho lộ trình tắt sóng 2G, Viettel đã tiên phong phủ sóng 4G đến tất cả vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh. Đã phát sóng 5 trạm 5G tại một số khu vực để đáp ứng nhu cầu băng thông và tăng trải nghiệm cho người dùng. Năm nay, chúng tôi sẽ phát sóng thêm 40 trạm BTS 4G và 30 trạm BTS 5G. Viettel Hậu Giang đã ký kết “Chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn” với 12 xã, trong đó tập trung vào các nội dung như thanh toán số không dùng tiền mặt; chuẩn hóa thông tin thuê bao để định danh điện tử mức 2, cài đặt VNeID; phổ cập Internet qua Smartphone 4G/5G; xây dựng chính quyền số, kinh tế số; đào tạo cán bộ xã, ấp, tổ chuyển đổi số cộng đồng về chuyển đổi số”.

Với hơn 130 nghìn thuê bao di động mạng VinaPhone, trong đó có khoảng 4.900 thuê bao đang sử dụng thiết bị 2G, để đảm bảo lộ trình tắt sóng trạm 2G, VNPT Hậu Giang đã truyền thông đến khách hàng tại 100% điểm giao dịch, điểm ủy quyền, điểm bán hàng lưu động và điểm bán lẻ với những ấn phẩm là standee, bandroll, tờ rơi về lộ trình tắt sóng 2G, cùng các lợi ích, ưu đãi khi chuyển đổi sang thiết bị/sim 4G. Đơn vị còn tăng cường nhân sự để thực hiện gọi điện, gặp trực tiếp, thông báo tới khách hàng đang sử dụng thiết bị 2G chuyển đổi, nâng cấp máy 2G sang các máy 4G/5G để đảm bảo liên lạc luôn được thông suốt. Triển khai một số gói cước ưu đãi khi thực hiện chuyển đổi sang máy 4G/5G…

Ông Phạm Hùng Hải, Giám đốc VNPT Hậu Giang, cho biết: “Về lộ trình tắt sóng 2G, VNPT Hậu Giang thực hiện theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông và theo hướng dẫn của Tập đoàn VNPT, căn cứ thực tế hiện trạng còn sử dụng máy 2G trên địa bàn tỉnh để chuyển sang 4G. Chúng tôi đã có kế hoạch tắt sóng trạm 2G và chuyển thuê bao 2G sang 4G như phối hợp với các sở ngành chuyên môn, chính quyền địa phương thực hiện tuyên truyền, vận động khách hàng đổi sim 4G và nâng cấp thiết bị điện thoại 4G trong khu vực cần chuyển đổi”.

Trong thời gian tới, VNPT Hậu Giang sẽ tiếp tục rà soát, quy hoạch, tăng cường mở rộng vùng phủ sóng 4G để đảm bảo vùng phủ khi tắt sóng 2G và tối ưu sự trải nghiệm của khách hàng. Chuẩn bị sẵn các phương án nhằm đảm bảo quyền lợi và không ảnh hưởng tới trải nghiệm của khách hàng khi thực hiện tắt sóng 2G…

Không riêng gì Viettel, VinaPhone, mà MobiFone và Vietnamobile đang tập trung thực hiện quyết liệt. Dừng công nghệ cũ để phát triển công nghệ mới, tắt sóng 2G tạo điều kiện phát triển mạng 4G/5G sẽ là một bước ngoặt khá quan trọng thúc đẩy mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Qua đây, tạo điều kiện để người dân dần tiếp cận với các tiện ích số hiện đại, kiến tạo một môi trường số chất lượng, góp phần thúc đẩy chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Bước ngoặt khá quan trọng thúc đẩy mục tiêu chuyển đổi số quốc gia

 

Toàn tỉnh hiện có khoảng 888.520 thuê bao, trong đó hơn 76% thuê bao di dộng sử dụng điện thoại thông minh, với 4 mạng điện thoại di động đang hoạt động mạng VinaPhone, MobiFone, Viettel và Vietnamobile đảm bảo nhu cầu liên lạc của người dân.

Dừng công nghệ cũ để phát triển công nghệ mới, tắt sóng 2G tạo điều kiện phát triển mạng 4G/5G sẽ là một bước ngoặt khá quan trọng thúc đẩy mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>