Mở ra cơ hội chế biến đa dạng sản phẩm từ chanh

20/06/2024 | 05:05 GMT+7

Dự án “Nghiên cứu kỹ thuật trích tinh dầu chanh và bảo quản nước cốt chanh canh tác tại Hậu Giang” đã góp phần hình thành chuỗi giá trị, tối ưu hóa nguồn lợi để tạo sản phẩm đặc trưng từ cây chanh của tỉnh.

Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần tiêu thụ chanh thứ cấp với đầu ra và giá cả ổn định.

Góp phần tiêu thụ chanh    

Hậu Giang hiện có 3.381ha đất trồng chanh, trong đó, diện tích chanh không hạt chiếm phần lớn với 3.162ha, còn lại là các loại chanh khác. Những năm qua, diện tích đất trồng chanh không hạt trên địa bàn tỉnh đang không ngừng gia tăng. Theo đó, loại cây này dần trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân. Với diện tích thu hoạch trên 2.550ha và năng suất trung bình ước đạt khoảng 16-18 tấn/ha, mỗi năm, tỉnh cung cấp cho thị trường hơn 43.000 tấn chanh các loại.

Tuy nhiên, do trái chanh không hạt mọc thành từng chùm, nên kích thước trái thường không đồng đều. Tỷ lệ trái đạt chuẩn xuất khẩu thấp, phần còn lại chủ yếu tiêu thụ nội địa với giá cả không ổn định. Việc chế biến đa dạng hóa các sản phẩm từ chanh canh tác tại Hậu Giang sẽ góp phần tiêu thụ chanh, ổn định đầu ra và nâng tầm giá trị sản phẩm chanh của tỉnh.

Với mục tiêu đó, năm 2020, tỉnh đã triển khai thực hiện dự án “Nghiên cứu kỹ thuật trích tinh dầu chanh và bảo quản nước cốt chanh canh tác tại Hậu Giang”, do PGS.TS Bạch Long Giang làm chủ nhiệm, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành là tổ chức chủ trì, với sự phối hợp của nhóm nghiên cứu đến từ Trường Đại học Cần Thơ, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang.

Ông Võ Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, nhận xét: “Dự án đã đi đúng hướng trong phát triển nông nghiệp hiện nay khi nghiên cứu trên cây chanh, đặc biệt chanh không hạt là một trong các nông sản chủ lực của tỉnh. Việc dự án sử dụng chanh thứ cấp để chế biến đã giúp đa dạng sản phẩm, góp phần tạo đầu ra rộng rãi trong tiêu thụ sản phẩm chanh của tỉnh”.

Nâng tầm giá trị trái chanh

Triển khai dự án, ban chủ nhiệm đã xây dựng thành công quy trình kỹ thuật trích tinh dầu chanh, quy trình chế biến và bảo quản nước cốt chanh từ nguồn nguyên liệu chanh không hạt của tỉnh Hậu Giang. Xây dựng mô hình ứng dụng các quy trình công nghệ phù hợp với điều kiện sản xuất của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thiên Yết -Chi nhánh Hậu Giang. Mở ra cơ hội chế biến đa dạng hóa sản phẩm từ trái chanh canh tác tại tỉnh.

Dự án còn hoàn thành báo cáo đánh giá chất lượng sản phẩm tinh dầu chanh, nước cốt chanh theo tiêu chuẩn quốc gia và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hoàn thành bộ hồ sơ thiết kế bản vẽ, hướng dẫn sử dụng 3 thiết bị chế biến sản phẩm; bộ thủ tục công bố chất lượng sản phẩm theo quy định. Xây dựng mô hình SWOT đánh giá chuỗi liên kết thu mua, tiêu thụ chanh thứ cấp tại tỉnh để phát triển sản phẩm tinh dầu chanh và nước cốt chanh. Ngoài ra, dự án còn góp phần đào tạo nhiều học viên cao học, sinh viên đại học và cán bộ kỹ thuật.

Bà Nguyễn Việt Vân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thiên Yết - Chi nhánh Hậu Giang, cho biết: “Doanh nghiệp rất tâm huyết với việc thực hiện dự án. Ngoài việc giải quyết được nguồn nguyên liệu và lao động cho địa phương, doanh nghiệp còn mong muốn đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế. Trong quá trình chờ nghiệm thu, doanh nghiệp đã đi xúc tiến thương mại và chào hàng cho một số đối tác trong và ngoài nước. Sau khi nghiệm thu, doanh nghiệp định hướng hoàn thành các chứng nhận OCOP, HACCP và phát triển các sản phẩm khác với quy mô lớn hơn, tiến tới xuất khẩu”.

Kỳ vọng những kết quả dự án mang lại sẽ tiếp tục được duy trì và lan tỏa sau khi nghiệm thu. Qua đó, góp phần tiêu thụ chanh thứ cấp với đầu ra, giá cả ổn định và phát triển các sản phẩm đặc trưng từ trái chanh để nâng tầm giá trị nông sản chủ lực của tỉnh nhà.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>