Thị trường khoa học và công nghệ: Dần hình thành và phát triển
Hậu Giang đã và đang có những định hướng, cách làm cụ thể để phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thị trường KH&CN của tỉnh được kỳ vọng phát triển sau khi Kế hoạch số 03 của UBND tỉnh được ban hành.
Được quan tâm
Thị trường KH&CN có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và làm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Thời gian qua, thị trường này đã được quan tâm, hình thành và phát triển. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2075 ngày 8-11-2013 Phê duyệt Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020; Quyết định số 1158 ngày 13-7-2021 Ban hành Chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030.
Tại Hậu Giang, thị trường KH&CN đã dần hình thành và phát triển. Toàn tỉnh hiện có 3 doanh nghiệp KH&CN. Hoạt động kết nối cung cầu công nghệ được quan tâm, triển khai thường xuyên. Vừa qua, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ, Sở KH&CN tỉnh, đã tổ chức hội thảo “Kết nối cung cầu công nghệ tỉnh Hậu Giang năm 2023”, với sự tham dự của các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã và trường học trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Huỳnh Phước, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN tỉnh, cho biết: “Tỉnh đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp KH&CN bằng nhiều hình thức khác nhau, trên Bản tin KH&CN, Website Sở KH&CN,… Thông báo bằng văn bản đến các doanh nghiệp để tiếp nhận nhiệm vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN. Kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các chương trình do Bộ KH&CN hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, kinh doanh, từng bước hình thành doanh nghiệp KH&CN”.
Tuy nhiên, thị trường KH&CN của nước ta nói chung và tại Hậu Giang nói riêng còn tồn tại một số rào cản, vướng mắc như: hệ thống chính sách, pháp luật về chuyển giao công nghệ, sàn giao dịch công nghệ chưa đồng bộ; nhiều kết quả nghiên cứu chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường; hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn trầm lắng; doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn cung công nghệ có chất lượng…
Những “điểm nghẽn” này cần được sớm tháo gỡ, khắc phục trong thời gian tới.
Kỳ vọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Từ nghề nuôi trâu bò truyền thống, lâu đời của gia đình, thời gian gần đây, hộ kinh doanh Hồng Ngự, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, đã phát triển các sản phẩm chế biến từ thịt trâu, bò. Tiêu biểu là Khô trâu Tàu Lùng của cơ sở đã được UBND huyện Long Mỹ cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao vào tháng 9-2023. Trong thời gian tới, cơ sở dự định phát triển thêm 2 sản phẩm là chả bò và thịt trâu kho đóng hộp.
Tuy nhiên, hiện tại đa số sản phẩm của cơ sở còn sản xuất bằng phương pháp thủ công. Với những đơn hàng lớn và gấp, cơ sở phải thuê gia công sấy khô, nên khó chủ động về đầu ra. Chị Nguyễn Thị Bé Dúng, đại diện hộ kinh doanh Hồng Ngự, cho biết: “Sắp tới, chúng tôi có định hướng mở rộng kinh doanh. Do đó, nhu cầu về máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất là rất lớn. Chúng tôi đang có mong muốn tiếp cận các công nghệ tiên tiến để tạo sản phẩm những chất lượng hơn”.
Trước nhu cầu về công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đầu tháng 1-2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 03 Phát triển thị trường KH&CN trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nội dung tại Chương trình phát triển thị trường KH&CN và Chỉ thị số 25 ngày 5-10-2023 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường KH&CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh.
Kế hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tạo lập cơ sở dữ liệu về nguồn cung và cầu công nghệ trên địa bàn tỉnh theo định hướng số hóa. Hình thành cơ sở hạ tầng các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN trên các lĩnh vực công nghệ, sở hữu trí tuệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng. Tối thiểu 80% sản phẩm chủ lực của tỉnh và 40% sản phẩm, dịch vụ đặc thù và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.
Kỳ vọng việc triển khai Kế hoạch số 03 của UBND tỉnh sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong đẩy mạnh việc chuyển giao, ứng dụng và khai thác có hiệu quả các kết quả nghiên cứu KH&CN. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới.
ĐANG THƯ
- Nông nghiệp phát triển nhờ khoa học và công nghệ
- Nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của cây khóm
- Phổ cập trực tuyến kỹ năng số đến 525 tổ công nghệ số cộng đồng ấp, khu vực
- BẢNG GIÁ QUẢNG CÁO BÁO HẬU GIANG
- “Bác Hồ trong trái tim các dân tộc Việt Nam”
- Chúc tăng, ni, phật tử đón Đại lễ Phật đản an lành
- Huyện Vị Thủy: Xây dựng 41 tuyến đường đẹp
- Điểm tin sáng 17 – 5: Bốn người Việt Nam vào top gương mặt trẻ nổi bật châu Á
- Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám định tư pháp
- Nâng cao kỹ năng cho các “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”
- Bảo hiểm xã hội tỉnh và Hội Nông dân tỉnh phối hợp ra mắt mô hình mới
- Xét xử 16 bị cáo liên quan đến “tín dụng đen”
- Nguy cơ ùn tắc kiểm định khi gần 300 đăng kiểm viên ra tòa