Thoát khỏi “ngăn kéo” để phát huy hiệu quả trong thực tiễn

17/06/2024 | 06:18 GMT+7

Để đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm qua, Hậu Giang tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) thuộc các ngành, lĩnh vực. Vậy các nhiệm vụ này đã được ứng dụng ra sao trong thực tiễn ?

Bài 1: Kết quả ứng dụng từ thực tế ra sao ?

Thực tiễn cho thấy triển khai các nhiệm vụ KH&CN đã đem lại hiệu quả, tạo nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp vào sự phát triển của từng ngành, lĩnh vực nói riêng và cả tỉnh nói chung. Tuy nhiên, để được Hội đồng thông qua không phải là chuyện dễ dàng, khi chất lượng nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu.

Gần 70% dân số khu vực nông thôn đã được chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp là tỷ lệ ấn tượng.

Không phải nhiệm vụ nào cũng được được thông qua...

Hậu Giang xác định KH&CN là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về KH&CN, tỉnh còn nỗ lực triển khai các nhiệm vụ KH&CN.

Theo báo cáo, từ năm 2010 đến năm 2023, tỉnh đã tổ chức hội đồng tư vấn xác định 292 nhiệm vụ, trong đó có 128 nhiệm vụ không được thông qua. Qua xét duyệt 164 nhiệm vụ, hội đồng đánh giá có 22 nhiệm vụ không đạt, đề nghị không thực hiện.

Kết quả nghiên cứu các nhiệm vụ KH&CN đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đặc trưng, chủ lực trên địa bàn tỉnh.

Trong quá trình triển khai 142 nhiệm vụ KH&CN của giai đoạn này có 5 nhiệm vụ được đơn vị chủ trì và chủ nhiệm xin dừng thực hiện. Trung bình mỗi năm, tỉnh triển khai khoảng 9 đề tài, dự án. Ông Nguyễn Huỳnh Phước, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN tỉnh, cho biết: “Tỉnh đã và đang áp dụng cơ chế đặt hàng thực hiện nhiệm vụ KH&CN, nên các nhiệm vụ được triển khai mới đều có địa chỉ ứng dụng, các kết quả sau nghiên cứu được đưa vào ứng dụng thực tế, đáp ứng được yêu cầu phát triển của các ngành, địa phương và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.

Qua 13 năm, Sở KH&CN đã tiến hành nghiệm thu và chuyển giao kết quả nghiên cứu của 150 nhiệm vụ KH&CN về các sở, ngành, đơn vị triển khai ứng dụng. Đến nay, Sở KH&CN đã được các sở, ngành báo cáo kết quả ứng dụng của 133 nhiệm vụ. Qua khảo sát, có 94 nhiệm vụ được ứng dụng tốt, chiếm 70,68%; 39 nhiệm vụ chưa có kế hoạch triển khai ứng dụng, chiếm 29,32%. Kết quả của các nhiệm vụ đều được số hóa để đăng trên website của Thư viện tỉnh, cơ sở dữ liệu của Cục Thông tin KH&CN Quốc gia để tiện tra cứu, phục vụ cộng đồng.

Là tỉnh có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, thời gian qua, số nhiệm vụ KH&CN được triển khai trên lĩnh vực này luôn cao hơn so với các lĩnh vực khác. Từ năm 2010 - 2023, tỉnh đã chuyển giao kết quả 100 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên các loại cây trồng, vật nuôi đặc trưng, chủ lực của tỉnh; xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, có 81 đề tài, dự án đã được chuyển giao, ứng dụng tốt vào thực tiễn, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, còn có các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, lĩnh vực khoa học y dược…

Kết quả từ thực tiễn sẽ nói lên chất lượng

Năm 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận kết quả đề tài “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học và thử nghiệm sản xuất giống lươn đồng (Monopterus albus)”, do ông Nguyễn Minh Đức làm chủ nhiệm, Chi cục Thủy sản tỉnh lúc bấy giờ là cơ quan chủ trì. Đề tài đã xác định đặc điểm sinh học, sinh trưởng, sinh lý và sinh sản của lươn đồng. Qua đó thử nghiệm và tìm ra quy trình kỹ thuật sản xuất giống lươn đồng, tạo nguồn lươn giống chất lượng để cung cấp cho người nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao.

Phát huy kết quả đề tài trên, năm 2015, Chi cục Thủy sản tỉnh tiếp tục triển khai dự án “Ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống và phát triển mô hình nuôi thương phẩm lươn đồng (Monopterus albus)”, do bà Nguyễn Thị Thùy Lam làm chủ nhiệm. Dự án đã xây dựng thành công 3 mô hình sản xuất lươn giống ở thành phố Vị Thanh, huyện Vị Thủy và huyện Châu Thành. Triển khai 9 mô hình nuôi lươn đồng thương phẩm với quy mô nông hộ. Kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án trên là cơ sở quan trọng để nhân rộng mô hình nuôi lươn thương phẩm, đưa lươn trở thành 1 trong 5 loại nông sản chủ lực của tỉnh hiện nay.

Theo bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Việc chuyển giao, ứng dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN đã góp phần thay đổi tập quán canh tác sử dụng nhiều thuốc, phân hóa học của người nông dân. Góp phần đáng kể trong nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa nông sản và cải thiện môi trường, thích ứng dần với biến đổi khí hậu. Đến nay, có trên 400.000 lượt nông dân đã được chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chiếm gần 70% dân số khu vực nông thôn”.

Năm 2021, Sở Nội vụ tiếp nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN “Xây dựng mô hình chính quyền thân thiện cấp xã ở thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang” do ông Sầm Hoàng Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, làm chủ nhiệm, Trường Chính trị tỉnh là tổ chức chủ trì. Đề tài đã xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện cấp xã” với các tiêu chí: cải cách thủ tục hành chính; thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện nụ cười công sở, các quy định về văn hóa công sở và quy tắc ứng xử; tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Chia sẻ về kết quả triển khai thực tế, ông Bùi Hoàng Liêm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: “Việc nhân rộng mô hình “Chính quyền thân thiện cấp xã” gắn với mô hình “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp hiện đại” được triển khai sâu rộng. Từ đó, các nội dung cải cách hành chính được tiến hành đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy và hành động sáng tạo. Góp phần giúp tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính sớm và đúng hạn đạt 98% trở lên; tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình  hàng năm đạt từ 95% trở lên; tỷ lệ người dân hài lòng với chính quyền cấp xã đạt trên 95%”.

Theo bà Mã Thị Tươi, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh: “Kết quả nhiệm vụ chuyển giao về các ngành triển khai ứng dụng đã cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, phù hợp với điều kiện địa phương, bước đầu đưa vào ứng dụng trong công tác quản lý các cấp, các ngành. Từ đó, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức về tầm quan trọng trên lĩnh vực KH&CN, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành hoạt động của chính quyền các cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng KH&CN, nhất là công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công. Góp phần nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực trên lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, tái cơ cấu ngành nông nghiệp…”.

Tuy nhiên, dù có những kết quả đáng ghi nhận, nhưng lĩnh vực này vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ...

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

-----------------

Bài 2: Đâu là “điểm nghẽn”?

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>