Bản tin Kinh tế - Thị trường ngày 1-10: Điểm danh những thị trường Việt Nam nhập khẩu hàng hóa có kim ngạch từ 10 tỷ USD

01/10/2024 | 14:33 GMT+7

Cùng những tin tức đáng chú ý khác, mời Quý độc giả theo dõi: Việt Nam là nguồn cung cá tra lớn nhất cho Colombia; Vàng miếng SJC vượt mốc 84 triệu đồng/lượng; Giá vé máy bay Tết Ất Tỵ tăng

Điểm danh những thị trường Việt Nam nhập khẩu hàng hóa có kim ngạch từ 10 tỷ USD

 

Điểm danh những thị trường Việt Nam nhập khẩu hàng hóa có kim ngạch từ 10 tỷ USD. Ảnh minh họa

6 thị trường mà Việt Nam nhập khẩu hàng hóa có kim ngạch 10 tỷ USD gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, EU.

Hết tháng 8, theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan ghi nhận 6 thị trường mà nước ta nhập khẩu hàng hóa có kim ngạch đạt 10 tỷ USD trở lên.

Cụ thể, 6 thị trường có kim ngạch 10 tỷ USD gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, EU. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc đạt 92,5 tỷ USD, đã tăng mạnh tới 34,4% (tương ứng tăng 23,66 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm đến 37,47% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Vị trí thị trường thứ hai là Hàn Quốc đạt 36,78 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc gấp 2,5 lần.

Kim ngạch của các thị trường lớn còn lại lần lượt là: ASEAN đạt 30,27 tỷ USD; Đài Loan (Trung Quốc) đạt 14,49 tỷ USD; Nhật Bản đạt 14,32 tỷ USD; EU đạt 10,8 tỷ USD.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, thị trường Trung Quốc góp mặt trong hầu hết các nhóm hàng nhập khẩu quan trọng của nước ta từ nông sản đến nguyên phụ liệu dệt may, da giày; linh kiện điện tử; hàng tiêu dùng; sắt thép…

Đặc biệt, hết tháng 8 nhưng có đến 15 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.

Trong đó, 5 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất từ Trung Quốc gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 22,65 tỷ USD, tăng 59,8% (tương ứng tăng 8,47 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 18,43 tỷ USD, tăng 29,2% (tương ứng tăng 4,17 tỷ USD); nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày đạt 10,16 tỷ USD, tăng 23,7% (tương ứng tăng 1,94 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện tăng 5,41 tỷ USD, tăng 28,8% (tương ứng tăng 1,21 tỷ USD); sắt thép các loại đạt 4,71 tỷ USD, tăng 44,4% (tương ứng tăng 1,45 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, riêng 5 nhóm hàng kể trên có tổng kim ngạch đạt 62,36 tỷ USD, chiếm 66% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của nước ta sang thị trường Trung Quốc trong 8 tháng đạt 38,28 tỷ USD, tăng nhẹ 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 1,44 tỷ USD).

Hết tháng 8 có 10 nhóm hàng xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên, nhưng chưa có nhóm hàng nào đạt kim ngạch chục tỷ USD như chiều nhập khẩu.

Việt Nam là nguồn cung cá tra lớn nhất cho Colombia

 

Việt Nam là nguồn cung cá tra lớn nhất cho Colombia. Ảnh: VASEP

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cá tra sang Colombia trong tháng 8/2024 đạt hơn 6 triệu USD, tăng 37% so với tháng 8/2023. Kể từ đầu năm nay, Colombia ghi nhận giá trị nhập khẩu cao nhất trong tháng 8/2024. Lũy kế xuất khẩu cá tra 8 tháng đầu năm nay sang thị trường này đạt 35 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu của Trung tâm thương mại thế giới (ITC), 6 tháng đầu năm 2024, có tổng cộng 9 nhà cung cấp cá thịt trắng cho Colombia. Trong đó, Việt Nam là nguồn cung cá thịt trắng lớn nhất (chủ yếu là cá tra) cho Colombia, với gần 19 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam chiếm 66% tỷ trọng trong tổng cá thịt trắng Colombia nhập khẩu từ thế giới trong nửa đầu năm nay.

Trung Quốc là nguồn cung cá thịt trắng cho Colombia lớn thứ 2 sau Việt Nam với tỷ trọng 32%. Giá trị nhập khẩu cá thịt trắng từ Peru, Ecuador, Venezuela, Mỹ, Uruguay, Panama, Chile của Colombia gần như là không đáng kể và có xu hướng tăng trưởng âm.

Một số sản phẩm cá thịt trắng Colombia nhập khẩu nhiều nhất trong nửa đầu năm nay bao gồm: Cá tra, cá da trơn đông lạnh mã HS 030324 chiếm 44% tỷ trọng; phile cá rô phi đông lạnh mã HS 030461 chiếm 30% tỷ trọng; phile cá da trơn đông lạnh mã HS 030462 chiếm 20% tỷ trọng trong tổng giá trị cá thịt trắng quốc gia này nhập khẩu từ thế giới.

Người tiêu dùng tại Colombia rất ưa thích sản phẩm cá tra, cá da trơn đông lạnh mã HS 030324. Nửa đầu năm nay, quốc gia này nhập khẩu hơn 12 triệu USD các sản phẩm mã HS 030324 từ Việt Nam, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm đến 98% trong tổng giá trị Colombia nhập khẩu sản phẩm này từ thế giới.

Vàng miếng SJC vượt mốc 84 triệu đồng/lượng

 

Ảnh minh họa.

Sáng nay (1/10), giá vàng miếng SJC trong nước lại tặng mạnh, trong khi đó giá vàng nhẫn lại quay đầu giảm.

Cụ thể, tại thời điểm 9 giờ 00 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 82 - 84 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 500 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so chốt phiên hôm qua.

Tương tự, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 82 - 84 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 500 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so chốt phiên hôm qua.

Trái chiều với giá vàng miếng SJC, giá vàng nhẫn lại quay đầu giảm. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá bán vàng nhẫn ở mức 81,4 - 82,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so chốt phiên hôm qua.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 82 - 82,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 300 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 450 nghìn đồng ở chiều bán ra so chốt phiên hôm qua.

Trên thị trường thế giới, sáng 1/10, giá vàng thế giới hôm nay suy giảm nhưng vẫn trụ vững trên ngưỡng quan trọng 2.600 USD/ounce. Cụ thể, giá vàng thế giới được niêm yết trên Kitco ở ngưỡng 2.634 USD/ounce, giảm 18 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua.

Giá vàng suy giảm sau đợt tăng giá lịch sử trước đó nhờ vào chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ, biện pháp kích thích từ Trung Quốc cùng nhu cầu trú ẩn do lo ngại căng thẳng gia tăng ở Trung Đông.

Giá vé máy bay Tết Ất Tỵ tăng

 

Ảnh minh họa

Thời điểm này, dù trước Tết Âm lịch 4 tháng nhưng giá vé máy bay các chặng từ Nam ra Bắc và miền Trung đều tăng so với năm ngoái.

Theo các đại lý bán vé máy bay, giá vé nội địa Tết năm 2025 tăng trung bình khoảng từ 5 - 8% so với cùng kỳ. Các chặng đông khách là TP Hồ Chí Minh - Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đi Thanh Hóa, Vinh, Huế.

Khảo sát tại websites các hãng hàng không, chặng khứ hồi TP Hồ Chí Minh - Hà Nội bay ngày 24/1 (tức ngày 25 Tết Ất Tỵ) và về ngày 1/2 (mùng 4 Tết Ất Tỵ) vé khứ hồi từ 7 triệu đồng.

Khứ hồi TP Hồ Chí Minh - Vinh khoảng 7,3 triệu đồng; TP Hồ Chí Minh - Hải Phòng từ 7 triệu đồng (đã gồm thuế, phí).

Nhìn chung giá vé nội địa các chặng dịp Tết Nguyên đán cao hơn trung bình 5 - 8% so với năm trước. Do đó, để giảm áp lực giá vé dịp Tết, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo các hãng bay sắp xếp, cân đối nguồn lực vận tải. Đồng thời mở bán vé Tết sớm và xây dựng kế hoạch bay phù hợp.

Trong thời gian tới, Vietnam Airlines dự kiến nhận thêm 3 tàu bay, Vietjet Air dự kiến nhận 10 tàu. Bamboo Airways và Vietravel Airlines cũng đang có kế hoạch mở rộng đội bay.

Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu các hãng bay kê khai, niêm yết giá vé theo quy định và khuyến cáo hành khách lên kế hoạch đặt mua vé sớm.

HOÀI TÂM tổng hợp

Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>