Thứ Ba, ngày 17/12/2024 | 15:26
Cùng những tin tức đáng chú ý khác, mời Quý độc giả theo dõi: Việt Nam nhập khẩu gần 1,98 triệu tấn đậu tương trong 11 tháng năm 2024; Giá ca cao lập đỉnh mới; Giá vàng nhẫn chiều nay tăng nhẹ.
Thủ tướng: Xử lý nghiêm ngân hàng cạnh tranh lãi suất không lành mạnh
Ảnh minh họa
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký công điện về tiếp tục tăng cường các giải pháp điều hành lãi suất, tín dụng
Tại công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc thay đổi và điều chỉnh chính sách tài chính, tiền tệ của các nền kinh tế lớn để đánh giá, phân tích, có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.
Tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp về điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là kiểm soát chặt chẽ lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại…
Bảo đảm đưa vốn tín dụng vào nền kinh tế thực chất, hiệu quả nhất, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm, không đúng địa chỉ, tạo cơ chế xin cho, tiêu cực trong việc cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả và mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp theo thẩm quyền để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, tạo doanh thu, lợi nhuận và trả nợ vay cho ngân hàng.
"Kiên quyết xử lý nghiêm theo thẩm quyền và quy định pháp luật các tổ chức tín dụng cạnh tranh lãi suất không lành mạnh, không đúng quy định (bao gồm cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay)", Thủ tướng yêu cầu.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… để có dư địa giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Tăng cường hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhất là việc công bố lãi suất huy động, lãi suất cho vay, hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng; kịp thời xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các trường hợp vi phạm.
Tập trung thực hiện các giải pháp phù hợp, hiệu quả xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, ngăn ngừa nợ xấu phát sinh và bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thủ tướng giao Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tiếp tục nắm chắc tình hình, theo dõi sát, chặt chẽ hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng, công bố lãi suất huy động, cho vay…
Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao tại công điện này.
Việt Nam nhập khẩu gần 1,98 triệu tấn đậu tương trong 11 tháng năm 2024
Ảnh minh họa
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu đậu tương trong 11 tháng năm 2024 đạt gần 1,98 triệu tấn, trị giá gần 1,02 tỷ USD, giá trung bình 513,7 USD/tấn, tăng 19,6% về lượng, nhưng giảm 3% kim ngạch và giảm 18,9% về giá so với 11 tháng đầu năm 2023.
Trong đó, riêng tháng 11/2024 đạt 163.416 tấn, tương đương 81,17 triệu USD, giá trung bình 496,7 USD/tấn, giảm trên 26% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 10/2024, nhưng giá tăng nhẹ 0,7%; so với tháng 11/2023 thì tăng mạnh 268,7% về lượng, tăng 175,3% về kim ngạch nhưng giảm 25,3% về giá.
Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp đậu tương cho Việt Nam trong 11 tháng năm 2024, chiếm 54,3% trong tổng lượng và chiếm 52,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước, đạt 1,07 triệu tấn, tương đương gần 535,76 triệu USD, giá 498,7 USD/tấn, tăng 20% về lượng, tăng 0,93% kim ngạch nhưng giảm 15,9% về giá so với 11 tháng đầu năm 2023.
Tại Việt Nam, đậu tương được trồng ở 26 tỉnh, thành trên cả nước; trong đó khoảng 87,8% ở miền Bắc và 12,2% ở miền Nam. Diện tích đậu tương ở miền Bắc chiếm khoảng 58,8% được trồng ở vùng cao, những nơi đất không màu mỡ, 41,2% được trồng ở những vùng đất thấp ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích trồng đậu tương ở nước ta từ hơn 200 nghìn ha năm 2010, đến nay chỉ còn 20 nghìn ha/năm, trong khi hàng năm vẫn phải nhập khẩu 1,5-2 triệu tấn hạt đậu tương.
Hiện nay, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ 3 và nhập khẩu đậu tương lớn thứ 9 trên thế giới. Trong 10 năm trở lại đây, mỗi năm nước ta tiêu thụ trung bình gần 2 triệu tấn đậu tương. Nhờ giá đậu tương giảm cùng với giá lợn hơi tăng cao, người chăn nuôi được hưởng lợi kép từ đầu năm đến nay.
Những tháng đầu năm 2024, thị trường đậu tương đã chứng kiến một loạt các yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến giá cả. Từ tình hình thời tiết không ổn định đến biến động trong sản xuất và cung cấp, tất cả đã tạo ra một bức tranh đa chiều về xu hướng giá đậu tương.
Giá ca cao lập đỉnh mới
Ảnh minh họa
Giá ca cao đã quay lại đỉnh lịch sử đã từng thiết lập hồi tháng 4 năm nay. Giới đầu cơ tiếp tục tăng mua do lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, sắc đỏ quay lại chiếm ưu thế trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới trong ngày 16/12. Nhóm nguyên liệu công nghiệp gây được sự chú ý khi đi ngược với xu hướng chung của toàn thị trường. Nổi bật, giá ca cao tiếp tục bứt phá leo lên đỉnh lịch sử trong bối cảnh lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index giảm 0,12% xuống 2.221 điểm.
Khép lại phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số MXV-Index nhóm nguyên liệu công nghiệp tăng, đi ngược với xu hướng chung của toàn thị trường. Tâm điểm chú ý của thị trường thuộc về ca cao khi giá mặt hàng này quay lại đỉnh lịch sử đã từng thiết lập hồi tháng 4 năm nay.
Cụ thể, giá ca cao trên Sở Giao dịch liên lục địa (ICE-US) tăng thêm 4,61%, thiết lập lại đỉnh lịch sử. Trong phiên, có thời điểm giá đã tiến sát mốc 12.000 USD/tấn. Giới đầu cơ tiếp tục tăng mua do lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Các nhà xuất khẩu ca cao tại Bờ Biển Ngà ước tính từ 1/10 đến 8/12 năm nay, lượng ca cao cập cảng tại quốc gia này tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng cao này là do năm 2023, sản lượng thu hoạch và khối lượng xuất khẩu của Bờ Biển Ngà ở mức thấp và giảm mạnh. Nếu so với năm 2022, lượng ca cao nhập cảng trên thấp hơn khoảng 12%. Hiện thời tiết khô hạn tại Bờ Biển Ngà đang dấy lên lo ngại rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng sắp tới.
Trước đó, các hợp tác xã cho biết phần lớn vụ thu hoạch chính đã được hoàn thành vào tháng 11 và tình trạng thiếu hụt dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 2 hoặc tháng 3. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu đa quốc gia lại lo ngại có thể không đáp ứng đủ các đơn hàng do nguồn cung từ nông dân thiếu hụt trong những tháng tới.
Bên cạnh ca cao, giá cà phê trong phiên hôm qua cũng ghi nhận mức tăng tốt, đặc biệt là cà phê Arabica. Theo đó, giá cà phê Arabica hợp đồng tháng 3/2025 tăng 2,47% và giá cà phê Robusta hợp đồng tháng 3/2025 tăng 0,37% so với tham chiếu. Lượng mưa dưới mức trung bình lịch sử tại vùng trồng cà phê chính của Brazil làm dấy lại lo ngại về nguồn cung tại Brazil trước bối cảnh thông tin cơ bản đang trái chiều.
Cơ quan Khí tượng Somar đưa tin lượng mưa tại Minas Gerais, bang trồng cà phê Arabica lớn nhất của Brazil chỉ đạt 35,2 mm vào tuần trước, chỉ bằng 65% so với lượng mưa trung bình trong lịch sử. Như vậy, vùng trồng cà phê chính của Brazil đã liên tục ghi nhận lượng mưa thấp kể từ tháng 4 đến nay. Điều này gây ảnh hưởng xấu lên quá trình phát triển của cây cà phê niên vụ 2025 - 2026, từ đó đưa đến triển vọng nguồn cung tiêu cực.
Tại thị trường nội địa, giá cà phê tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ trong sáng nay (17/12) ghi nhận ở mức 123.500 - 125.200 đồng/kg, không thay đổi so với ngày 16/12. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái giá cà phê hiện đã tăng gấp đôi.
Giá vàng nhẫn chiều nay tăng nhẹ
Ảnh minh họa
Tại thời điểm khảo sát lúc 14h30 ngày 17/12/2024, giá vàng trên sàn giao dịch của một số công ty như sau:
Giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 82,6 triệu đồng/lượng mua vào và 85,1 triệu đồng/lượng bán ra, đi ngang ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch trước đó. Chênh lệch giữa giá mua và giá bán là 2,5 triệu đồng.
Giá vàng 9999 hôm nay được DOJI niêm yết ở mức 83,6 triệu đồng/lượng mua vào và 84,6 triệu đồng/lượng bán ra, đi ngang ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch trước đó.
Còn tại Công ty Vàng bạc đá quý Mi Hồng, giá vàng Mi Hồng thời điểm khảo sát niêm yết giá vàng SJC ở mức 84,1-85,1 triệu đồng/lượng chiều mua vào - bán ra. So với hôm qua, giá vàng miếng SJC đi ngang ở cả hai chiều mua vào - bán ra.
Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng được doanh nghiệp giao dịch ở mức 82,6-85,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra. Còn tại Bảo Tín Mạnh Hải cũng đang được giao dịch ở mức 82,6-85,1 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). So với hôm qua, giá vàng giữ nguyên ở cả 2 chiều mua vào bán ra.
Giá vàng nhẫn phiên giao dịch ngày hôm nay (17/12) đã phục hồi trở lại khi tăng khoảng 100.000 - 300.000 đồng/lượng.
Cụ thể, giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại DOJI được niêm yết ở mức 83,7 - 84,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng lần lượt 200.000 đồng/lượng ở chiều mua và 100.000 đồng/lượng ở chiều bán so với sáng qua.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn niêm yết ở mức 83,63 - 85,08 triệu đồng/lượng, không đổi ở chiều mua nhưng tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều bán.
HOÀI TÂM tổng hợp
07:17 18/12/2024
Giao thông được xác định là huyết mạch của nền kinh tế, mở ra không gian và cơ hội phát triển mới. Vì vậy, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực hoàn thiện mạng lưới hạ tầng với mục tiêu đưa liên kết lên tầm cao mới.
07:23 17/12/2024
(HG) - Theo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Long Mỹ, tổng doanh số cho vay từ đầu năm đến nay đạt 195 tỉ đồng, tăng hơn 21 tỉ đồng so với cùng kỳ 2023. Tính đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn đạt hơn 655 tỉ đồng, tăng hơn 64 tỉ đồng so với đầu năm, với 13.066 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Đến nay, tỷ lệ giải ngân đạt 99,7% kế hoạch vốn được giao năm 2024. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh, chiếm tỷ lệ 0,9%/tổng dư nợ.
07:20 17/12/2024
(HG) - Huyện ủy Châu Thành cho biết, thời gian qua, huyện tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện nâng cấp, cải tạo hạ tầng và các tiêu chí của đô thị đối với các đô thị trên địa bàn. Trong giai đoạn 2021-2025, đã xây dựng xã Đông Phú đạt đô thị loại
20:32 16/12/2024
Không chỉ giúp khai thác tối đa tiềm năng của từng địa phương, mà mối liên kết chiến lược giữa ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh còn mở ra những cơ hội cho toàn khu vực, tạo sức bật mới cho sự phát triển kinh tế đồng bằng.
16:09 15/12/2024
Cùng những tin tức đáng chú ý khác, mời Quý độc giả theo dõi: Xuất khẩu dừa có thể mang về 1,2 tỷ USD; Vé máy bay khan hiếm, đắt đỏ; Bến Tre phát triển 10 câu lạc bộ với hơn 430 nông dân tỷ phú
14:51 14/12/2024
Cùng những tin tức đáng chú ý khác, mời Quý độc giả theo dõi: Việt Nam xuất khẩu hơn 1,57 triệu tấn phân bón các loại trong 11 tháng năm 2024; Xuất khẩu dừa mang về cho Bến Tre hơn 350 triệu USD mỗi năm; Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm nhanh.
08:24 13/12/2024
(HG) - Thực hiện Công điện số 124/CĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đôn đốc thu ngân sách nhà nước đối với các khoản thu liên quan đến đất đai trong tháng cuối năm 2024; Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang vừa có ý kiến giao Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện ngay các nội dung theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 124/CĐ-TTg ngày 30/11/2024.
06:01 13/12/2024
Các mô hình, đề án khuyến công đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển công nghiệp nông thôn của tỉnh. Đây sẽ là nền tảng giúp nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra việc làm, cải thiện đời sống người dân, hứa hẹn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Hậu Giang trong năm 2025.
07:39 12/12/2024
(HG) - UBND thành phố Vị Thanh cho biết, để phát triển đô thị một cách bền vững xứng tầm với đô thị loại II, hàng năm thành phố tổ chức rà soát, điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch theo điều kiện thực tế tình hình phát triển của thành phố và quy hoạch chung được tỉnh phê duyệt.
07:38 12/12/2024
(HG) - Năm 2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp tỉnh triển khai thực hiện 8 dự án giao thông trọng điểm với tổng nguồn vốn được giao là 627,194 tỉ đồng.
07:27 18/12/2024
Trải qua những năm tháng đấu tranh chống giặc ngoại xâm, người lính luôn là hình ảnh đẹp trong lòng Nhân dân.
07:26 18/12/2024
Với tính cần cù, chịu khó và sự hỗ trợ của địa phương, gia đình chị Hồ Ngọc Thủy, ở ấp Bàu Môn, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, đã thoát nghèo, cuộc sống ngày càng khấm khá, là gương sáng về sự vươn lên ở địa phương.
07:24 18/12/2024
Thành phố Vị Thanh có đông đồng bào dân tộc Khmer, Hoa sinh sống.
07:23 18/12/2024
Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Tết quân - dân 2025,