Bản tin Kinh tế - Thị trường ngày 27-8: Hội nghị xúc tiến thương mại mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long

27/08/2024 | 10:16 GMT+7

Cùng những tin tức Tin tức đáng chú ý khác, mời Quý độc giả theo dõi: Kim ngạch xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam có thể vượt mốc 1 tỷ USD; Giá vé máy bay tăng 20% dịp nghỉ lễ 2/9; Quản lý thị trường cả nước kiểm tra 50.445 vụ từ đầu năm đến nay

Hội nghị xúc tiến thương mại mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long

 

Hội nghị nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp liên kết vùng trong công tác xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu. Ảnh minh hoạ

Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu nhằm thúc đẩy phát triển thương mại và đầu tư trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Quyết định số 974/QĐ-TTg ngày 19/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long; thực hiện chương trình công tác năm 2024, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Cửu Long” vào ngày 6/9/2024.

Hội nghị có quy mô dự kiến khoảng 200 đại biểu tham dự là lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng, đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ logistics…

Hội nghị sẽ tập trung bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng trong hợp tác phát triển các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: Liên kết phát triển chuỗi giá trị xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, các sản phẩm nông sản chất lượng cao (như gạo, rau củ quả…); Liên kết phát triển dịch vụ logistics phục vụ xuất khẩu, khai thác hiệu quả các sản phẩm kinh tế biển phục vụ xuất khẩu; Liên kết phát triển các lĩnh vực năng lượng, hạ tầng khu - cụm công nghiệp phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu; Hợp tác, liên kết thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại quy mô vùng…

Bên lề hội nghị kết hợp không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm của các địa phương, doanh nghiệp trong vùng, tạo cơ hội kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại.

Kim ngạch xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam có thể vượt mốc 1 tỷ USD

 

Ký nghị định thư, xuất khẩu dừa có thể tăng thêm 200 - 300 triệu USD trong năm 2024. Ảnh: Báo nongnghiep.vn

Vừa qua, 3 mặt hàng gồm dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu đã nhận tin vui khi Nghị định thư mở đường cho việc xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã được kí kết. Với tiềm năng từ thị trường 1,4 tỷ dân, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam có thể tăng thêm 200 - 300 triệu USD trong năm nay và còn tăng trưởng mạnh trong các năm tiếp theo. Những ngày qua, nhà vườn Đồng bằng sông Cửu Long đang rất phấn khởi với thông tin này.

Dừa tươi được đánh giá là ngành hàng "tỷ đô", có triển vọng xuất khẩu lớn. Hiện Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dừa lớn trên thế giới, với diện tích trồng khoảng 175.000ha, tập trung chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đơn vị tham mưu kỹ thuật cho nghị định thư, đánh giá xuất khẩu dừa tươi không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn tạo động lực cho ngành dừa Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Hiệp hội Dừa Việt Nam thống kê, cả nước có khoảng 100 doanh nghiệp liên quan đến dừa, trong đó hơn 40 doanh nghiệp sản xuất chế biến sâu. Bên cạnh sản xuất, các doanh nghiệp còn khai thác một số nguyên liệu, phế phụ phẩm từ dừa, phục vụ các ngành thực phẩm, y tế, mỹ phẩm.

Hiện nay Trung Quốc tiêu thụ dừa rất lớn, trong khi khả năng cung ứng trong nước chỉ 10%. Chính vì thế khi Trung Quốc mở cửa cho trái dừa Việt Nam thì đây sẽ là cơ hội cho các địa phương, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long như Trà Vinh hay Bến Tre.

Hiện Việt Nam đứng thứ 7 về sản xuất dừa trên toàn thế giới. Diện tích trồng dừa vào khoảng 188.000 ha, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ riêng 4 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long, tổng diện tích đã vượt 130.000 ha.

Hiệp hội Dừa Việt Nam dự báo, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa năm nay sẽ đạt 1 tỷ USD. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực đầu tư phát triển sản xuất, ngành hàng dừa sẽ không khó để đạt con số này. Tiềm năng thế mạnh cây dừa càng được phát huy khi thị trường xuất khẩu chính ngạch của loài cây công nghiệp này đang tiếp tục mở rộng.

Giá vé máy bay tăng 20% dịp nghỉ lễ 2/9

Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận giá vé máy bay dip 2/9 tăng 20% so với trước kỳ nghỉ. Ảnh minh họa.

Liên quan đến tình hình giá vé máy bay, Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận giá vé máy bay dip 2/9 tăng 20% so với trước kỳ nghỉ. Khảo sát dữ liệu giá vé của các hãng hàng không Việt Nam, đường bay Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh vé của Vietnam Airlines cao nhất khoảng 2,6 triệu đồng/chiều vào ngày 30/8, tăng 8% so với một tuần trước đó. Cùng thời gian bay này, Vietjet Air có mức giá 2,3 triệu đồng, tăng 25% so với một tuần trước.

Trên đường bay Hà Nội - Nha Trang, giá vé được các hãng công bố từ 2,4 đến 3 triệu đồng mỗi chiều, tăng khoảng 24% so với tuần trước nghỉ lễ.

Giá vé có chiều hướng tăng so với ngày thường song chủ yếu vào ngày bắt đầu và kết thúc kỳ nghỉ lễ. Với những ngày giữa kỳ nghỉ, giá vé tương đương ngày thường. Trên các trang bán vé của hãng, nhiều chuyến bay vẫn còn vé dịp cao điểm 2/9. "Giá vé dịp lễ 2/9 đã giảm so với dịp cao điểm 30/4 và duy trì nhịp ổn định trong dịp hè vừa qua", Cục Hàng không Việt Nam đánh giá.

Cục Hàng không Việt Nam khuyến cáo hành khách đặt vé sớm tại các kênh chính thức của hãng để có nhiều lựa chọn về giá vé và bố trí thời gian di chuyển đến sân bay nhằm tránh ùn tắc. Ngoài ra, hành khách có thể cân nhắc đặt vé trên các chuyến bay khởi hành sớm hoặc muộn trong ngày để có mức giá rẻ hơn.

Nửa đầu năm 2024, giá vé trên một số đường bay trong nước tăng cao so với cùng kỳ 2023. Nguyên nhân lớn nhất là các hãng trong nước thiếu hụt tàu bay, chỉ khai thác thực tế 165-170 chiếc, giảm 40-45 so với mức bình quân cả năm ngoái.

Thị trường nội địa gần như phụ thuộc vào năng lực cung ứng của Vietnam Airlines và Vietjet. Các hãng cũng khó tăng thêm nguồn lực tàu bay trong lúc thị trường thế giới cũng thiếu và giá thuê bị đẩy lên cao.

Quản lý thị trường cả nước kiểm tra 50.445 vụ từ đầu năm đến nay

 

8 tháng năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 50.445 vụ; phát hiện, xử lý 35.510 vụ vi phạm. Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường

Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trong 8 tháng năm 2024, tình hình vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vào các thời điểm lễ, tết, kỳ nghỉ dài ngày do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm trở nên sôi động.

Hành vi vi phạm của các đối tượng luôn thay đổi. Hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được đối tượng tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào tiêu thụ nội địa. Vi phạm chủ yếu phát hiện đối với nhóm hàng có nhu cầu cao, như: Thời trang, mỹ phẩm, thiết bị điện, thực phẩm...

Đáng chú ý, vào dịp chuẩn bị cho Tết Trung thu năm nay, một số tổ chức, cá nhân đã tập trung đưa nhiều hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ là các loại thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em, đặc biệt là bánh trung thu ra thị trường tiêu thụ, gây ảnh hưởng sức khỏe của người sử dụng.

Cũng theo Tổng cục Quản lý thị trường, liên quan đến mặt hàng thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, khí bóng cười (N2O), những tháng đầu năm, tỷ trọng các vụ việc vi phạm đối với thuốc lá điếu giảm so với vi phạm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng với các hành vi vi phạm chủ yếu như: nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng.

Tính chung, từ 15/12/2023 - 22/8/2024, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 50.445 vụ; phát hiện, xử lý 35.510 vụ vi phạm; tổng số tiền xử lý là 674 tỷ đồng; trong đó, thu nộp ngân sách nhà nước 395 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu gần 148 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy trên 184 tỷ đồng.

Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trong 8 tháng năm 2024, số hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, lĩnh vực y tế, giá, niêm yết giá, tiêu chuẩn đo lường, nhãn hàng hóa được lực lượng phát hiện giảm so với cùng kỳ năm 2023; các hành vi về nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), an toàn thực phẩm, nông nghiệp, đặc biệt, lĩnh vực thương mại điện tử tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2024, Tổng cục tập trung toàn lực lượng trong mặt trận chống hàng giả, hàng vi phạm SHTT trong thương mại điện tử.

HOÀI TÂM tổng hợp

Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>