Bản tin Kinh tế - Thị trường ngày 9-9: Xuất khẩu gạo dự kiến sẽ đạt kỷ lục trong năm 2024

09/09/2024 | 14:46 GMT+7

Cùng những tin tức đáng chú ý khác, mời Quý độc giả theo dõi: Khôi phục cấp điện cho hơn 4,2 triệu khách hàng chịu ảnh hưởng của bão số 3; Giá vàng SJC ổn định mốc 80,5 triệu đồng/lượng; Tăng cường tạm hoãn xuất cảnh nếu cố tình chây ỳ nợ thuế.

Xuất khẩu gạo dự kiến sẽ đạt kỷ lục trong năm 2024

Xuất khẩu gạo dự kiến sẽ đạt kỷ lục trong năm 2024. Ảnh: Tân Long (ảnh minh họa)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 8/2024, cả nước đã gieo cấy được gần 6,6 triệu ha lúa; thu hoạch ước đạt 4,45 triệu ha; sản lượng thu hoạch ước đạt hơn 28,7 triệu tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái. 8 tháng năm 2024, xuất khẩu gạo đạt trên 3,8 tỷ USD, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng xuất khẩu đạt gần 6,2 triệu tấn, tăng gần 6%. Giá xuất khẩu gạo bình quân 8 tháng đạt 625 USD/tấn, tăng 14,8%.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nguồn cung của một số nước xuất khẩu gạo đang hạn chế, trong khi chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu khó tính của thị trường thế giới. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng tích cực đàm phán và đạt kết quả tốt với đối tác. Nhờ vậy, sản lượng gạo xuất khẩu cũng tăng lên, giá gạo của Việt Nam được đảm bảo.

Về thị trường xuất khẩu gạo trong những tháng còn lại của năm 2024 thì nhu cầu nhập khẩu gạo từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia, Malaysia,... sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của nước ta cũng đang tích cực mở rộng sang những thị trường mới như: Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Do đó, dự báo, trong năm 2024, sản xuất lúa gạo trong nước ước đạt khoảng 43,4 triệu tấn lúa và có thể dành khoảng 8 triệu tấn gạo cho xuất khẩu.

Mặc dù diện tích lúa của Việt Nam giảm, còn 7,12 triệu ha, tuy nhiên sản lượng gạo xuất khẩu vẫn đảm bảo nhờ giống lúa mới, năng suất và chất lượng cao. Với đà tăng nhập khẩu của các đối tác, xuất khẩu gạo của nước ta kỳ vọng cán mốc khoảng 8 triệu tấn trong năm nay, thu về hơn 5 tỷ USD và là kỷ lục mới của ngành.

Về phía doanh nghiệp cũng đánh giá, nhu cầu cao, trong bối cảnh sự khan hiếm nguồn cung từ các nước khác và chất lượng gạo Việt Nam ngày được nâng cao, do đó, xuất khẩu gạo được nhận định tiếp tục “sáng” trong những tháng cuối năm. Với kết quả xuất khẩu các tháng đầu năm và diễn biến thị trường gần đây, các doanh nghiệp nhận định, cả năm 2024, xuất khẩu gạo Việt Nam có thể lần đầu tiên chạm mốc 5 tỷ USD.

Khôi phục cấp điện cho hơn 4,2 triệu khách hàng chịu ảnh hưởng của bão số 3

Khoảng 4000 cán bộ nhân viên đã được huy động để khắc phục hậu quả, khôi phục điện sau bão. Ảnh minh họa

Theo thông tin cập nhật đến 8h sáng nay 9/9 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong số hơn 5,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng do bão Yagi, các đơn vị ngành điện đã khôi phục cung cấp điện được cho 4,2 triệu khách hàng, tương ứng tỷ lệ khôi phục cung cấp điện cho khách hàng bị ảnh hưởng là 73,7%.

Bên cạnh khoảng 4000 cán bộ nhân viên đã được huy động để khắc phục hậu quả, khôi phục điện sau bão, ngay trong ngày 8/9/2024 Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) còn huy động thêm tổng cộng 38 đội xung kích với tổng số 413 cán bộ, công nhân kỹ thuật từ 13 đơn vị trực thuộc để hỗ trợ khắc phục sự cố lưới điện bị ảnh hưởng nặng nề bởi Bão số 3 tại tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng.

Còn tại TP Hà Nội, theo thông tin từ Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội, có khoảng tổng cộng 290.000 khách hàng bị ảnh hưởng do bão Yagi và hầu hết ở khu vực các huyện ngoại thành. Đến nay, gần như toàn bộ 100% các khách hàng bị gián đoạn cung cấp điện do ảnh hưởng bão Yagi đã được khôi phục cung cấp điện.

Hiện các nhà máy thủy điện của EVN ở khu vực phía Bắc vẫn duy trì vận hành bình thường, lưu lượng nước đến các hồ thủy điện đã tăng do ảnh hưởng của mưa bão. Một số hồ chứa thủy điện đang thực hiện mở các cửa xả để điều tiết theo điều hành của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai và Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai các tỉnh/TP, cụ thể như sau: Tuyên Quang (mở 04 cửa), Lai Châu (mở 01 cửa), Bản Chát (mở 04 cửa), Huội Quảng (mở 04 cửa), Hòa Bình (mở 02 cửa), Thác Bà (mở 02 cửa), Trung Sơn (mở 06 cửa), Bản Vẽ (mở 06 cửa).

Bão số 3 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống lưới điện. Ngành điện hiện đã khắc phục lưới điện 500kV với 7/9 đoạn đường dây bị sự cố; Lưới điện 220kV đã khôi phục được 27/40 đoạn đường dây bị sự cố; Lưới điện 110kV đã khôi phục được 77/102 đoạn đường dây bị sự cố.

Với lưới điện trung, hạ áp, do ảnh hưởng bởi gió bão lớn, nhiều đường dây và trạm biến áp phân phối ở nhiều tỉnh, thành phố ở phía Bắc bị sự cố gây gián đoạn cung cấp điện diện rộng.

Các công ty điện lực đang khẩn trương thống kê, thực hiện khắc phục thiệt hại theo các phương án, kịch bản đã xây dựng; đặc biệt tại 2 địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Hải Phòng và Quảng Ninh, sớm cấp điện trở lại hoàn toàn.

Giá vàng SJC ổn định mốc 80,5 triệu đồng/lượng

 

Giá vàng trong nước duy trì ở mức 78,5 - 80,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Ảnh minh họa

Giá vàng hôm nay, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng mua vào đầu phiên sáng 9/9 ở mức 78,5 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 80,5 triệu đồng/lượng, so với phiên giao dịch cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC ổn định ở cả chiều mua vào và chiều bán ra. Chênh lệch giá mua – bán vàng SJC đang là 1,5 triệu đồng/lượng.

Cùng thời điểm, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 78,5  – 80,5 triệu đồng/lượng, ổn định ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với phiên giao dịch cuối ngày hôm qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng DOJI đang là 1,5 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, sáng 9/9 (giờ Việt Nam), giá vàng giao dịch trên sàn Kitco ở mức 2.497,5 USD/oz, tăng 0,3 USD/oz so với phiên cuối tuần qua.

Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngoại tệ tại Vietcombank sáng 9/9: 1 USD = 24.780 VND, giá vàng thế giới tương đương 74,56 triệu đồng/lượng, thấp hơn 5,94 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra sáng ngày 9/9/2023.

Tăng cường tạm hoãn xuất cảnh nếu cố tình chây ỳ nợ thuế

 

Tăng cường áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với những trường hợp cố tình chây ỳ nợ thuế. Ảnh minh họa

Tổng cục Thuế cho biết, để đẩy mạnh, quản lý, thu hồi nợ thuế, cơ quan này sẽ tiếp tục rà soát, phát hiện các khoản nợ sai, nợ ảo, đặc biệt là các khoản mới phát sinh sau khi hệ thống chốt sổ để xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với những trường hợp cố tình chây ỳ nợ thuế sau khi đã được cơ quan thuế áp dụng các biện pháp nhắc nhở, cảnh báo.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cũng yêu cầu Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cục thuế các địa phương kiên quyết áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với người nộp thuế thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với cục thuế các địa phương đề xuất các nhóm giải pháp để thu hồi nợ thuế hiệu quả, trong đó phải đặc biệt chú ý đến áp dụng tự động hóa, số hóa và truy suất dữ liệu lớn (big data) của ngành thuế áp dụng vào quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.

Tổng cục Thuế cho biết, lũy kế đến hết tháng 8/2024, việc thu nợ toàn ngành thực hiện tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Thời gian qua, ngành thuế đã triển khai đồng bộ các biện pháp cưỡng chế, đẩy mạnh nâng cấp ứng dụng hỗ trợ việc triển khai thu nợ thuế, như đã thực hiện nâng cấp nhiều phiên bản ứng dụng công nghệ thông tin; trong đó có nâng cấp chức năng tại phân hệ quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế trên hệ thống ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS). Đồng thời, đẩy mạnh triển khai xây dựng một số ứng dụng như ứng dụng công nghệ trợ lý ảo trong quản lý nợ, trên eTax Mobile và biện pháp tạm hoãn xuất cảnh…

HOÀI TÂM tổng hợp

Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>