Chung tay xóa trắng hộ nghèo

17/07/2024 | 10:00 GMT+7

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong 10 năm qua tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các chương trình tín dụng ưu đãi do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện cùng với các chính sách khác góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đầu năm 2015 từ 8,4% xuống còn 3,29% cuối năm 2023.

Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm 50 triệu đồng đã giúp gia đình ông Lâm, ở ấp 10, xã Vị Trung, phát triển mô hình nuôi lươn sinh sản hiệu quả.

Quán triệt Chỉ thị sâu rộng

Trong 10 năm qua, Tỉnh ủy Hậu Giang đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền trong tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40) và Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Kết luận số 06).

Ngay sau khi nhận được Chỉ thị số 40, Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Trần Bá Thức, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Châu Thành, cho biết: Từ khi có Chỉ thị 40 nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện không ngừng tăng trưởng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện. Sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Đến hết tháng 6-2024, nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác sang ngân hàng trên 6,9 tỉ đồng, tăng 6,5 tỉ đồng so với trước khi có Chỉ thị 40. Từ khi có Chỉ thị số 40, với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác thì nguồn vốn tín dụng chính sách đến gần với người dân hơn, chất lượng tín dụng ngày càng nâng lên.

Khẳng định hiệu quả của Chỉ thị số 40, ông Phạm Thiếu Bỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cho biết: Hiện toàn xã có 3 ấp đã được thoát trắng hộ nghèo là ấp 7, 10, 11, và rất vui là trong các ấp trắng nghèo đều có hội viên Hội Nông dân. Trong 1.741 hội viên, hiện còn 15 hộ nghèo ở các ấp còn lại. Phải khẳng định rằng, từ khi có Chỉ thị số 40 đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn sản xuất, giải quyết việc làm nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.

Điểm sáng nhất là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị quyết liệt, nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng ngành, đoàn thể trong thực hiện để Chỉ thị lan tỏa từ cán bộ đảng viên đến quần chúng nhân dân đạt hiệu quả cao nhất. Riêng đối với Hội Nông dân xã Vị Trung, để giảm hộ hội viên nghèo theo kế hoạch hàng năm trong 4 ấp còn lại thì hội có phân công một chi hội trưởng cùng với một nông dân sản xuất giỏi kèm hộ nghèo để giúp hộ có mô hình, kỹ thuật sản xuất hiệu quả hơn.

Cánh tay đắc lực cho người nghèo

Để đảm bảo nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội, được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của NHCSXH, đến nay chi nhánh NHCSXH tỉnh được NHCSXH cân đối chuyển 4.034 tỉ đồng để thực hiện cho vay. Bên cạnh đó, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã chủ động làm việc với cấp ủy, chính quyền các địa phương để đánh giá hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn, triển khai thực hiện tín dụng chính sách phục vụ giảm nghèo đa chiều và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 40 và Kết luận số 06.

Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội ngày càng được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm tăng cường nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH. Trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang ngân hàng để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn tỉnh đã tăng hơn 355 tỉ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, tăng 103 tỉ đồng, đây là mức tăng cao nhất trong vòng 20 năm qua.

Đến ngày 30-6-2024, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội và ủy nhiệm thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn đạt hơn 4.286 tỉ đồng, chiếm 97,6% trên tổng dư nợ của chi nhánh, với hơn 100.000 khách hàng còn dư nợ, thông qua 2.168 tổ tiết kiệm và vay vốn.

Trong 10 năm qua, thông qua các chương trình tín dụng, nguồn vốn giải ngân qua NHCSXH đã giúp cho 326.263 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Trong đó, hỗ trợ vốn trang trải chi phí học tập cho 8.231 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Giải quyết việc làm góp phần thu hút, tạo việc làm cho 34.185 lao động và 1.653 lao động được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Hỗ trợ xây dựng mới và cải tạo trên 206.603 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn. Hỗ trợ vốn vay cho 1.963 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác mua nhà ở xã hội và xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

Thông qua các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH đầu tư cho vay tại các xã xây dựng nông thôn mới trong tỉnh đã góp phần giúp 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 41 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, 11 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, công nhận được 266 sản phẩm OCOP, trong đó có 92 sản phẩm OCOP 4 sao, 174 sản phẩm OCOP 3 sao, có 11 sản phẩm dự thi sản phẩm OCOP 5 sao của Trung ương.

Để nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả, ông Bùi Văn Thuấn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Hậu Giang, cho biết: Tín dụng chính sách là phải được công khai minh bạch, dân chủ, đảm bảo sự kiểm tra của các cấp, các ngành và đông đảo tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Nơi nào có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đoàn thể nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn chủ động công việc đã được ký kết với NHCSXH thì tín dụng chính sách sẽ đạt hiệu quả, đạt mục đích, ý nghĩa tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Đồng thời, chất lượng tín dụng được nâng cao, nguồn vốn bảo đảm được an toàn.

Gần dân, giúp dân tích cực là thế mạnh của hoạt động tín dụng chính sách. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay Chi nhánh NHCSXH Hậu Giang có 75 điểm giao dịch xã tại 75 đơn vị xã, phường, thị trấn đã giúp cho việc tiếp cận nguồn vốn vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách được thuận lợi hơn, góp phần đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen tại địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng trong việc vay vốn và trả nợ, tiết giảm thời gian và chi phí đi lại của người dân.

Một trong những ấp không còn hộ nghèo, ông Thạch Kha, Chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp 10, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, phấn khởi cho hay: “Toàn chi hội có 274 hội viên, trong năm 2023 còn 4 hộ hội viên là hộ nghèo. Tuy nhiên, từ nguồn tín dụng chính sách, vận động hộ nghèo nỗ lực phát triển sản xuất, đưa mô hình làm ăn phù hợp với khả năng hộ nghèo cùng với kỹ thuật trong sản xuất, nuôi, trồng, từ đó sang đầu năm 2024 toàn ấp 10 đã xóa trắng hộ nghèo. Kết quả này là sự đồng lòng chung tay vì người nghèo thì mới giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững”. 

Ông Lê Hoàng Lâm, ở ấp 10, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tâm sự: “Năm 2022, sau khi đi lao động ở Đài Loan về, tôi bắt tay ngay vào việc nuôi lươn sinh sản, cùng nuôi rắn ri voi, cá kiểng. Tôi đã đầu tư làm chuồng, mua con giống gần 200 triệu đồng. Sau khi thu hoạch, trừ hết chi phí một năm gia đình tôi lợi nhuận được hơn 100 triệu đồng. Có được như hôm nay và thoát hộ nghèo, gia đình tôi rất cảm ơn các cấp chính quyền đã tạo điều kiện cho gia đình tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng chính sách như Chương nước sạch vệ sinh môi trường và giải quyết việc làm với số tiền 50 triệu đồng. Chính sự quan tâm này là động lực rất lớn giúp gia đình nỗ lực hơn nữa để vươn lên trong cuộc sống”.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Huyến, Chỉ thị số 40 phải đi vào cuộc sống, đó là quan điểm mà tỉnh tiếp tục chỉ đạo. Vì thế, đối với cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp phải đưa Chỉ thị số 40 cũng như các chính sách khác vào các chương trình, kế hoạch và chỉ tiêu hàng năm để thực hiện. Đồng thời, phải chỉ đạo quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực, đời sống người dân để phát triển kinh tế - xã hội. Mặt trận Tổ quốc và tổ chức hội đoàn thể phải thể hiện rõ vai trò của mình tiếp tục cùng NHCSXH gần gũi với người dân, sát với đối tượng thụ hưởng để hướng dẫn cách làm ăn, giám sát việc thực hiện nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả cao nhất.

 

T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>