Đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2024 và những lưu ý khi xuất khẩu vào EU
Để đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%, ngành Công Thương xác định đẩy mạnh xuất khẩu tiếp tục là chân kiềng quan trọng. Vì thế, năm 2024, phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2023; Cán cân thương mại duy trì xuất siêu (dự kiến xuất siêu 15 tỷ USD).
Trong các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu đề ra, ngành Công Thương nhấn mạnh việc đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng hàng hoá, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, bức tranh tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2024 tiếp tục chậm lại, không quá lạc quan sẽ tác động trực tiếp đến triển vọng của các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Cùng với chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau, các nước phát triển ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, từ đó dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu, có thể kể đến dự luật chống phá rừng, hay cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) của EU; rồi Mỹ nâng cao và gắn các tiêu chuẩn lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ... với thương mại.
Đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2024. (Ảnh minh họa)
Xu hướng phát triển kinh tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số ngày càng rõ nét. Trong bối cảnh năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, ngành Công Thương xác định 6 nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2024.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, cho biết: "Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn, có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu; tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các Hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng.
Tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại".
Theo các chuyên gia, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam với rất nhiều ngành hàng công nghiệp chủ lực cũng như nông sản, thực phẩm mà Việt Nam có thế mạnh.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các lợi thế của hàng hoá Việt Nam đã phần nào bị ảnh hưởng, doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trước yêu cầu phải đáp ứng được các quy định mới, tiêu chuẩn cao về chất lượng hàng hóa, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững... gọi chung là tiêu chuẩn xanh của EU.
Với cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) ngay cả trong trước mắt cũng sẽ không chỉ tác động trực tiếp tới 6 lĩnh vực công nghiệp thải ra nhiều các bon bao gồm sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hiđro (theo quy định sẽ phải nộp báo cáo đầu tiên trước ngày 31/1/2024) mà sẽ gián tiếp tác động tới các ngành hàng tiêu thụ nhiều nguyên liệu và năng lượng.
Hàng loạt tiêu chuẩn môi trường mới được EU áp dụng trong thời gian tới, như “thỏa thuận xanh” của EU gồm một gói các hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên trong khi đạt được tăng trưởng kinh tế, mà cơ chế CBAM chỉ là một nội hàm trong đó.
Cũng trong khuôn khổ thoả thuận xanh, tháng 6/2023, EU đã ban hành quy định chống phá rừng (EUDR), có hiệu lực từ cuối năm 2024 nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng gây mất rừng và suy thoái rừng. Các công ty kinh doanh gỗ, cà phê, ca cao, cao su, đậu nành, gia súc, dầu cọ... tại EU phải chứng minh hàng hóa không liên quan đến hoạt động phá rừng hoặc góp phần làm suy thoái rừng.
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, cho rằng: "Cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta cũng phải tính toán đến những xu hướng dài hạn này để có điều chỉnh, từ đó có thể đi được vào thị trường EU.
Chúng ta thấy, các nhà đầu tư nước ngoài, khi vào Việt Nam thì họ cũng đã có những cam kết mạnh mẽ về bảo vệ môi trường để chống biến đổi khí hậu. Ví dụ như là thải carbon bằng 0, thậm chí họ còn cam kết là trồng rừng ở Việt Nam để bồi hoàn lại những chất cacbon được thải từ nhà máy của họ. Đó là những điều mà chúng ta nghe, nhìn để coi là hình mẫu, từ đó điều chỉnh doanh nghiệp của chúng ta, nếu muốn làm ăn lâu dài với thị trường này thì cũng phải đáp ứng được những quy định của họ, đặc biệt là đáp ứng được những mối quan tâm của người tiêu dùng ở thị trường khó tính này".
Chia sẻ về cơ chế khuyến khích cho phát triển công nghiệp và thương mại xanh cũng như kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn - công cụ để Việt Nam thực hiện đưa phát thải ròng về ) vào năm 2050, PGS. TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ TNMT nhấn mạnh: "Để thực hiện những điều này thì chắc chắn là Việt Nam chúng ta vẫn đòi hỏi 3 yêu cầu mà thường xuyên chúng ta phải đề xuất, đó là đáp ứng yêu cầu về tài chính; thứ hai là tăng cường năng lực; và thứ ba là chuyển giao công nghệ.
Và hiện nay trong đề xuất về kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn, chúng tôi đề nghị các Bộ, ngành, địa phương lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào quy hoạch, kế hoạch và chiến lược; và yêu cầu các doanh nghiệp lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào chuỗi sản xuất và tiêu dùng bền vững - từ thăm dò, điều tra khai thác, chế biến sản xuất, phân phối tiêu dùng, phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu trữ, tái chế, tái sử dụng chất thải…".
Cùng với tuân thủ thực hiện các giải pháp về chuỗi sản xuất và phân phối xanh, thì việc thâm nhập được vào thị trường đối tác lại cần thêm rất nhiều kỹ năng khác.
Theo các chuyên gia, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam với rất nhiều ngành hàng công nghiệp chủ lực cũng như nông sản, thực phẩm mà Việt Nam có thế mạnh. (Ảnh minh họa)
Bà Nguyễn Thị Hương Liên - Phó TGĐ Công ty CP Sao Thái Dương chia sẻ kinh nghiệm: "Chúng tôi cũng có mời một số tư vấn về chuyên môn của Anh cũng như của châu Âu để hỗ trợ cho chúng tôi trong việc làm thế nào để chắc chắn rằng những sản phẩm của mình, nghiên cứu của mình thật sự không vướng mắc gì về luật pháp hành nghề chuyên môn đối với thị trường Anh.
Và về hỗ trợ thương mại thì tham tán thương mại và đại sứ quán Việt Nam đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Vậy thì kinh nghiệm ở đây là gì thì tôi nghĩ rằng là với các doanh nghiệp mà chưa bao giờ xuất khẩu đi Anh hay là đi châu Âu thì sự hỗ trợ của đại diện thương mại Bộ Công thương tại các quốc gia là rất quan trọng".
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại hàng hoá vào các thị trường, trong đó EU tiếp tục là thị trường được Bộ Công Thương ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, trong năm 2024, Bộ Công thương sẽ triển khai một loạt những chương trình hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho các ngành sản xuất, đặc biệt là với từng ngành có liên quan tới quy định của CBAM, và những quy định liên quan đến tiêu chuẩn xanh của Đức, của EU.
Cụ thể đối với xúc tiến xuất khẩu, Bộ Công thương sẽ phối hợp với hệ thống thương vụ Việt Nam và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp tốt nhất những quy định mới và hướng dẫn mới liên quan đến thỏa thuận xanh và kinh doanh có điều kiện cũng như kinh tế tuần hoàn cho các ngành sản xuất trong nước, để có thể đáp ứng được tốt nhất và hiệu quả nhất quy định mới.
Theo Nguyên Long/VOV1
- BẢNG GIÁ QUẢNG CÁO BÁO HẬU GIANG
- “Bác Hồ trong trái tim các dân tộc Việt Nam”
- Chúc tăng, ni, phật tử đón Đại lễ Phật đản an lành
- Huyện Vị Thủy: Xây dựng 41 tuyến đường đẹp
- Điểm tin sáng 17 – 5: Bốn người Việt Nam vào top gương mặt trẻ nổi bật châu Á
- Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám định tư pháp
- Nâng cao kỹ năng cho các “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”
- Bảo hiểm xã hội tỉnh và Hội Nông dân tỉnh phối hợp ra mắt mô hình mới
- Xét xử 16 bị cáo liên quan đến “tín dụng đen”
- Nguy cơ ùn tắc kiểm định khi gần 300 đăng kiểm viên ra tòa