Khẳng định vị thế hàng Việt
Khảo sát tại một số siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh, nhiều sản phẩm nội địa nằm “chễm chệ” trên các kệ hàng, điều đó cho thấy hàng Việt đang ngày càng có chỗ đứng trên “sân nhà”.
Bà Võ Thị Phương Trang do cơ sở bà sản xuất giới thiệu sản phẩm với người tiêu dùng.
“Sính” hàng nội hơn hàng ngoại
Từ khi triển khai đến nay, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã từng bước thay đổi nhận thức và tâm lý của cả doanh nghiệp cung ứng và người tiêu dùng đối với hàng hóa xuất xứ trong nước. Sự tin tưởng vào sản phẩm Việt ngày càng được khẳng định bởi nguồn gốc rõ ràng, nhãn hiệu uy tín và chất lượng ngày càng được cải thiện, được công bố một cách minh bạch. Việc áp dụng tem truy xuất cũng giúp người tiêu dùng dễ dàng tra cứu thông tin về sản phẩm.
Trong khi đó, tỷ lệ hàng nhập khẩu không đáng kể và thường có giá cao hơn do phải chịu thuế nhập khẩu và chi phí vận chuyển. Do đó, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng hàng hóa sản xuất trong nước hơn.
Tại một số siêu thị như Co.opmart, Winmart và Bách Hóa Xanh trên địa bàn tỉnh, hàng Việt Nam hiện đang chiếm tỷ lệ áp đảo từ 90-95%. Ngay cả tại các kênh phân phối như các chợ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt cũng từ 60% trở lên. Điều này cho thấy rằng, nhận thức của người tiêu dùng đã trải qua sự thay đổi đáng kể. Không chỉ là kết quả của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mà còn bởi hàng Việt Nam đã trở thành sự lựa chọn không thể thiếu của người tiêu dùng Việt.
Theo đánh giá từ các doanh nghiệp bán lẻ, người tiêu dùng ngày càng kỹ tính trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng, ngoài kiểu dáng, độ bền, còn đặc biệt quan tâm nhiều đến sự an toàn đối với sức khỏe. So với hàng nhập ngoại, hàng Việt Nam có nhiều lợi thế riêng, bởi sự hiểu biết về thị hiếu và thói quen của người tiêu dùng trong nước. Do đó, nhiều sản phẩm có giá thành phải chăng, đảm bảo chất lượng và tiện ích ra đời phục vụ nhu cầu đó. Điều này giúp hàng Việt Nam tăng sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu, và người tiêu dùng cũng đã dần tin tưởng, ưu tiên chọn lựa các sản phẩm xuất xứ Việt Nam.
Là người quản lý chi tiêu trong gia đình, chị Nguyễn Thị Thùy Dương, ở thị xã Long Mỹ, cho biết: “Thời gian gần đây, tôi ngày càng ưa chuộng sản phẩm Việt Nam hơn. Điều chủ yếu là vì chất lượng của các sản phẩm đang được cải thiện đáng kể, giá cả cũng phải chăng hơn so với hàng nhập khẩu. Gần đây, tôi đã mua một số sản phẩm đồ dùng gia đình như chăn, ga trải giường và đồ dùng nhà bếp từ các thương hiệu Việt Nam. Tôi thấy rất hài lòng về chất lượng của chúng, không thua kém gì so với hàng nhập khẩu mà giá lại rẻ hơn nhiều. Điều này thực sự làm tôi tin tưởng hơn vào sự phát triển của ngành sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, việc ủng hộ và thúc đẩy sản xuất trong nước cũng là một lý do quan trọng khác. Tôi cảm thấy tự hào khi sử dụng các sản phẩm do chính người Việt Nam sản xuất”.
Nhiều sản phẩm Việt Nam được trưng bày tại Siêu thị Co.opmart Vị Thanh.
Đưa hàng Việt “chinh phục” người tiêu dùng
Hiện nay hàng Việt không chỉ phổ biến ở các chợ truyền thống, mà còn được đưa vào các chuỗi cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi, siêu thị lớn trên cả nước với tỷ lệ cao.
Tại Siêu thị Co.opmart Vị Thanh, có đến khoảng 90% hàng hóa được bày bán là hàng nội địa. Con số này cho thấy, hàng Việt Nam thực sự đã có sự cải tiến, không chỉ đa dạng về mẫu mã, chất lượng cao, mà còn khẳng định được vị thế cạnh tranh so với hàng ngoại.
Cùng với việc đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị, Siêu thị Co.opmart Vị Thanh còn phối hợp với Sở Công thương tỉnh tổ chức hơn 10 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và được bà con địa phương hưởng ứng mạnh mẽ với doanh thu trong năm 2023 đạt khoảng 400 triệu đồng. Thời gian tới, đơn vị này đang xây dựng kế hoạch phối hợp với Sở Công thương tỉnh tổ chức từ 1 đến 2 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn mỗi tháng nhằm giúp người dân có cơ hội tiếp cận với hàng hóa nội địa chất lượng cao, giá cả hợp lý.
Bên cạnh đó, những chương trình như mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm đặc trưng vùng miền cũng đã góp phần làm cho bức tranh hàng Việt thêm sinh động, giúp tăng đáng kể sức cạnh tranh của hàng Việt Nam, trước tiên là ngay trên “sân nhà”.
Nhiều sản phẩm của Hậu Giang như gạo sạch Vị Thủy, cá thát lát rút xương, bún khô Huỳnh Đức, rượu truyền thống Út Tây… được đa số người tiêu dùng đánh giá cao bởi sự tiện dụng, chất lượng và nhanh chóng được thêm vào giỏ hàng của nhiều người nội trợ.
Chị Trần Thị Mỹ Hạnh, ở thành phố Vị Thanh, cho biết: “Các sản phẩm OCOP thường có mức giá hợp lý, mẫu mã, bao bì bắt mắt, quy trình sản xuất cũng phải đạt chuẩn. Ngoài ra, trên bao bì còn in các thông số chi tiết đầy đủ nên tôi cũng yên tâm lựa chọn sử dụng”.
Bà Võ Thị Phương Trang, Cơ sở sản xuất rượu truyền thống Út Tây, chia sẻ: “Ngày nay, đa số người tiêu dùng rất tin tưởng vào chữ OCOP được dán trên bao bì sản phẩm. Sản phẩm của chúng tôi may mắn nhận được phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng. Đợt Tết Nguyên đán vừa rồi, có nhiều khách hàng mới liên lạc với chúng tôi để đặt sản phẩm làm quà biếu, tặng. Ngoài ra, nhiều người cũng tin tưởng chọn sản phẩm chúng tôi cho các dịp đặc biệt như cưới hỏi”.
Theo ông Nguyễn Hữu Ái, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh, thời gian qua, Sở Công thương đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác vận động trên địa bàn tỉnh như: tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, các phiên chợ hàng Việt, tổ chức các kỳ hội chợ trong đó lấy hàng Việt làm trọng tâm, chiếm từ 70-80%. Qua đó đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ với hàng hóa phong phú, chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý và xuất xứ rõ ràng, giúp người tiêu dùng trong tỉnh ngày càng tin tưởng, ưa chuộng sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Bên cạnh đó, qua những lần tổ chức, người dân có cơ hội tiếp xúc với hàng sản xuất trong nước, được hướng dẫn đặc điểm cơ bản để phân biệt hàng thật, hàng nhái... Đồng thời, được tiêu dùng những sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống với giá cả phải chăng, chất lượng bảo đảm... Đồng thời, phiên chợ chính là cầu nối để người dân hiểu hơn về tầm quan trọng và ưu tiên sử dụng hàng Việt trong sinh hoạt.
Thời gian tới, Sở Công thương sẽ có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình. Đồng thời, hoàn thiện các cơ chế chính sách trong hỗ trợ phát triển hạ tầng, hệ thống phân phối, đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ cho vùng sản xuất nông sản, các doanh nghiệp chế biến, logistics, trong đó các cơ chế phải được xây dựng đồng bộ, phù hợp thực tiễn. Đặc biệt, một mảnh đất “màu mỡ” là thương mại điện tử được tập trung thúc đẩy phát triển để kích thích tiêu dùng của giới trẻ. Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh liên kết vùng, từ đó có định hướng, hoạch định các cơ chế chính sách, hoạch định phát triển vùng, tránh được tình trạng mất cân đối…
Ông Nguyễn Hữu Ái, thông tin thêm: Sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trong khâu sản xuất, phân phối hàng hóa, cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho thị trường nội địa, tránh biến động giá. Cùng với đó, tổ chức lại các điểm bán, điểm mua sắm cho người dân, đẩy mạnh tiếp cận vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa để người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm nhanh chóng và tiện lợi nhất. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm Việt Nam, sản phẩm OCOP có chất lượng cao đến người tiêu dùng, cung cấp những thông tin chính xác về thành phần, chức năng, công dụng,... của sản phẩm. Đối với sản phẩm của Hậu Giang, Sở Công thương sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở rộng kênh phân phối trong tỉnh cũng như ở các tỉnh thành trong cả nước. Đó là những việc cần làm trong thời gian tới để tiếp tục phát huy hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng.
Bài, ảnh: Y.LINH
- Nhiều kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới
- Lợi thế phát triển sản phẩm OCOP
- Bản tin Kinh tế - Thị trường ngày 19-9: Điểm tên những thị trường cung cấp đậu tương lớn cho Việt Nam
- Điểm tin sáng 21-9: Thông tin tình hình tái thiết, khắc phục hậu quả bão lũ ở các địa phương
- Trường Đại học Võ Trường Toản là đối tác quan trọng trong chiến lược phát triển GD&ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Hậu Giang
- Thẩm định dự án chuyển đổi nhiên liệu Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I sử dụng khí Lô B
- Phát hiện kịp thời nhóm thiếu niên lén leo rào vào trường để đánh học sinh vì mâu thuẫn cá nhân
- Nữ võ sĩ Hậu Giang đoạt huy chương vàng boxing toàn quốc
- BẢNG GIÁ QUẢNG CÁO BÁO HẬU GIANG
- “Bác Hồ trong trái tim các dân tộc Việt Nam”
- Chúc tăng, ni, phật tử đón Đại lễ Phật đản an lành
- Huyện Vị Thủy: Xây dựng 41 tuyến đường đẹp
- Điểm tin sáng 17 – 5: Bốn người Việt Nam vào top gương mặt trẻ nổi bật châu Á
- Gần 1.000 người cao tuổi được khám sức khoẻ, tầm soát bệnh phong - da liễu
- Trao quyết định quân hàm sĩ quan năm 2024
- Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và Hậu Giang tham quan vườn măng cụt trăm tuổi
- Giận quá mất khôn…
- Từ ngày 1-7: VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính