Kinh tế - xã hội khởi sắc

11/07/2024 | 07:54 GMT+7

Qua sáu tháng đầu năm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục mang lại nhiều tín hiệu khởi sắc khi các lĩnh vực đều có mức tăng trưởng tăng; qua đây tạo động lực để các ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện hoàn thành và vượt các chỉ tiêu theo kế hoạch của năm đề ra.

Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy và điều hành của UBND tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh qua 6 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả khởi sắc.

Với tinh thần tận dụng “thời kỳ vàng”, hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm; từ đầu năm đến nay, với sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, giám sát của HĐND tỉnh, điều hành của UBND tỉnh, các ngành, các cấp, doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

GRDP của 3 khu vực đều tăng

Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh, từ đầu năm đến nay, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực I (nông nghiệp) tăng 3,79% (kế hoạch 3%).

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho rằng: Để có được kết quả ấn tượng trên là nhờ cán bộ chuyên môn của ngành không ngừng khuyến cáo và được người dân ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất; đồng thời thực hiện phát triển, nhân rộng nhiều mô hình canh tác có hiệu quả kinh tế cao như mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ… Qua đây, tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở còn tăng cường thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo tinh thần chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên nên sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong 6 tháng đầu năm nay tiếp tục tăng về sản lượng, năng suất và giá tiêu thụ; đặc biệt là chưa ghi nhận thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.

GRDP khu vực nông nghiệp của tỉnh trong 6 tháng đầu năm tăng 3,79%.

Cụ thể, vụ lúa Đông xuân 2023-2024, đã xuống giống được gần 74.400ha, đạt 100,26% kế hoạch, nông dân thu hoạch đạt năng suất 7,76 tấn/ha, sản lượng đạt 577.358 tấn. Vụ lúa Hè thu 2024, xuống giống được 74.200ha, hiện thu hoạch được hơn 30.000ha, ước năng suất đạt gần 5,9 tấn/ha. Về rau màu đã xuống giống được 21.430ha, đã thu hoạch 16.775ha, trong đó hầu hết rau màu đều tăng năng suất do người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang loại có năng suất cao. Trong chăn nuôi, đóng góp giá trị nhiều là gia cầm khi tổng đàn đạt gần 4,5 triệu con, bằng 103,6% so với cùng kỳ và đạt 99,94% kế hoạch…

Cùng với nông nghiệp, khu vực công nghiệp - xây dựng của tỉnh qua 6 tháng đầu năm nay tăng 14,31%. Trong đó, nổi bật là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Định hướng phát triển công nghiệp chế biến nông - thủy sản có lợi thế cạnh tranh và sử dụng nguyên liệu tại chỗ như: xay xát, chế biến thủy sản đông lạnh, sản xuất trái cây đóng hộp, chế biến trà mãng cầu, chế biến cá thát lát tăng khả năng giá trị xuất khẩu, giải quyết nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Sở Công thương tỉnh, thông tin: Trên địa bàn tỉnh có 6 trung tâm logistics, tổng diện tích 125ha, tổng vốn 6.760 tỉ đồng. Trong đó, hiện đã đưa vào hoạt động được 3 trung tâm logistics, với quy mô diện tích 112ha, tổng kinh phí đầu tư khoảng 5.830 tỉ đồng. Việc 3 trung tâm logistics đi vào hoạt động đã góp phần vực dậy mạnh mẽ cho việc vận chuyển, xuất khẩu hàng hóa nông sản của người dân, doanh nghiệp trong tỉnh.

Về xây dựng, công tác triển khai thi công các dự án quan trọng của tỉnh được chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc thường xuyên và kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn nên bảo đảm kế hoạch thực hiện. Trong đó, khối lượng thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công đạt trên 50% và cao hơn 15% so với cùng kỳ. Nổi bật, một số công trình trọng điểm như: Khu tái định cư thành phố Ngã Bảy, Khu tái định cư Tân Phú Thạnh, Khu tái định cư Bảy Ngàn, Khu tái định cư thành phố Vị Thanh (giai đoạn 1),… hiện cơ bản hoàn thành cơ sở hạ tầng thiết yếu, đủ điều kiện bố trí tái định cư cho người dân để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hoàn chỉnh Đồ án thành lập thị trấn Tân Long, huyện Phụng Hiệp và thị trấn Đông Phú, huyện Châu Thành.

Đồng hành cùng 2 lĩnh vực trên là khu vực thương mại - dịch vụ qua 6 tháng đầu năm cũng tăng 6,46%. Để có được kết quả này, các địa phương trong tỉnh triển khai tốt hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của người dân; trong đó đã cài đặt được 1.200 ví điện tử, lũy kế đến nay 177.555 ví; đồng thời hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc cho 19 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Sở Công thương tỉnh, thông tin thêm: Qua rà soát 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành trên địa bàn tỉnh được gần 30.000 tỉ đồng, đạt 51,3% kế hoạch, tăng 7,95% so cùng kỳ. Ngoài ra, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, ủy thác và các dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng thực hiện được 560 triệu USD, đạt 44,12% kế hoạch.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, phấn khởi cho biết: Nhờ cả 3 khu vực trên đều đạt mức tăng trưởng tăng, cùng với sự đóng góp tích cực của nhiều lĩnh vực khác nên tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh qua 6 tháng đầu năm nay đạt 8,04%, đứng thứ 15 cả nước và đứng thứ 2 vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội được đảm bảo. Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng chính quyền điện tử có nhiều kết quả tích cực; quốc phòng tiếp tục được giữ vững; an ninh chính trị và trật tự xã hội được bảo đảm.

Triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm

Phát huy những kết quả đạt được, trong những tháng còn lại của năm nay, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chính trị, nỗ lực khắc phục những mặt còn tồn tại, khó khăn; từ đó quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm đã đề ra; đồng thời có giải pháp về đích sớm các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025.

Chia sẻ một số nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm của đơn vị, ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho hay: Toàn ngành sẽ tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cũng như các chương trình, đề án cho lĩnh vực nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Bên cạnh đó là đổi mới tổ chức sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật và thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị. Ngoài ra, chỉ đạo kiểm soát tốt dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tăng cường kiểm tra, chủ động ứng phó các sự cố trong mùa mưa lũ, bảo đảm an toàn, phòng chống thiên tai.

Cùng với ngành nông nghiệp, bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, cho hay: Tới đây, đơn vị sẽ chỉ đạo các trường đẩy mạnh việc vận động học sinh ra lớp để chuẩn bị cho năm học mới; đồng thời vận động nguồn xã hội hóa hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường, không để học sinh vì khó khăn mà bỏ học; phấn đấu đạt 100% chỉ tiêu huy động học sinh năm 2024 và đảm bảo các điều kiện cho năm học 2024-2025.

Ngoài 2 lĩnh vực trên, ngành công thương tỉnh cũng tập trung thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh, cũng như cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, thực hiện công khai, minh bạch, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục liên quan đến dự án của các nhà đầu tư; đồng thời nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, tiếp tục nâng cao chất lượng chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh; chủ động xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các dự án có tính kết nối liên kết vùng.

Song song đó, các ngành chức năng có liên quan của tỉnh và địa phương tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ kịp thời vướng mắc trong thi công 2 tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh, cũng như triển khai thực hiện các khu tái định cư đã được HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư để đảm bảo công tác giải ngân vốn đầu tư công đạt theo tiến độ và thời gian chỉ đạo của Tỉnh ủy.

Ngoài các nhiệm vụ trọng tâm trên, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành và địa phương của tỉnh cần thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, nhất là chỉ đạo tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ huyện Vị Thủy đạt kết quả cao. Bên cạnh đó là đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; kiềm chế tội phạm và tai nạn giao thông; cũng như phòng, chống tham nhũng, lãng phí…

Năm 2024, HĐND tỉnh thông qua 18 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đến nay, có 5 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (tốc độ tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế, y tế, tỷ lệ rác thải sinh hoạt ở đô thị và nông thôn được thu gom và xử lý, quốc phòng); có 8 chỉ tiêu đạt từ 50% kế hoạch (GRDP bình quân đầu người, tài chính, số doanh nghiệp có hoạt động và kê khai thuế, dân số, tỷ lệ đô thị hóa, lao động việc làm, tỷ lệ sử dụng nước sạch, nông thôn mới); có 3 chỉ tiêu xét vào cuối năm (giảm tỷ lệ hộ nghèo, giáo dục, an ninh); có 2 chỉ tiêu đạt dưới 50% kế hoạch (tổng vốn đầu tư toàn xã hội, kim ngạch xuất nhập khẩu).

 

HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>