Mở rộng đầu ra cho nông sản

21/11/2023 | 18:43 GMT+7

Để nông sản rộng đường tiêu thụ, nông dân và doanh nghiệp trong tỉnh đã tìm tòi chế biến sâu, từ đó tạo chỗ đứng trên thị trường, giúp nông sản thoát khỏi tình trạng được mùa, mất giá.

HTX Kỳ Như có 10 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và 1 sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng ĐBSCL. Trong đó, cá thát lát có 10 sản phẩm.

Mạnh dạn đổi mới

Với người dân Hậu Giang, cá thát lát và các sản phẩm từ loài thủy sản này không còn xa lạ, nhưng với một số người ngoài tỉnh, không phải ai cũng có dịp thưởng thức. Nắm bắt nhu cầu này, HTX Kỳ Như, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp đã mạnh dạn liên kết với các đại lý, hệ thống các siêu thị, cửa hàng đặc sản để vươn xa sản phẩm. Gần đây nhất, đơn vị đã khai trương văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như, chia sẻ: “Ngoài sản phẩm OCOP Hậu Giang, chúng tôi còn tập hợp sản phẩm của các doanh nghiệp, các chủ thể OCOP của những tỉnh, thành khác để cùng nhau quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng. Sắp tới, nếu các doanh nghiệp có sản phẩm muốn trưng bày thì HTX Kỳ Như sẵn sàng hỗ trợ”.

Cũng theo bà Thùy, bên cạnh chữ tín thì việc không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất đảm bảo theo quy trình khép kín là yếu tố cốt lõi để khẳng định vị thế trong lòng người tiêu dùng. Không chỉ phát triển trong nước, sản phẩm cá thát lát Hậu Giang của đơn vị còn được ký kết với đối tác nước ngoài.

Mạnh dạn đổi mới, không theo lối mòn cũng là câu chuyện của chị Cao Thị Cẩm Nhung, Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ thực phẩm sáng tạo. Chị Nhung là người khởi nghiệp thành công với thịt thực vật làm từ mít non. Đây là hướng đi “2 trong 1”, vì vừa giúp phát triển kinh tế vừa giúp tăng thu nhập cho nông dân, tận dụng phế phẩm là mít non bỏ đi. 

“Khi thu mua, thương lái chỉ mua những trái mít đạt chuẩn. Người nông dân bỏ đi khoảng 25% giá trị không thu được mỗi vụ mùa. Với phương pháp chế biến sâu, chúng tôi chế biến từ trái mít non đến mít chín”, chị Cao Thị Cẩm Nhung cho hay.

Liên kết là nền tảng

Từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, nông nghiệp xanh, đang là hướng đi của nhiều địa phương. Tại ĐBSCL, điều này càng được quan tâm, ngành nông nghiệp các địa phương trong vùng xác định tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học, áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến và công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch hiện đại. Qua đó, củng cố và xây dựng thêm nhiều chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn với các sản phẩm nông sản, thủy sản có giá trị gia tăng cao, đáp ứng được các yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng của thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Phạm Thi Vân, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - Satra, cho biết hiện nay đơn vị đang đẩy mạnh chiến lược kênh bán lẻ, thực hiện việc mở rộng thêm hệ thống phân phối và hệ thống bán lẻ tại khu vực ĐBSCL, đặc biệt là tại thành phố Cần Thơ.

“Chúng tôi sẽ liên kết các trung tâm phân phối để đưa hàng hóa từ các tỉnh ĐBSCL về Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi cam kết đồng hành với các tỉnh ĐBSCL về hàng nông sản, thủy hải sản, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân có thể kết nối thương mại một cách thiết thực, hiệu quả để người tiêu dùng hưởng lợi từ nguồn sản phẩm từ miền Tây”, bà Phạm Thi Vân kỳ vọng.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, cho biết: Về sản phẩm OCOP, sau gần 20 năm, tỉnh đã có những điểm nhấn. Hiện tại, tỉnh có 175 sản phẩm OCOP được công nhận (60 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 107 đạt chuẩn 3 sao). Tuy nhiên, ông Long cho rằng, khâu yếu nhất trong tổ chức sản xuất OCOP hiện nay của tỉnh chính là nhãn mác, bao bì, làm sao ngày càng đẹp, chất lượng và sản xuất nhiều hơn.

Để khắc phục tình trạng này, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung vào tăng cường công tác tuyên truyền về nhãn mác, bao bì cho sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, tập trung hình thành những trung tâm kinh doanh sản phẩm OCOP. Hướng tới, mỗi huyện hình thành một trung tâm bán hàng sản phẩm OCOP. Các chủ thể OCOP dựa trên nền tảng này sẽ phân phối bán hàng, giải quyết được đầu ra, nút thắt lớn nhất trong sản phẩm OCOP hiện nay.

“Nếu có nhiều doanh nghiệp, công ty cũng như nhiều HTX tham gia vào mảng chế biến sâu, càng sâu chừng nào thì tốt chừng nấy, thì chúng ta sẽ giải quyết được bài toán dội chợ, trúng mùa, mất giá. Trong thời gian tới, chúng ta sẽ tăng cường hơn nữa và phối hợp với các ngành trong đó có Công thương, Văn phòng điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh hỗ trợ những máy móc thiết bị để sơ chế, đóng gói và tuyên truyền, quảng bá để nhiều khách hàng biết đến sản phẩm OCOP Hậu Giang”, ông Ngô Minh Long nhấn mạnh.

Hiện, cả nước có hơn 1.700 chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn được kiểm soát với sự tham gia của một số tập đoàn lớn. Bên cạnh việc xây dựng và phát triển mô hình, chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên phạm vi toàn quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chủ động trong xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm. Các trường hợp lô hàng thủy sản bị cảnh báo tại các thị trường nhập khẩu và đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản nước ta.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích