Nỗi lo giá hàng hóa leo thang khi lương tăng

25/06/2024 | 18:21 GMT+7

Việc lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng từ ngày 1-7 tới đây khiến nhiều người phấn khởi, nhưng cũng kéo theo nỗi lo giá cả hàng hóa có nguy cơ sẽ leo thang. 

Người dân hy vọng giá cả hàng hóa sẽ không té nước theo mưa khi lương tăng.

Vừa mừng, vừa lo

Cả hai vợ chồng đều làm việc trong cơ quan nhà nước gần chục năm nay, với mức lương viên chức, anh Nguyễn Văn Toàn và vợ ở thành phố Ngã Bảy phải tính toán thật kỹ các khoản chi tiêu để vừa đảm bảo chi phí sinh hoạt vừa dành một phần để gửi biếu cho cha mẹ hai bên.

Khi hay tin từ ngày 1-7 tới đây, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức, anh Toàn mừng trong bụng vì 2 vợ chồng đều được hưởng chính sách này. Anh Toàn chia sẻ: “Thu nhập của vợ chồng tôi đều từ lương nên khi được tăng lương, chúng tôi vui lắm. Gia đình trẻ lại có con nhỏ nên mức tăng này là rất quý. Hy vọng sẽ sống được bằng lương để tập trung thời gian, tâm trí với nghề. Những năm trước, mỗi đợt tăng lương thì giá cả hàng hóa tăng theo nên cũng hơi lo”.

Còn với lao động tự do như bà Trương Thị Xưa, ở thành phố Vị Thanh, không có lương nên thu nhập chính của bà nhờ vào mớ rau bán mỗi sáng ở chợ Vị Thanh. Ngày nào bán ít bà kiếm được 150.000-200.000 đồng. Ngày nào rau nhiều thì thu nhập khá hơn từ 200.000-300.000 đồng. Tình hình kinh tế khó khăn, gia đình bà vô cùng lo lắng vì lo ngại các khoản chi phí sinh hoạt sẽ bị đội lên khi lương tăng nên bà phải “liệu cơm gắp mắm”.

“Bây giờ, cái gì cũng mắc hết. Một ngày gia đình xài thấp gì cũng cỡ 150.000 đồng. Hồi qua tết tới giờ cái gì cũng tăng giá hết. Mình ở trong vườn, còn kiếm hái rau bắt cá được. Còn mấy người không có vườn, rẫy, ở ngoài chợ thì bắt buộc phải mua hàng ngày”, bà Xưa bộc bạch. 

Là tiểu thương kinh doanh thịt heo tại chợ Vị Thanh, phường III, thành phố Vị Thanh, bà Nguyễn Thị Kim Thu cho biết, nghe mấy khách quen khoe sắp được tăng lương, bà cũng mừng cho họ. Nhưng với mặt bằng giá cả hiện tại, nhiều người đã bắt đầu xài tiền “kỹ hơn”. Khách đến mua thịt heo tại sạp của bà cũng ít hơn. Nếu trước kia, người ta mua nhiều thì nay, chỉ mua đủ ăn trong nhà. Bà Thu cũng chỉ lấy lượng hàng vừa đủ buổi chợ chứ không bán nhiều như trước.

“Giá thịt ổn định nhưng bán chậm hơn hồi xưa. Người dân mua ít, đủ ăn rồi thôi. Thứ bảy với chủ nhật thì người ta mua hơi nhiều một chút cho ngày thứ hai người ta đi làm. Mấy người làm việc thì mua nhiều hơn, còn người dân thì ít. Thời điểm bây giờ làm không ra tiền nên ăn hạn chế lắm, mua đủ ăn hà”, bà Thu bày tỏ.

Cần giải pháp bình ổn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã ký ban hành công điện về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kịp thời các ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá; trong phạm vi, lĩnh vực quản lý đẩy mạnh tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Các bên liên quan theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình thế giới, khu vực, chủ động phân tích, dự báo, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước, kịp thời thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó kịp thời, phù hợp, linh hoạt, hiệu quả.

Đơn vị chức năng đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột, căng thẳng địa chính trị. Đồng thời cần tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá theo quy định pháp luật. Các Bộ, ngành, địa phương thường xuyên theo dõi sát thông tin, nắm bắt diễn biến giá cả một số mặt hàng có tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng và tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định.

Có thể thấy, việc tăng lương là rất cần thiết, tăng thu nhập cho cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động, tạo động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động. Việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương cũng cần thiết nhằm kích cầu, tăng tiêu dùng trong nước trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Hy vọng rằng, với những giải pháp hợp lý từ ngành chức năng, việc tăng lương lần này sẽ phát huy được ý nghĩa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>