Thực hiện nghiêm việc kiểm soát thủy sản để xuất khẩu sang châu Âu

22/07/2024 | 06:10 GMT+7

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, việc kiểm soát chất lượng thủy sản xuất khẩu sang thị trường quốc tế, đặc biệt là châu Âu ngày càng trở nên quan trọng. Với tiềm năng lớn về thủy sản, tỉnh Hậu Giang đang nỗ lực thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp kiểm soát chất lượng thủy sản nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của đơn vị nhập khẩu, cũng như nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn cho các sản phẩm thủy sản xuất khẩu.

Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh thực hiện nghiêm việc kiểm soát ngành thủy sản để xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh thực hiện nghiêm việc kiểm soát ngành thủy sản để xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Khai thác và phát triển tiềm năng của ngành nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ luôn nhận được sự quan tâm từ các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh, đặc biệt khi các mặt hàng như cá tra, cá thát lát, lươn, ếch,… nhận được sự ưa chuộng của nhiều thị trường trên thế giới. Các sản phẩm này đang được tỉnh Hậu Giang chọn phát triển theo hướng sạch, tập trung, đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế địa phương.

Ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc chi nhánh Công ty thực phẩm Trần Thái, ở khu vực 3, phường VII, thành phố Vị Thanh, cho biết: Thực hiện tốt công tác kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm là yếu tố then chốt để thủy sản trên địa bàn tỉnh chinh phục thị trường châu Âu. Hiện công ty chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng thủy sản nước ngọt như cá lóc, cá trê, cá rô, lươn, ếch, ốc bươu… Do còn gặp nhiều khó khăn và các nguyên nhân khách quan, sản lượng xuất khẩu năm trước chỉ khoảng vài container/năm, chủ yếu xuất khẩu đến thị trường Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á… Năm nay, để có thể xuất khẩu sang thị trường châu Âu, công ty đã thực hiện nhiều biện pháp như xây dựng phòng kiểm tra chất lượng để kiểm soát kỹ các sản phẩm; còn các công đoạn đến lúc vận chuyển xuất khẩu được tuân thủ nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn và phù hợp tiêu chuẩn đã được quy định.

Theo đó, việc kiểm soát an toàn thực phẩm cùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu được Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh lấy mẫu giám sát định kỳ, nhằm phát hiện sớm nếu các sản phẩm có sử dụng chất cấm để kịp thời ngăn chặn ngay từ đầu, đảm bảo các sản phẩm được đưa ra thị trường đạt chất lượng, đặt yếu tố sức khỏe của người tiêu dùng lên hàng đầu và phù hợp các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, vẫn còn tỷ lệ rất nhỏ các sản phẩm nhiễm chất cấm khoảng 3%, do người dân sử dụng trong quá trình nuôi vì thiếu những kiến thức chăn nuôi, hoặc chưa được cập nhật các tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, vẫn còn một số người cố ý sử dụng chất cấm nhằm tăng lợi nhuận, nhưng đều được các cơ quan kiểm tra và ngăn chặn tránh làm mất uy tín và ảnh hưởng tới sức khỏe của người sử dụng. “Với các quy định cụ thể, chuẩn mực và để xuất khẩu đi các nước, đặc biệt là châu Âu thì việc chăn nuôi của người dân áp dụng đúng các tiêu chuẩn là yếu tố bắt buộc. Riêng vấn đề này, tôi đề xuất ngành nông nghiệp tỉnh có những chương trình tập huấn, hướng dẫn người dân chăn nuôi không sử dụng hóa chất kháng sinh, để đảm bảo chất lượng và xuất khẩu dễ dàng, tăng thu nhập cho bà con chăn nuôi trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc chi nhánh Công ty thực phẩm Trần Thái, chia sẻ thêm.

Để giải quyết những khó khăn của ngành thủy sản tỉnh, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh đã tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho người nuôi các kiến thức về chăn nuôi, tác hại của chất cấm, những quy định và tiêu chuẩn của sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Bên cạnh đó, phối hợp với Thanh tra Sở NN&PTNT, Cục Quản lý thị trường… tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm theo quy định đã quy định.

Lươn xuất khẩu sang thị trường EU.

Đặc biệt, với Quyết định số 5523/QĐ-BNN-CCPT ngày 21 tháng 12 năm 2023 của Bộ NN&PTNT về việc ban hành “Chương trình kiểm soát an toan thực phẩm thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU)”, Hậu Giang tin rằng đây là cơ hội và cũng là thách thức của ngành nông nghiệp tỉnh nói chung và ngành thủy sản nói riêng. Theo đó, quyết định đã ban hành các quy định về việc kiểm soát công đoạn nuôi, thu hoạch; kiểm soát đối với nhuyễn thể 2 mảnh vỏ; kiểm soát công đoạn khai thác, bảo quản, bốc dỡ thủy sản khai thác; kiểm soát công đoạn thu mua, sơ chế thủy sản, chợ đầu mối; kiểm soát công đoạn bảo quản, vận chuyển thủy sản đến cơ sở chế biến và tại công đoạn chế biến; kiểm soát kho lạnh; kiểm soát nguyên liệu, sản phẩm thủy sản xuất vào EU…

Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh, cho biết: Tại Hậu Giang, để thực hiện chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm xuất khẩu vào EU, chi cục đã có kế hoạch tập huấn, tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm giúp các chủ thể này nắm được và áp dụng được vào thực tế, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của EU.

MAI THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>