Xuất khẩu gạo được mùa, được giá

Thứ Năm, ngày 12/09/2024 | 18:23

Xuất khẩu gạo của nước ta trong 8 tháng đầu năm 2024 khá thuận lợi khi đạt trên 6,16 triệu tấn, thu về gần 3,85 tỉ USD, tăng 5,9% về lượng và tăng 21,7% về giá trị. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo với chiều hướng này xuất khẩu gạo cả năm 2024 sẽ đạt khoảng 8 triệu tấn, mang về hơn 5 tỉ USD…

Nông dân làm lúa vụ này được mùa, được giá. Ảnh: H.THU

Giá lúa cao, nông dân lãi lớn

Nhiều cánh đồng lúa Thu đông (lúa vụ 3) ở các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ đang bắt đầu chín, trong khi giá lúa dao động ở mức cao nên nông dân rất vui và tích cực chăm sóc. Ông Lâm Văn Tèo, canh tác 3ha lúa Thu đông, ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai, phấn khởi: “Mặc dù chưa tới vụ thu hoạch, nhưng mấy ngày nay thương lái các nơi kéo về đây tìm mua lúa hàng hóa khá nhiều, bình quân từ 7.300-8.000 đồng/kg (tùy loại giống), đây là mức giá khá cao so với những vụ Thu đông trước; cộng với năng suất từ 700-800 kg/công, trừ chi phí nông dân còn lợi nhuận từ 2,5-3,5 triệu đồng/công trở lên”.

Chỉ chúng tôi gần 5ha lúa Thu đông đang chín dần, ông Trần Văn Khoa, cùng ngụ xã Đông Bình, huyện Thới Lai, cho hay, ông đã bán cho thương lái mấy tuần nay với giá 7.500 đồng/kg. Với 5ha lúa Thu đông này, sau khi trừ chi phí sẽ “bỏ túi” hơn 150 triệu đồng, mức lợi nhuận hấp dẫn so với các năm trước. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, sau 2 vụ Đông xuân và Hè thu khá thành công thì nông dân đang chuẩn bị thu hoạch vụ Thu đông, đây là vụ lúa thứ 3 trong năm 2024. Với chiều hướng thuận lợi hiện nay, ngành nông nghiệp kỳ vọng hơn 68.000ha lúa Thu đông sẽ bội thu.

Ông Nguyễn Văn Lê, ở xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: “Gia đình tôi canh tác lúa Thu đông hàng chục năm qua, tuy nhiên đây là năm đầu tiên lúa được giá cao và ít bị sâu bệnh gây hại. Hiện khu vực này đa phần diện tích lúa mới hơn 2 tháng tuổi, nhưng thương lái đã đặt cọc mua trước với giá 7.600 đồng/kg, đảm bảo cho nông dân lãi khá nên nhiều hộ đã quyết định bán sớm”.

Vụ lúa Hè thu 2024 nông dân ở Hậu Giang xuống giống được 74.185ha, hiện tại diện tích lúa Hè thu muộn còn lại chủ yếu ở huyện Long Mỹ, với khoảng 2.000ha. Những ngày qua, thời tiết có nắng trở lại nên nông dân đẩy mạnh thu hoạch. Gia đình chị Cao Thị Thu Hương, ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, cũng vừa thu hoạch xong hơn 3ha lúa Hè thu, năng suất đạt hơn 8 tấn/ha (công 1.300m2), giống OM18, được thương lái mua lúa tươi tại ruộng với giá 8.600 đồng/kg, gia đình thu về lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/ha. Chị Hương cho biết, do ảnh hưởng mưa bão nên lúa bị sập nhiều, bị chuột cắn phá, nhưng bù lại lúa bán được giá nên nông dân có lợi nhuận khá.

Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã yêu cầu ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo sản xuất và thu hoạch dứt điểm lúa vụ Hè thu còn lại, thực hiện sản xuất vụ lúa Thu đông theo kế hoạch; tăng cường hướng dẫn nông dân phòng ngừa các loại sâu bệnh để phòng trị kịp thời, hiệu quả. Tính đến nay, vụ lúa Thu đông 2024 ở Hậu Giang, xuống giống được 25.682ha, đạt 104,8% kế hoạch, lúa đang ở giai đoạn mạ - đẻ nhánh đến trổ. Ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật các địa phương thường xuyên thăm đồng để sớm phát hiện các loại dịch bệnh nhằm khuyến cáo nông dân phòng trừ hiệu quả. Bên cạnh đó kiểm tra, gia cố các bờ bao để đảm bảo sản xuất lúa Thu đông đạt hiệu quả.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá lúa gạo trong nước duy trì ở mức cao và có chiều hướng tăng là do các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua nhằm đảm bảo nguồn gạo để giao hàng cho những đối tác xuất khẩu. Ngoài ra, một số quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu như Ấn Độ và Thái Lan gặp tình trạng thiên tai khiến sản lượng gạo bị ảnh hưởng; từ đó nhiều nước nhập khẩu gạo tăng cường tìm nguồn cung từ phía Việt Nam. Trong khi đó, thời điểm này ở đồng bằng sông Cửu Long đã gần hết vụ thu hoạch lúa Hè thu, còn lúa Thu đông thì mới chín, có nơi mới trổ bông, do đó lượng lúa gạo hàng hóa không còn nhiều và giá tăng cao là chuyện hiển nhiên.

Thương lái thu mua lúa tươi tại ruộng giống OM18 với giá 8.600 đồng/kg. Ảnh: H.THU

Hướng đến mục tiêu bền vững

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, diễn biến tình hình gạo thế giới cho thấy có lợi cho các quốc gia xuất khẩu, trong đó Việt Nam đang tận dụng tối đa cơ hội để tiếp tục gia tăng xuất khẩu vào những tháng cuối năm nay. Theo đó, năm 2024, cả nước sản xuất khoảng 43,4 triệu tấn lúa, sau khi cân đối các nhu cầu trong nước và đảm bảo an ninh lương thực… thì sẽ dành khoảng 8 triệu tấn gạo phục vụ xuất khẩu. Ngoài số lượng thì điều đáng ghi nhận là chất lượng gạo của Việt Nam không ngừng cải thiện, bởi việc nghiên cứu thành công các loại giống lúa thơm ngắn ngày có thể canh tác từ 2-3 vụ mỗi năm, vừa đạt năng suất cao mà hạt gạo thơm ngon, đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng trên thế giới. 

 Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, thành phố Cần Thơ, cho hay: “Nhiều năm qua ông đã chủ động liên kết với các hợp tác xã nông nghiệp ở Kiên Giang, An Giang… để xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Tất cả quy trình canh tác được áp dụng công nghệ hiện đại nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất và chất lượng; nhờ đó gạo của công ty luôn bán được giá cao, mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp và cả nông dân sản xuất…”. Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thì VFA luôn khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần đẩy mạnh liên kết các hợp tác xã nhằm xây dựng vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao càng nhiều càng tốt; từ đó phục vụ tốt nhất việc xuất khẩu vào nhiều thị trường, đặc biệt là những thị trường khó tính, có giá cao.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định: Ngành lúa gạo đang hướng đến mục tiêu chất lượng, tăng giá trị, tăng thu nhập cho nông dân. Mới đây, qua sơ kết 7 mô hình thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cho thấy năng suất lúa vụ Hè thu 2024 đạt 6,452 tấn/ha, cao hơn việc sản xuất bên ngoài mô hình là 0,463 tấn/ha; lợi nhuận mà nông dân tham gia mô hình cũng cao hơn từ 4-7,6 triệu đồng/ha so sản xuất bên ngoài. Đây chính là hướng đi bền vững cho ngành lúa gạo, bởi bên cạnh lợi nhuận thì sản xuất chất lượng sẽ tạo ra hạt gạo ngon đảm bảo sức khỏe cho con người; đồng thời còn thân thiện với môi trường tự nhiên…

Tuy nhiên, cái khó trong chuỗi lúa gạo hiện nay là các doanh nghiệp xuất khẩu bị vướng khi ngành thuế yêu cầu lập bảng kê khai mua lúa trực tiếp từ nông dân theo mẫu số 01/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư 78/2014 của Bộ Tài chính thì mới được khấu trừ chi phí. Trên thực tế thì lâu nay các doanh nghiệp chỉ thu mua lúa thông qua thương lái cung cấp bởi không thể nào mua trực tiếp từ từng hộ nông dân được. Phía thương lái khi mua lúa của nông dân có làm bảng kê nhưng chưa được cơ quan thuế đồng ý. Phía cơ quan thuế cho rằng, các thương lái vẫn có thể đăng ký kinh doanh và được cấp hóa đơn, sau đó làm bảng kê 01 khi mua lúa trực tiếp từ nông dân. Song, việc này xem ra khá “phiền” nên không ít thương lái thờ ơ. Để đơn giản hơn trong việc này, có ý kiến đề xuất áp dụng quy định thu thuế trên từng ký lúa mà thương lái bán cho doanh nghiệp; nguồn thu này sẽ do doanh nghiệp nộp thay cho thương lái trong bảng kê 01, bởi doanh nghiệp có các bộ phận chuyên môn làm việc này; như vậy ngành thuế vẫn quản lý được nguồn thu, trong khi việc vận hành chuỗi lúa gạo vẫn duy trì bình thường, ít bị xáo trộn…

Tiến sĩ Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), nhìn nhận, ở miền Tây là vùng sông nước chằng chịt, nhiều kênh rạch… và chỉ có thương lái mới là người am hiểu “thông tin” rõ nhất về sản xuất, chăm sóc, thu hoạch lúa của bà con nông dân. Khu vực nào xuống giống gì, ngày nào thu hoạch, năng suất lúa, chất lượng lúa ra sao… giới thương lái đều thuộc lòng hết; từ đó họ triển khai thu mua lúa tận nông dân, tận đồng ruộng một cách dễ dàng. Thương lái cũng là người có phương tiện vận chuyển (ghe), có máy cắt lúa, có năng lực tài chính để ứng tiền trước cho nông dân vài tháng; đặc biệt là sau khi thu hoạch lúa giao cho thương lái thì nông dân được nhận tiền ngay nên ai cũng thích. Những việc này các doanh nghiệp không thể làm được, do đó doanh nghiệp chỉ thu mua lúa thông qua thương lái - vừa nhanh gọn, đảm bảo số lượng lớn và ít tốn kém chi phí.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng tiết lộ, tỉnh có gần 148.000ha đất trồng lúa với sản lượng mỗi năm hơn 2,1 triệu tấn. Qua thống kê cho thấy, diện tích lúa có hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp chỉ khoảng 17%; số còn lại chủ yếu là nông dân bán lúa cho thương lái.

Sự đóng góp của thương lái trong chuỗi lúa gạo là rất đáng được xã hội nhìn nhận và trân trọng. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, tới đây ngành chức năng cần xem xét cấp “giấy chứng nhận hành nghề” cho thương lái; xem thương lái là đối tác đồng hành với nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Khuyến khích tập hợp thương lái vào các nhóm, các câu lạc bộ trên cơ sở tự nguyện, để cùng trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trong bảo quản, vận chuyển, chế biến lúa gạo bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm…

H.TÂN - H.THU

Viết bình luận mới

Xem thêm

Bản tin Kinh tế - Thị trường ngày 22-11: Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt hơn 681 tỷ USD

15:08 22/11/2024

Cùng những tin tức đáng chú ý khác, mời Quý độc giả theo dõi: Giá vàng chưa dứt đà tăng; Vietnam Airlines tăng thêm hơn 650.000 chỗ Tết Ất Tỵ 2025; Thị trường đường tiếp tục đối mặt với áp lực giảm giá.

Tập huấn quy trình trồng măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP

09:06 22/11/2024

(HG) - Sáng ngày 21-11, Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ và các đơn vị liên quan tổ chức lớp tập huấn quy trình trồng măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP

Hậu Giang có 203ha nông sản được cấp xác nhận an toàn thực phẩm

09:01 22/11/2024

(HG) - Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh, sau thời gian thực hiện xây dựng các chuỗi giá trị có kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, hiện toàn tỉnh đã có 22 chuỗi với tổng diện tích 203ha được cấp xác nhận sản phẩm an toàn thực phẩm.

Tập huấn quy trình giao dịch ứng dụng quản lý tín dụng chính sách

08:57 22/11/2024

(HG) - Theo Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố Ngã Bảy, mới đây phòng giao dịch đã phối hợp với Hội Nông dân thành phố mở lớp tập huấn cho hội viên Hội Nông dân về quy trình giao dịch

Nỗ lực xây dựng nông thôn mới

07:27 22/11/2024

Phong trào xây dựng nông thôn mới được các địa phương cả nước đẩy mạnh thực hiện và đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Bài 1: Vẫn còn vướng về vật liệu

07:08 22/11/2024

Sớm gỡ khó để hạ tầng giao thông ĐBSCL phát triển đồng bộ sẽ giúp toàn vùng thoát khỏi “vùng trũng” cao tốc, từ đó giảm chi phí vận chuyển, giao thương thuận lợi, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.

Bản tin Kinh tế - Thị trường ngày 21-11: Xuất nhập khẩu 11 tháng bằng cả năm 2023

16:24 21/11/2024

Cùng những tin tức đáng chú ý khác, mời Quý độc giả theo dõi: Vàng miếng, vàng nhẫn tăng cả triệu đồng mỗi lượng; Người Việt chi 3,15 tỷ USD nhập khẩu ô tô nguyên chiếc; Giá xăng, dầu tiếp tục giảm.

Trái cây tạo hình vào vụ tết

08:59 21/11/2024

Đến hẹn lại lên, thời điểm này, các nhà vườn chuyên làm trái cây tạo hình trên địa bàn tỉnh đang tất bật các khâu để chuẩn bị sản phẩm ưng ý nhất, kịp tung ra thị trường dịp cuối năm, đáp ứng nhu cầu chưng tết của khách hàng.

Gỡ “nút thắt” cho tín dụng nông nghiệp

08:44 21/11/2024

Dù đóng góp 95% sản lượng gạo xuất khẩu và chiếm 60% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước; đồng thời, xuất khẩu rau quả trong thời gian qua liên tục tăng trưởng mạnh khi nhiều loại trái cây tiếp tục được mở rộng xuất khẩu sang nhiều thị trường; tuy nhiên, vùng ĐBSCL lại gặp khó khăn về khả năng tiếp cận và hấp thu nguồn vốn tín dụng, trong khi nguồn vốn dành cho nơi đây không thiếu.

Thông qua quy hoạch chung đô thị Châu Thành và Châu Thành A đến năm 2025

19:18 20/11/2024

(HG) - Sáng ngày 20-11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa có buổi làm việc với các sở, ban, ngành và 2 đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng và Hạ tầng đô thị Hoàng An và Công ty Cổ phần Quy hoạch Xây dựng và Phát triển đô thị Việt Nam để thông qua quy hoạch chung đô thị Châu Thành và Châu Thành A đến năm 2025.

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Huyện Châu Thành vô địch giải bóng đá nam U19 tỉnh

21:01 22/11/2024

(HGO) - Tại sân vận động huyện Vị Thủy đã diễn ra trận chung kết Giải vô địch bóng đá nam U19 tỉnh Hậu Giang năm 2024.

Ấm áp bữa cơm trên công trường

20:28 22/11/2024

Chiều tối ngày 22-11, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; bà Mã Thị Tươi, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh,

Kiểm tra tình hình triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc trục ngang

18:51 22/11/2024

(HG) - Chiều ngày 22-11, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đã đi kiểm tra tình hình triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 (cao tốc trục ngang), đoạn qua địa bàn huyện Phụng Hiệp và huyện Châu Thành A.

Bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang

15:42 22/11/2024

(HG) - Sáng ngày 22-11, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức triển khai Quyết định về công tác cán bộ.