Đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng

26/06/2024 | 08:27 GMT+7

Trong nhiệm kỳ 2019-2024, Mặt trận các cấp có nhiều hoạt động thiết thực góp phần thực hiện sâu rộng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (cuộc vận động) trên địa bàn tỉnh.

Mặt trận xã Hòa An ra mắt mô hình “Tự hào hàng Việt, tôi bán hàng Việt”.

100% xã, thị trấn ra mắt thực hiện mô hình “Tự hào hàng Việt, tôi bán hàng Việt” là kết quả ấn tượng của huyện Phụng Hiệp trong thực hiện cuộc vận động, góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ có chất lượng do doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước làm ra.

Ở xã Hòa An, Mặt trận ra mắt thực hiện mô hình “Tự hào hàng Việt, tôi bán hàng Việt” tại ấp 1. Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa An, cho biết, mục đích thực hiện mô hình nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về việc thực hiện cuộc vận động. Bước đầu, có 20 hộ dân đăng ký, tới đây, sẽ tiếp tục vận động để có thêm nhiều người tham gia.

“Tôi tự nguyện tham gia mô hình với mong muốn góp phần quảng bá hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng. Tôi và người thân trong gia đình chọn bán những loại nông sản và các mặt hàng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Càng nhiều người dùng hàng Việt thì sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt tiêu thụ sản phẩm tốt hơn”, bà Nguyễn Tuyết Nhung, tiểu thương ở ấp 1, xã Hòa An, chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Vân, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phụng Hiệp, cho biết, trong nhiệm kỳ 2019-2024, ngoài xây dựng, nhân rộng mô hình “Tự hào hàng Việt, tôi bán hàng Việt” tại các xã, thị trấn, hệ thống Mặt trận trong huyện còn tích cực tuyên truyền về sử dụng hàng Việt được hơn 1.280 cuộc, có hơn 44.900 lượt cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham dự.

Hàng năm, phối hợp tổ chức ít nhất 2 chuyến hàng Việt về nông thôn; tổ chức xây dựng và nhân rộng mô hình “Khu dân cư tuyên truyền và sử dụng hàng Việt”, góp phần đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng.

Trong khi đó, Mặt trận các cấp trên địa bàn thành phố Ngã Bảy tích cực tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; phối hợp với tổ chức thành viên vận động các cơ sở kinh doanh, buôn bán đưa các chuyến hàng Việt về nông thôn để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Thành phố tiếp tục duy trì và nhân rộng một số mô hình có hiệu quả như: “Khu dân cư bán hàng nông sản do mình làm ra tại hộ gia đình”, “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt”, “Sản xuất 3 trong 1 tại cơ sở tàu hủ Kim Hoa”, “Khu dân cư ưu tiên sử dụng hàng Việt”…

Đáng chú ý, Mặt trận thành phố xây dựng đạt kết quả mô hình “Điểm sản xuất cung ứng hàng Việt, nguyên liệu Việt, gắn với trưng bày sản phẩm OCOP” tại cơ sở sản xuất bún Huỳnh Đức, ở khu vực 2, phường Lái Hiếu.

Cơ sở này sản xuất bún tươi (sản phẩm OCOP 3 sao), bún khô (sản phẩm OCOP 4 sao), bún khô khoai lang (sản phẩm OCOP 4 sao) với nguồn nguyên liệu từ bột gạo, bột mì. Sản phẩm do cơ sở làm ra được cung ứng cho tiểu thương trong và ngoài tỉnh. Tại đây, còn trưng bày các sản phẩm OCOP để phục vụ cho du khách đến tham quan, mua sắm…

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trong nhiệm kỳ 2019-2024, Mặt trận các cấp tích cực phối hợp tham mưu, tập trung triển khai Chương trình số 58 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 03 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động trong tình hình mới. Đặc biệt, công tác tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức, tác động tích cực đến người tiêu dùng, phần lớn người dân xem việc sử dụng hàng Việt là thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Mặt trận còn hướng dẫn xây dựng và tổ chức nhân rộng 87 điểm bán hàng Việt, với tên gọi “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt”. Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và Nhân dân trong ưu tiên phát triển sản xuất và đăng ký tiêu dùng hàng Việt Nam...

TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>