Ứng biến trước thiên tai

Chủ Nhật, ngày 29/01/2017 | 08:20

Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên trong mùa khô năm 2016 vừa qua, nhiều tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng xâm nhập mặn gay gắt nhất trong lịch sử gần 100 năm qua. Tại tỉnh Hậu Giang, nước mặn đã lấn sâu vào nội đồng, thậm chí lần đầu tiên, nước mặn áp sát nhiều vùng ngọt hóa thuộc huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy hay thị xã Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ. Đáng kể là nước mặn có nồng độ cao kỷ lục từ 10‰ đến hơn 19‰ đã tiến sâu vào địa bàn huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh. Qua đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân. Thế nhưng, thống kê của ngành chức năng cho thấy mức độ thiệt hại thấp hơn nhiều so với các tỉnh, thành khác trong vùng. Có được kết quả này là nhờ lãnh đạo các cấp ở Hậu Giang có sự linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, cũng như tổ chức thực hiện tốt các giải pháp đề ra.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (bìa trái) tham quan và đánh giá cao mô hình sáng kiến đập thời vụ của thành phố Vị Thanh.

Sự chủ động ứng phó cần thiết

Khi những giọt sương ban mai vẫn còn đọng lại trên bờ ruộng đang lấp lánh dưới tia nắng xuân, theo chân ông Hai Phênh (Nguyễn Văn Phênh), lão nông 60 tuổi ở ấp 8, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, ra thăm cánh đồng lúa chín vàng ở sau nhà, xa xa thấp thoáng một vài chiếc máy gặt đập liên hợp chuẩn bị thu hoạch lúa cho bà con. Hai tay đang nâng niu từng bông lúa trĩu hạt sắp đến ngày cắt, ông Hai Phênh khoe: “Nếu vào thời điểm này cùng kỳ năm trước, gần 5ha lúa của gia đình vừa bước qua giai đoạn làm đòng thì năm nay chuẩn bị vào mùa thu hoạch, bởi ruộng lúa được gieo sạ sớm hơn một tháng”.

Vừa dứt lời, bỗng nhiên từ xa vọng lại âm thanh thể hiện sự phấn khích, dù chưa nghe hết câu đã cảm thấy êm tai: “Nhìn lúa chín vàng đồng thấy mừng he bác Hai! Năm nay, bà con xứ mình chắc ăn tết vui lắm! Vì đã thu hoạch xong vụ lúa Đông xuân nên không còn lo cảnh nước mặn tấn công làm mất mùa như năm trước”. Nghe xong, ông Hai Phênh liền “ừ” lớn thật nhanh, rồi quay sang nói với tôi rằng: “Đó là thằng Đoàn ở cạnh nhà, có ruộng cặp ranh. Vụ lúa Đông xuân năm rồi, ruộng nó bị thiệt hại nặng do nước mặn tấn công đột ngột. Năm nay thấy lúa trúng mùa, đảm bảo ăn chắc nên mừng vậy đó”.

Nói hết câu, ông Hai Phênh liền chỉ tay về phía dòng kênh Mười Thước, nơi dẫn nguồn nước ngọt từ sông Nước Đục về phục vụ người dân xóm này rồi kể tiếp: “Vào ngày 29 tết năm rồi, tui và nhiều bà con nơi đây tranh thủ bơm nước dưới kênh này lên ngập ruộng nhằm đảm bảo cung cấp cho trà lúa chuẩn bị trổ, rồi sẵn tiện nghỉ ngơi mấy ngày chơi tết. Ai dè, nước mặn về lúc nào không hay làm cho nhiều diện tích lúa bị thiệt hại nặng, có hộ còn bị mất trắng luôn. Rất may là tui chỉ bị mất trắng hơn 4 công thôi”.

Rút kinh nghiệm, vụ lúa Đông xuân 2016-2017 này, cũng như thực hiện theo khuyến cáo của ngành chức năng nên bà con ở ấp 8, trong đó có hộ ông Hai Phênh đã đồng loạt xuống giống sớm, kết hợp với việc chính quyền địa phương chủ động đắp đập thời vụ nên nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất luôn đảm bảo. Nhưng có lẽ điều mừng và an tâm nhất đối với người dân nơi đây chính là được thu hoạch lúa trước khi nước mặn tràn về, vừa có tiền xài tết vừa không lo bảo vệ ruộng đồng nên ai nấy đều rộn ràng trước thềm năm mới.

“Mấy hộ thu hoạch trước có năng suất hơn 1 tấn/công. Ruộng của mình chắc cũng vậy. Chỉ cần bán được giá từ 4.500-4.600 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi công sẽ cầm chắc trong tay lợi nhuận hơn 2 triệu đồng. Năm nay, được như vầy chính là nhờ thay đổi lịch gieo sạ sớm. Hy vọng rằng trong vụ lúa Đông xuân tiếp theo, bà con toàn xã đều áp dụng cách làm hay này nhằm giảm bớt nỗi lo thiệt hại mùa màng do nước mặn tấn công bất ngờ”, anh Đoàn chia sẻ.

Nhằm đảm bảo đủ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô năm nay, ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ đã thực hiện nạo vét nhiều tuyến kênh nội đồng để trữ nước tại các địa phương.

Sau khi được chúng tôi thông tin về những câu chuyện phấn khởi của bà con Vĩnh Viễn A, ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, cho hay: Ngoài Vĩnh Viễn A, một số địa phương khác trong huyện thường bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn như Lương Nghĩa, Lương Tâm, Vĩnh Viễn, Xà Phiên… cũng tiến hành vận động người dân xuống giống lúa Đông xuân sớm hơn cùng kỳ. Cho nên sẽ có hơn 1.000ha được thu hoạch trước Tết Nguyên đán. Mặt khác, đơn vị còn chủ động triển khai kế hoạch nạo vét nhiều tuyến kênh nội đồng để trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, đồng thời gia cố lại hệ thống cống, đập để sẵn sàng ứng phó với hạn, mặn xảy ra…

Nhiều công trình, sáng kiến hữu hiệu

Tết này, người dân có đất canh tác bên trong tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh không còn lo nước mặn đe dọa mảnh vườn, thửa ruộng của gia đình mình. Bằng chứng là nước mặn với nồng độ từ 12-19,7‰ và kéo dài trong suốt nhiều tháng mùa khô năm 2016 vừa qua không làm xáo trộn đáng kể đến quá trình sản xuất và đời sống của đa số hộ dân định cư dọc theo tuyến đê bao. Đây là công trình đã được Trung ương phê duyệt chủ trương đầu tư, đồng thời thống nhất cho tỉnh khởi công xây dựng kể từ năm 2009.

Hệ thống cống ngăn mặn của dự án đê bao Long Mỹ - Vị Thanh luôn phát huy tác dụng mỗi khi nước mặn về.

Giờ đây, bên trong tuyến đê bao này đâu chỉ có những trà lúa Đông xuân chín vàng mà nhiều vườn cây ăn trái xanh tốt, trĩu quả hứa hẹn cho mùa bội thu. Nhìn về phía xa xa, thấp thoáng nông dân tranh thủ xắn từng trái khóm cân cho thương lái thu mua về bán lại trong phiên chợ tết đang đến rất gần. Gặp chúng tôi khi tất bật tưới nước cho hơn 1ha khóm tơ của gia đình, anh Nguyễn Văn Cường, ở ấp Thạnh Hòa 2, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Nhờ có tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh, cộng với việc ngành chức năng chủ động vận hành đóng mở cống linh hoạt để lấy nước ngọt và ngăn mặn kịp thời nên nông dân có đủ nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất như bây giờ”.

Cùng với giải pháp công trình đang phát huy hiệu quả tích cực là những sáng kiến, cách làm sáng tạo ở các địa phương. Qua đó đã giúp cho công tác ngăn mặn, trữ ngọt được vận hành liên tục, kịp thời, bảo vệ an toàn tuyệt đối trên khu vực canh tác nông nghiệp rộng lớn của người dân. Điển hình như thành phố Vị Thanh có sáng kiến trong việc đắp hàng loạt đập thời vụ ngăn mặn, có gắn cửa van tự động được các cơ quan chuyên môn đánh giá cao về tính hiệu quả và tiết kiệm chi phí cho Nhà nước. Bởi, một đập thời vụ đầu tư theo kiểu này tốn chưa tới 100 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với cống kiên cố, còn tuổi thọ từ 3-5 năm, thay vì mỗi năm mỗi đắp như trước đây.

“Với những hiệu quả từ sáng kiến đập thời vụ của thành phố Vị Thanh mang lại, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã tổ chức cho các địa phương trong tỉnh, cũng như một số tỉnh bạn đến tham quan, học cách làm để về áp dụng tại đơn vị, địa bàn mình. Trên thực tế, có nhiều địa phương đã áp dụng, riêng huyện Long Mỹ sẽ triển khai nhân rộng trước mắt được 22/102 đập theo hình thức sáng kiến của Vị Thanh để phòng, chống trong đợt xâm nhập sắp tới, cũng như đưa vào phục vụ liên tục cho các năm sau”, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh thông tin.

Còn nhớ trong năm 2016, một trong những hoạt động nổi bật của tỉnh là tổ chức thành công Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL. Tại diễn đàn này, Hậu Giang đã đề xuất tổ chức thành công một cuộc hội thảo quan trọng để các đại biểu ở một số bộ, ngành liên quan của Trung ương và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL có dịp bàn sâu về các giải pháp kiểm soát mặn. Tại đây, tỉnh Hậu Giang được đánh giá là một trong những “điểm sáng” của vùng về cách phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn. Qua đó, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm hay. Đáng kể là chia sẻ sáng kiến về mô hình đập thời vụ của thành phố Vị Thanh, đồng thời nhận được sự đồng tình, nhất trí cao từ các đoàn đi tham quan thực tế.

Bóng chiều dần buông xuống, những bông mai vàng đang khoe sắc thắm hai bên đường hòa lẫn niềm vui trong mắt bao người là tiếng nói, cười làm xao động cả đường quê. Xa xa trên dòng kênh Nước Đục, những chiếc đò ngang luôn hối hả đưa rước hành khách khắp nơi trở về thăm quê, đón tết. Trước khung cảnh rộn ràng chuẩn bị chào xuân, ít ai nghĩ rằng, vùng đất nơi đây không ít lần chật vật chống chịu với tình trạng xâm nhập mặn gay gắt, nhưng bây giờ đã thực sự đổi thay nhờ hiệu quả thiết thực đến từ những giải pháp công trình và sáng kiến, cách làm hay do ngành chức năng thực hiện. Để rồi gánh nặng ứng phó với thiên tai xâm nhập mặn trở nên nhẹ nhõm hơn rất nhiều lần, giúp bà con an tâm vui xuân, đón tết…

Tiếp tục nhân rộng cách làm hay

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên cho biết: Để công tác phòng, chống hạn mặn đạt hiệu quả, vào tháng 11 hàng năm, UBND tỉnh đều có ban hành kế hoạch liên quan đến lĩnh vực này để các ngành, các cấp chủ động thực hiện và ứng phó mặn đạt hiệu quả. Các ngành có liên quan cũng luôn tăng cường công tác dự báo, cảnh báo về tình hình và nồng độ mặn từng ngày vào những tháng cao điểm; xây dựng lịch thời vụ xuống giống linh hoạt và riêng cho từng vùng nhằm giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả, tránh thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Có lẽ vì thế mà tại chuyến kiểm tra tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong mùa khô năm 2016 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đánh giá cao về tính hiệu quả của hệ thống đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh, đồng thời khen ngợi chính quyền và nhân dân của tỉnh đã chủ động khắc phục hiệu quả ảnh hưởng của thiên tai. Đặc biệt, Hậu Giang đã có cách làm sáng tạo khi làm đập thời vụ để ngăn và kiểm soát mặn với kinh phí thấp mà hiệu quả nên đề nghị tỉnh cần tiếp tục nhân rộng cách làm này.

TUẤN PHÁT

Viết bình luận mới

Xem thêm

Hội viên nông dân tham dự tập huấn phân loại rác tại nguồn

17:14 31/10/2024

(HG) - Sáng ngày 31-10, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Hội Nông dân tỉnh và UBND thị xã Long Mỹ tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn phân loại rác tại nguồn và triển khai Đề án Hậu Giang xanh cho 85 hội viên hội nông dân trên địa bàn thị xã Long Mỹ.

Bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường

09:12 31/10/2024

​​​​​​​Xác định tiêu chí môi trường là tiêu chí quan trọng góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo mỹ quan sáng - xanh - sạch - đẹp, xã Trường Long A (huyện Châu Thành A) luôn quan tâm, coi trọng việc bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường.

Nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu

08:36 31/10/2024

​​​​​​​(HG) - Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh không ngừng xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu;

3.107 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm thực hiện ngừng nuôi hoặc di dời đến nơi phù hợp quy hoạch

08:34 31/10/2024

(HG) - Qua rà soát, cập nhật hiện trạng và vận động hộ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản thực hiện xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, UBND huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với UBND cấp xã thường xuyên rà soát,

Chuyển giao xử lý 43.971kg bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng

08:33 31/10/2024

(HG) - Tính đến nay, tổng khối lượng thu gom, chuyển giao xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh khoảng 43.971kg.

Đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ môi trường

08:00 31/10/2024

Nhằm nâng cao nhận thức người dân chung tay bảo vệ môi trường, hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2024,

Truyền thông về bảo vệ môi trường cho 100 hội viên nông dân

09:26 29/10/2024

​​​​​​​(HG) - Nhằm nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường, mới đây thành phố Vị Thanh đã phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường,

Giông lốc làm tốc mái trường học và nhà dân ở huyện Châu Thành A

09:21 29/10/2024

​​​​​​​(HG) - Thông tin nhanh từ Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện Châu Thành A, vào khoảng 10 giờ ngày 28-10,

Triều cường gây ngập nhiều diện tích cây trồng

17:11 21/10/2024

(HG) - Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện triều cường dâng cao kết hợp với mưa lớn gây ngập úng trên nhiều loại cây trồng.

Nhiều mô hình bảo vệ môi trường góp phần xây dựng nông thôn mới

16:06 21/10/2024

​​​​​​​Bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp chính quyền và Nhân dân để góp phần xây dựng NTM.

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Khai mạc Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam năm 2024

18:35 02/11/2024

​​​​​​​(CTO) - Sáng 1-11, lễ khai mạc Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam năm 2024 diễn ra tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, số 108A đường Lê Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Sự thật lịch sử về vùng đất Nam Bộ của Việt Nam

18:32 02/11/2024

Trong những năm gần đây, các hội nhóm Khmer Campuchia Krom như: Liên đoàn Khmer Campuchia Krom (KKF) và các đối tượng phản động người Khmer lưu vong thường xuyên tuyên truyền, xuyên tạc về vùng đất Nam bộ của Việt Nam,

Thí sinh Hậu Giang giành cú đúp giải thưởng tại Gala "Tài tử Phương Nam", "Tài tử Miệt vườn"

17:20 02/11/2024

(HGO) - Tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, vừa diễn ra Gala "Tài tử Phương Nam", với sự tranh tài của 8 thí sinh xuất sắc nhất vượt qua hơn 500 thí sinh ở các vòng thi để bước vào đêm gala đặc sắc này.

Ông Nghiêm Xuân Thành giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa

15:08 02/11/2024

(HGO) - Chiều 2-11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức Hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ.