Đổi mới, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới

15/08/2024 | 08:14 GMT+7

(HG) - Đó là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW (Chỉ thị số 40) ngày 22/11/2024 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), vào chiều ngày 14-8.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CHINHPHU.VN

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Hậu Giang có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Huyến; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trần Văn Chính cùng các sở, ngành, địa phương.

Từ khi có Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06-KL/TW, tín dụng chính sách đã đi vào cuộc sống của Nhân dân nhanh hơn, đạt hiệu quả tích cực hơn. Góp phần thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển xã hội. Trong đó, nổi bật là giảm tỷ lệ hộ nghèo trong từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25%, giai đoạn 2016-2021 từ 9,88% xuống 2,23%, đến cuối năm 2023 còn 2,93% theo chuẩn nghèo đa chiều.

Trong 10 năm qua, hơn 12,9 triệu lượt khách hàng đã được vay vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm với doanh số cho vay là 536.269 tỉ đồng, chiếm 73,1% tổng doanh số cho vay. Chính sách tín dụng nhằm giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu trong đời sống, hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi để xây dựng, sửa chữa nhà ở, mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng nhà phòng chống bão lụt, xây dựng công trình cung cấp nước sạch, nhà vệ sinh quy mô hộ gia đình, trang trải chi phí học tập cho học sinh, sinh viên, với doanh số cho vay trong 10 năm qua là 152.581 tỉ đồng, chiếm 20,8% tổng doanh số cho vay, với hơn 7,6 triệu lượt khách hàng được vay vốn.

Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40, các địa phương trong cả nước đã chú trọng, quan tâm cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Đến ngày 31-7-2024, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương các cấp đạt 47.350 tỉ đồng, chiếm 12,7%/tổng nguồn vốn, trong đó nguồn vốn nhận ủy thác cấp tỉnh 39.229 tỉ đồng, nguồn vốn nhận ủy thác cấp huyện 8.121 tỉ đồng, tăng 43.542 tỉ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40.

Đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Hậu Giang.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng tín dụng chính sách là điểm sáng, đánh giá cao các cấp, các ngành trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội. NHCSXH thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách. Nguồn vốn chính sách xã hội đã góp phần mục tiêu giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vai trò giám sát của các cấp, tổ chức chính trị xã hội. Bên cạnh đó, vẫn còn những hạn chế, cần rút ra các bài học kinh nghiệm trong thực hiện, nhất là địa phương nào có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt thì nơi đó hiệu quả thực hiện đạt cao. Trong thời gian tới, tiếp tục xác định tín dụng chính sách là quan trọng để thực hiện đạt các mục tiêu của quốc gia, đảm bảo công bằng xã hội. Trên cơ sở đó cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, đổi mới nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, các chiến lược của NHCSXH. Sớm hoàn thiện nghị định tổ chức nâng cao hoạt động của NHCSXH. Mở rộng các hình thức huy động vốn, nâng mức cho vay để thực hiện tốt tín dụng chính sách.

T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>