Tìm giải pháp phát triển bền vững vùng ĐBSCL

15/05/2024 | 16:20 GMT+7

(HGO) - Ngày 15-5, tại thành phố Cần Thơ, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ và Viện Nghiên cứu - Phát triển Kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức hội thảo với chủ đề “Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Chủ tọa hội thảo.

Ông Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng cho rằng, ĐBSCL là khu vực dễ tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Cả vùng hiện có hơn 800 khu vực sạt lở, với tổng chiều dài hơn 1.000km; trung bình mỗi năm mất từ 300-500ha đất do lở bờ sông, bờ biển. Tính riêng tỉnh Cà Mau, từ năm 2011 đến nay, địa phương này đã có hơn 350km bờ biển bị sạt lở, làm mất hơn 5.300ha đất sản xuất, đất ở và rừng ngập mặn. Còn từ đầu mùa khô năm 2024 đến thời điểm hiện tại, hạn mặn đã làm hơn 50.000 hộ dân ở ĐBSCL bị thiếu nước sinh hoạt; gần 1.000 tuyến đường, bờ kênh, nhà ở, kho xưởng, cầu giao thông bị hư hỏng, đổ sập do sụt lún, sạt lở; hàng trăm héc-ta rừng bị cháy rụi… Vấn đề hiện nay là tìm ra các giải pháp phù hợp, hữu hiệu nhất, nhằm nâng cao khả năng thích ứng với thiên tai, hạn mặn, thiếu nước ngọt; đồng thời kéo giảm được thiệt hại do các tác động này gây ra.

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, nhấn mạnh: Với tầm quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nên thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã dành sự quan tâm lớn, có nhiều chủ trương, chính sách để tháo gỡ khó khăn, phát huy thế mạnh, tiềm năng của vùng. Trong đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc triển khai thực hiện nghị quyết này trong những năm qua đã và đang đem lại nhiều kết quả tích cực, góp phần hóa giải được nhiều thách thức trong sản xuất nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nói chung. 

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, nước biển dâng, nguồn nước ngầm suy giảm và sự hình thành nhiều đập thủy điện ở khu vực thượng nguồn sông Mekong khiến vùng ĐBSCL đối mặt với sụt lún, sạt lở đất, hạn mặn, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt ngày càng nghiêm trọng. Đáng lo ngại hơn, sản lượng lương thực của vùng đang có chiều hướng suy giảm, sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia. Trong tương lai, vùng ĐBSCL có nguy cơ chìm dưới mực nước biển…

Đông đảo đại biểu tham dự hội thảo.

Thực tế trên đặt ra yêu cầu, ngay lúc này cần phải có giải pháp cấp bách, căn cơ, kịp thời để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tại hội thảo, cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm từ các nhà khoa học, ngành chức năng nhằm phát triển ĐBSCL bền vững trong thời gian tới…

 

Tin, ảnh: H.THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>