Vùng mặn đổi đời

10/09/2024 | 09:06 GMT+7

Người dân có ruộng nằm ngoài đê bao ngăn mặn ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, đã có thêm nguồn lợi mới từ việc nuôi tôm quảng canh theo hướng “thuận thiên”. Mô hình vừa nhẹ chi phí đầu tư nhưng hiệu quả mang lại gấp 2-3 lần so với trồng lúa.

Tôm thẻ, tôm sú và tôm càng xanh là những loại được nông dân chọn thả nuôi quảng canh. Anh Trần Bảo Bình phấn khởi vì tôm nuôi đạt hiệu quả.

Sau khi thu hoạch xong lúa Đông xuân, người dân sẽ cho nước mặn vào ngâm cho rã gốc rạ. Tiếp đến là xử lý ruộng rồi canh nồng độ mặn phù hợp sẽ bắt đầu thả tôm giống.

Thay vì sản xuất vụ lúa Hè thu kém hiệu quả, từ năm 2023, nhiều nông dân xã Lương Nghĩa đã chuyển sang nuôi tôm quảng canh, với lợi nhuận gấp 2-3 lần trồng lúa.

Thức ăn của tôm chủ yếu là tự nhiên nên sau khi trừ chi phí (con giống, cải tạo ao…) nông dân đạt lợi nhuận trung bình trên 10 triệu đồng/ha.

Hiện toàn xã Lương Nghĩa có khoảng 170 hộ tham gia nuôi tôm quảng canh, tương đương 140ha. Tôm nuôi từ 3 đến 4 tháng là có thể cho thu hoạch.

Bà con nuôi tôm còn được cái lợi lớn là tốn rất ít chi phí trong khâu làm đất, cũng như phân, thuốc trong vụ lúa Đông xuân sau đó.

Tôm sú đạt trọng lượng khoảng 30 con/kg đang được nông dân bán cho thương lái với giá 170.000 đồng/kg.

Theo kế hoạch, huyện Long Mỹ sẽ vận động bà con nơi đây thực hiện mô hình tôm - lúa, nâng diện tích nuôi tôm “thuận thiên” ở huyện lên khoảng 500ha.

H.THANH - M.TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>