Nỗi buồn từ bản cam kết không thi lớp 10 và chuyện phân luồng...

20/05/2024 | 09:39 GMT+7

- Bà Tám, hồi đó bà học tới lớp mấy ?

- Tui học tới cẳng đau mới nghỉ.

- Gì cẳng đau trời ?

- Cẳng đau là cao đẳng đó.

- Đừng có nói dóc tui nghe, bà hay nói hồi đó đi học không nhiều, giờ muốn con cháu học hành thành đạt, vậy mà giờ nói học tới cao đẳng, dóc tổ.

- Ai ở đời không có mơ ước, ông đừng có đập tan mơ ước người ta nghen.

- Thiệt tình...

- Ủa, có gì mà ông thở dài, hỏi chuyện học hành chi vậy ?

- Ngày xưa thầy cô lại nhà năn nỉ tui đi học mà không thèm, giờ trường lớp nhiều tụi nhỏ muốn học chưa chắc được.

- Nói bậy nói bạ, bị công an phường mời lên uống trà bây giờ. Đi học là chuyện khuyến khích, ai đâu mà không cho đi học.

-  Bà không nghe chuyện có mấy trường học “ép” học sinh không thi vào lớp 10 công lập hay sao ?

- Có chuyện đó sao, mắc gì ép không cho tụi nhỏ đi thi ?

- Chắc ít nhiều liên quan đến thành tích rồi. Kỳ thi vào lớp 10 do sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành tổ chức, thi xong sẽ có danh sách bao nhiêu học sinh đỗ vào THPT công lập, biết trường nào đỗ cao, đỗ thấp. Nếu học sinh trung bình không thi thì chắc chắn trường đó cơ hội lên “tốp ten, tốp mỡ” đồ.

- Hay đó là định hướng phân luồng ? Đừng có chửi nhà trường tội nghiệp.

- Luồng đâu mà luồng. Phân luồng là chỉ tuyển 70% các em hết lớp 9 vào các trường THPT, 30% còn lại sẽ đi học nghề, học thường xuyên nói chung. Còn cái này là bắt các em cam kết, có cha mẹ ký tên với nội dung không được đăng ký dự thi vào các trường THPT công lập. Nó khác hoàn toàn phân luồng.

- Chướng ôn chướng dịch vậy trời, làm cái này coi chừng vi phạm pháp luật chớ chẳng chơi à.

- Nghe đâu các trường hợp đó cũng bị xử lý, kiểm điểm rồi.

- Các cháu muốn đi thi cứ cho tụi nó đi, thử sức mình, để biết khả năng, với ở độ tuổi các cháu, mới xong lớp 9 đều muốn được như bạn bè, nếu thi bị rớt sẽ dễ chấp nhận. Còn mình không cho đi thi thì câu chuyện khác nữa, làm vậy các cháu sốc và tâm lý nặng nề lắm. Đó là quyền lợi chính đáng, ai đâu mà cấm cản kỳ cục kẹo ghê, nghe mà thiệt tức cái lồng ngực.

- Mà chuyện phân luồng hiện giờ còn những điều băn khoăn, đó là cơ sở vật chất, nhân lực giảng dạy hầu như trung tâm nào cũng thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu của người học, yêu cầu đổi mới nữa.

- Do đó, ở góc độ nào đó rất khó thuyết phục được phụ huynh và các em đến đây học hành, nên mới có tình trạng nhiều trung tâm giờ tới mùa tuyển sinh là bị... “ế nhệ”.

- Tui nghĩ đừng chỉ đổ thừa tâm lý “thích làm thầy hơn làm thợ”, mà phải xem các cơ sở, trung tâm đáp ứng được nhu cầu thực tế hay chưa ?

- Có nhiều em sau khi học xong THCS, đâu có đi theo cái luồng được phân đâu, rất nhiều trường hợp đi làm, gia nhập thị trường lao động khi chưa đủ tuổi, kiếm tiền sớm, nói ra thì cũng có cái lợi là đỡ đần gia đình này nọ nhưng hệ lụy về sau lắm, nhất là khi kinh tế khó khăn, doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt, các em bị mất việc, rồi không nghề, không bằng cấp, không biết làm gì.

- Giờ nói phân luồng, nhưng biết có đi đúng luồng hay không hay đi luồng nào khác nữa mà ngành giáo dục và đào tạo khó mà quản hết...

BÀ TÁM, ÔNG TƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>