Tích cực phòng, chống thiên tai

27/06/2024 | 10:05 GMT+7

Từ đầu năm đến nay, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn ra gay gắt, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn. Tuy nhiên, với sự tích cực triển khai hiệu quả nhiều giải pháp nên hiện Hậu Giang chưa ghi nhận thiệt hại lớn do thiên tai gây ra cho người dân.

Nhờ triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp trọng tâm nên tình hình hạn hán, xâm nhập mặn từ đầu năm đến nay không gây thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp của người dân.

Thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp

Hậu Giang là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng và bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, nhiều loại hình thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp; đặc biệt là tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông ngày càng gay gắt và nghiêm trọng khó lường. Cụ thể, nước mặn xâm nhập theo hướng triều cường biển Tây với nồng độ cao nhất tại huyện Long Mỹ là 13,3‰, tại thành phố Vị Thanh là 12,6‰; còn độ mặn theo triều biển Đông trên sông Cái Côn, huyện Châu Thành là 1,3‰.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Trước tình hình xâm nhập mặn diễn ra gay gắt và kéo dài, do đó, thực hiện theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT tỉnh đã chủ động rà soát, thống kê diện tích các loại cây trồng có khả năng bị ảnh hưởng bởi hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, từ đó đưa ra dự báo, cảnh báo diễn biến tình hình hạn, xâm nhập được kịp thời để người dân phòng ngừa hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí lịch thời vụ xuống giống vụ lúa Đông xuân 2023-2024 và vụ Hè thu 2024 hợp lý, đồng thời triển khai các giải pháp phù hợp để ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn gây ra.

Ngành chức năng tỉnh đã và đang khẩn trương khắc phục tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp.

Qua rà soát của ngành nông nghiệp tỉnh, trong mùa khô năm nay, trên địa bàn tỉnh nằm trong vùng nguy cơ xâm nhập mặn, ảnh hưởng hạn hán có tổng diện tích ước tính là khoảng 50.000ha đến 60.000ha, bao gồm vụ lúa Đông xuân 2023-2024, vụ Hè thu 2024 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Long Mỹ, huyện Vị Thủy, một phần huyện Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ và thành phố Vị Thanh.

“Mặc dù diện tích cây trồng, vật nuôi nằm trong vùng nguy cơ xâm nhập mặn, ảnh hưởng hạn hán là rất lớn; tuy nhiên, nhờ công tác phối hợp tốt với tinh thần chủ động của ngành chức năng các cấp cùng bà con nông dân, đặc biệt là hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh được quản lý, vận hành, khai thác theo tình hình thực tế của từng địa phương nên đến nay Hậu Giang chưa có diện tích cây trồng, nuôi thủy sản bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra”, ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, phấn khởi thông tin.

Ngoài việc chưa ghi nhận thiệt hại trong sản xuất do hạn hán, xâm nhập mặn thì một điểm đáng ghi nhận khác là tình hình nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho người dân trong mùa khô vừa qua trên địa bàn tỉnh được đảm bảo. Theo đó, từ cuối năm 2023, các ngành chức năng có liên quan của tỉnh đã chủ động xác định những vùng có khả năng bị mặn xâm nhập làm thiếu nước sinh hoạt cho người dân, trong đó tập trung chủ yếu ở thành phố Vị Thanh, thị xã Long Mỹ, huyện Long Mỹ và một phần của huyện Phụng Hiệp, huyện Vị Thủy với tổng số khoảng 2.174 hộ dân.

Từ việc xác định trên, Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp chặt chẽ với Công ty Cổ phần Cấp nước và Vệ sinh môi trường nông thôn Hậu Giang, cùng Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang sớm triển khai kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các tuyến ống, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn; đồng thời quản lý các trạm cấp nước dự phòng (nước dưới đất) và trạm lấy nước từ 8.000 (huyện Châu Thành A) để chủ động ứng phó khi có hạn, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng theo dự báo. Nhờ vậy, nguồn nước ngọt trong sinh hoạt luôn đảm bảo cho người dân.

Cùng với hạn hán, xâm nhập mặn thì tình hình sạt lở bờ sông cũng tạo ra nhiều nỗi lo cho ngành chức năng và người dân trong tỉnh, nhất là tại huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 22 điểm sạt lở bờ sông; chiều dài sạt lở 610m; diện tích mất đất 2.950m2; ước thiệt hại hơn 3 tỉ đồng.

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, chia sẻ: Mặc dù tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay diễn ra gay gắt, khó lường, nhưng so với cùng kỳ vẫn giảm về các số liệu. Cụ thể, giảm 21 điểm sạt lở, chiều dài sạt lở giảm 375m, diện tích mất đất giảm 2.544m2, ước thiệt hại giảm 123 triệu đồng. Tuy nhiên, ngành chức năng và người dân không được chủ quan mà phải hết sức cảnh giác với tình hình sạt lở bờ sông và tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về phòng ngừa nhằm hạn chế số vụ và thiệt hại do sạt lở gây ra.

Chủ động hơn trong phòng, chống thiên tai

Theo dự báo của ngành chức năng, tổng lượng mưa trong mùa mưa năm nay tại Nam bộ cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 5-15%, tập trung vào nửa cuối mùa mưa, từ tháng 7 đến tháng 11; đồng thời khả năng sẽ có những đợt mưa lớn kèm theo giông, lốc trên diện rộng và kéo dài nhiều ngày gây ngập úng cục bộ. Số cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông xấp xỉ đến thấp hơn trung bình nhiều năm; trong đó dự báo có khoảng 7-10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, khả năng có 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến khu vực Nam biển Đông.

Trước dự báo về tình hình thời tiết trong những tháng cuối năm nay như trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp trọng tâm trong phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh sẽ hoàn thiện kế hoạch, kịch bản phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp từng địa phương; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực cho lực lượng tham mưu Ban Chỉ huy các ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố để ứng phó kịp thời; nhất là các tình huống bão muộn trên biển Đông đổ bộ vào tỉnh Hậu Giang nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung gây mưa lớn, ngập lụt, giông lốc... Tinh thần ứng phó thiên tai được Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đề ra là đảm bảo tính chuyên nghiệp, luôn luôn sẵn sàng ứng trực, chủ động và kịp thời với các tình huống thiên tai có thể xảy ra.

Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, cho hay: Địa phương đã và đang phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh có kế hoạch sản xuất phù hợp với tình hình thời tiết theo dự báo của ngành chức năng vào từng thời điểm cụ thể nhằm giảm thiệt hại do thiên tai gây ra cho người dân. Bên cạnh đó là tăng cường công tác tập huấn, hội thảo về phòng, chống thiên tai ở các cấp cơ sở cho lực lượng nòng cốt, khi có xảy ra thiên tai thì lực lượng này là người trực tiếp cứu hộ, cứu nạn, khắc phục thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về sản xuất nông nghiệp.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, đề nghị Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cùng các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi trong phòng, chống thiên tai nhằm góp phần giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Chỉ đạo bộ phận chuyên môn tổ chức trực 24/24 giờ, cập nhật thông tin kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra, rà soát các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, có kế hoạch di dời dân đến nơi ở an toàn. Đặc biệt là chuẩn bị phương án huy động nguồn lực theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với các loại hình thiên tai thường xảy ra tại địa phương. Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động thông tin truyền thông, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai, nhất là bảo đảm thông tin về tình hình thiên tai đến được người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng để người dân biết và chủ động phòng ngừa hiệu quả…

Qua rà soát nhanh của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, hiện toàn tỉnh có tổng số đội xung kích cấp xã là 75 đội/75 xã, phường, thị trấn, với tổng số hơn 7.100 thành viên sẵn sàng ứng cứu Nhân dân khi xảy ra thiên tai. Lực lượng nòng cốt của đội xung kích cấp xã là dân quân, công an, đoàn thể, tổ chức xã hội...

 

HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>