Hướng đến sản xuất theo nền tảng logistics

14/12/2018 | 07:50 GMT+7

Nhằm nâng cao giá trị cho các mặt hàng nông sản của tỉnh, đồng thời có sự hợp tác, đầu tư của doanh nghiệp để tạo thị trường đầu ra ổn định, hiện Hậu Giang đang tích cực xây dựng chuỗi giá trị nông sản và định hướng thị trường trên nền tảng logistics. 

Hậu Giang đang kêu gọi nhiều tổ chức trong và ngoài nước đến đầu tư tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh trên nền tảng logistics.

Logistics là một trong những ngành kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam, với mức tăng trưởng hàng năm 16-20%. Theo Bộ Công thương, trong tương lai lĩnh vực logistics thế giới sẽ chuyển dịch trọng tâm về các thị trường đang phát triển tại châu Á nên Việt Nam xác định việc đầu tư vào công nghệ và con người là yếu tố quyết định sự phát triển của lĩnh vực logistics trong tương lai. Với cách tiếp cận logistics là một thành tố quan trọng trong đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị nông sản, nên mới đây tỉnh Hậu Giang đã tổ chức buổi Diễn đàn kinh tế xanh 2018 và quy tụ các đại diện của tỉnh, nhiều nhà đầu tư và đối tác thương mại uy tín trong cả hai lĩnh vực để cùng thảo luận tìm ra giải pháp phát triển chuỗi giá trị nông sản và hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp - nông thôn.

Nhiều tiềm năng

Nằm ở châu thổ sông Mekong, Hậu Giang là một trong những trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam bộ. Tỉnh có thế mạnh về cây lúa và nhiều loại cây ăn trái, có nguồn thủy sản phong phú. Tỉnh nổi tiếng với chợ nổi Ngã Bảy và nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia. Do giáp ranh với thành phố Cần Thơ - trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học kỹ thuật vùng ĐBSCL nên kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội của Hậu Giang rất thuận lợi cho các nhà đầu tư, như: Sân bay quốc tế Cần Thơ; bến cảng quốc tế Cái Cui, Cần Thơ; nhiều trường đại học đa ngành, chuyên ngành, bệnh viện tầm cỡ khu vực; các dịch vụ về khoa học kỹ thuật, tài chính, ngân hàng, kiểm toán, bảo hiểm, dịch vụ thương mại, vui chơi, giải trí, các cơ sở an sinh ở khu đô thị mới, dịch vụ nhà hàng, khách sạn 3-5 sao, văn phòng cho thuê, hệ thống siêu thị, hoạt động nghệ thuật và du lịch sinh thái...

Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ, cho biết: Hậu Giang có hệ thống đường Quốc lộ 1A và Quốc lộ 61 chạy qua và gần sân bay, cảng sông nên có lợi thế xây dựng nền tảng logistics liên kết vùng phục vụ phát triển nông nghiệp. Trong đó, có thể nghiên cứu phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và hình thành các khu nông nghiệp đô thị. 

Ngoài hệ thống giao thông, Hậu Giang có mạng lưới sông rạch rất thuận lợi với trục giao thông thủy quan trọng là sông Hậu - một trong hai nhánh sông lớn của sông Mekong và đây là trục đường chính vào cảng quốc tế Cái Cui. Bên cạnh đó, kênh xáng Xà No dài gần 40km, chạy xuyên qua Hậu Giang và kết nối với sông Hậu. Hiện kênh này đã trở thành một tuyến vận tải thủy quan trọng chuyên chở lúa gạo và các sản vật của miền đất trù phú này tới các tỉnh trong khu vực. Ngoài ra, tỉnh còn có kênh Quản lộ Phụng Hiệp nằm trong hệ thống đường thủy quốc gia từ Thành phố Hồ Chí Minh xuyên đồng bằng đổ ra Biển Tây, nối các tỉnh ĐBSCL với các nước Đông Nam Á.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, tỉnh có những lợi thế chiến lược trong phát triển về nông nghiệp, với trên 140.000ha đất nông nghiệp, sản phẩm chủ lực là lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái, mía đường… Tuy nhiên, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chưa thực sự phát triển, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 vào trong sản xuất và phát triển về hệ thống logistics trong chuỗi giá trị nông sản ở Hậu Giang vẫn còn là tiềm năng. Do đó, trên bước đường đi tới, Hậu Giang mong muốn hợp tác phát triển có hiệu quả với các tỉnh bạn, các tổ chức quốc tế và bè bạn gần xa. Đến với Hậu Giang, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án.

Những định hướng lớn

Từ việc có nhiều tiềm năng và Hậu Giang mong muốn nâng cao giá trị cho các mặt hàng nông sản để tạo nguồn thu nhập cao cho nông dân trên nền tảng logistics và sẽ trở thành một trong những tỉnh thành công nhất của vùng ĐBSCL về thực hiện logistics. Chính vì vậy, tại Diễn đàn kinh tế xanh 2018 vừa được tỉnh tổ chức, nhiều diễn giả trong và ngoài nước đã có những chia sẻ kinh nghiệm, cách làm để giúp cho tỉnh trong thực hiện logistics.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn, cho biết: Hiện tỉnh Hậu Giang đã thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Long Mỹ với diện tích 5.200ha, cũng như có nhiều chính sách hỗ trợ người dân và các nhà đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp. Cách làm này nằm trong những nỗ lực phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của địa phương, giúp Hậu Giang bắt kịp và vượt lên các tỉnh trong khu vực miền Tây Nam bộ và cả nước.

Ông Tôn Nham, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Trung Quốc - ASEAN, chia sẻ: Có nhiều điều cần thống nhất để đưa được nông sản vào Trung Quốc. Trước hết là thông tin phải rõ ràng, có thương hiệu, có chất lượng, có sức cạnh tranh, đảm bảo sức khỏe (sản phẩm sạch, tươi), cách làm sáng tạo, bao bì, đóng gói hấp dẫn người tiêu dùng, có sự quản lý tốt của nhà nước, liên minh, liên kết các nhà sản xuất, nhà cung cấp tài chính… Để nông sản từ Việt Nam nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng vào Trung Quốc thì cần phải có hệ thống logistics không chỉ xuất tiểu ngạch mà phải đi chính ngạch.

Ông Lee Yong Kyun, Giám đốc điều hành Lavifood (Hàn Quốc), đưa ra gợi ý: “Hiện ngành rau củ quả thế giới, các mặt hàng được chế biến chiếm khoảng 30%, như: đóng lon, sấy khô, nước ép… trong khi Việt Nam chế biến còn rất thấp, mới chỉ khoảng 4%. Nhu cầu tiêu thụ rau củ quả trung bình của người Việt Nam là 152 kg/người/năm, thấp hơn so với thế giới là 175 kg/người/năm. Dự báo đến năm 2030, mỗi người Việt Nam sẽ tiêu thụ 190 kg/người/năm, tương đương 19,4 triệu tấn mỗi năm. Do đó, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang nên tính toán vấn đề này”.

Ngoài gợi mở những định hướng lớn từ nhiều diễn giả trong và ngoài nước thì tại diễn đàn, lãnh đạo tỉnh đã nêu lên nhiều chương trình, đề án đã và đang được tỉnh thực hiện trong xây dựng chuỗi giá trị nông sản trên nền tảng logiistics. Điển hình là dựa vào thế tiền sông, hậu lộ của hệ thống giao thông thủy sông Hậu, cầu Cần Thơ và các trục lộ chính đi qua, tỉnh Hậu Giang đã xây dựng Khu đô thị - Công nghiệp Sông Hậu quy mô diện tích 3.275ha; Cụm công nghiệp Tân Phú Thạnh quy mô diện tích 201ha; Cụm công nghiệp Vị Thanh quy mô diện tích 53ha; Cụm công nghiệp Ngã Bảy quy mô diện tích 25ha. Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng một số chuỗi giá trị các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, như: lúa, chanh không hạt, mía, rau màu, thủy sản. Còn trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh cũng đang sản xuất lúa chất lượng cao, thủy sản nước ngọt, chăn nuôi, nấm và chế phẩm vi sinh.

Ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thẳng thắn nhìn nhận: Nền nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang tuy giàu tiềm năng nhưng mới chỉ bước những bước đi ban đầu, chưa thể tham gia sâu vào những khâu có giá trị gia tăng cao của chuỗi giá trị nông sản. Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra từng ngày, từng giờ, làm thay đổi tư duy và phương thức sản xuất trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp thì tôi nhận thức rằng, mặc dù nền nông nghiệp của tỉnh nhà còn ở mức tiềm năng, chưa được khai thác đúng kỳ vọng, nhưng ở khía cạnh đầu tư, đây lại là lợi thế lớn nếu chúng ta quyết tâm đi những bước thật nhanh, chính xác và đúng hướng để đón đầu xu thế của thế giới, xu thế phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị nông sản dựa trên nền tảng logistics.

Cũng theo ông Châu, hội tụ và lan tỏa, hợp tác để cùng phát triển và thành công là xu thế tất yếu trong thế giới hiện đại. Để đạt được mục tiêu kỳ vọng và có phần tham vọng là xây dựng thành công một Hậu Giang xanh, trở thành trung tâm nông nghiệp của cả khu vực ĐBSCL thì tỉnh rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương và sự hợp tác, liên kết của các địa phương, các tổ chức, các chuyên gia, nhà đầu tư và doanh nghiệp trong, ngoài nước. Hậu Giang cam kết bằng sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành và địa phương trong tỉnh, sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các tổ chức, các nhà đầu tư và doanh nghiệp thật sự thuận lợi khi đến đầu tư với Hậu Giang...

Tại Diễn đàn kinh tế xanh 2018, lãnh đạo UBND tỉnh, một số ngành liên quan của tỉnh và lãnh đạo các địa phương trong tỉnh đã thực hiện ký kết 11 bản ghi nhớ với một số viện, tổ chức nước ngoài, ngành ngân hàng trong thực hiện nhiều chương trình, dự án nhằm xây dựng chuỗi giá trị nông sản và định hướng thị trường trên nền tảng logistics cho Hậu Giang trong thời gian tới.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>