Mở hướng cho nền kinh tế xanh

04/02/2019 | 11:09 GMT+7

Phát triển kinh tế xanh trên nền tảng logictics được xem là hướng đi vững chắc cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có thế mạnh ở Hậu Giang. Đây cũng là hướng mở cho vùng đất tiềm năng trở mình...

Ông Lữ Văn Hùng (giữa), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, tặng hoa chúc mừng lãnh đạo ngành Trung ương, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp.

Vùng đất giàu tiềm năng

Nằm ở châu thổ sông Mekong, Hậu Giang là một trong những trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam bộ. Tỉnh có thế mạnh về lúa và nhiều loại cây ăn trái, có nguồn thủy sản phong phú. Do giáp ranh với thành phố Cần Thơ - Trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học kỹ thuật vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nên kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội của Hậu Giang rất thuận lợi cho các nhà đầu tư. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Hậu Giang có những lợi thế chiến lược trong phát triển kinh tế, với trên 140.000ha đất nông nghiệp, sản phẩm chủ lực là lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái, mía đường… Tuy nhiên, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chưa thực sự phát triển, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 vào trong sản xuất và phát triển về hệ thống logictics trong chuỗi giá trị nông sản ở Hậu Giang vẫn còn là tiềm năng.

Thời gian gần đây, tỉnh đã có những chủ trương, chính sách được coi là đột phá nhằm đưa Hậu Giang bứt phá đi lên, phát triển xứng tầm với tiềm năng. Tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó có việc xác định lại thứ tự ưu tiên: thủy sản, rau quả, lúa gạo… cũng như đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là sự cụ thể hóa những chủ trương, chính sách và quyết tâm đó. Tỉnh đã thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Long Mỹ với diện tích 5.200ha, cũng như có nhiều chính sách hỗ trợ người dân và các nhà đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp. Việc làm này nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của địa phương, giúp Hậu Giang bắt kịp và vượt lên các tỉnh trong khu vực miền Tây Nam bộ và cả nước.

Khi sản phẩm được chế biến, sơ chế, đóng gói sẽ nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa của Hậu Giang.

Ngoài hệ thống giao thông đường bộ, Hậu Giang có mạng lưới sông rạch rất thuận lợi với trục giao thông thủy quan trọng là sông Hậu - một trong hai nhánh sông lớn của sông Mekong và đây là trục đường chính vào cảng quốc tế Cái Cui. Bên cạnh đó, kênh xáng Xà No dài gần 40km, chạy xuyên qua Hậu Giang và kết nối với sông Hậu. Hiện kênh này đã trở thành một tuyến vận tải thủy quan trọng chuyên chở lúa gạo và các sản vật của miền đất trù phú này tới các tỉnh trong khu vực. Ngoài ra, tỉnh còn có kênh Quản lộ Phụng Hiệp nằm trong hệ thống đường thủy quốc gia từ Thành phố Hồ Chí Minh xuyên đồng bằng đổ ra Biển Tây, nối các tỉnh ĐBSCL với các nước Đông Nam Á.

Từ năm 1901, tiềm năng về phát triển nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang đã được người Pháp phát hiện và đánh thức bằng việc cho xây dựng hệ thống kênh xáng Xà No - công trình thủy nông lớn nhất Nam kỳ thời đó, đã thực sự trở thành con đường nông sản sôi động nhất của khu vực ĐBSCL. Qua hơn 100 năm sau, nền nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang đã có bước phát triển rất đáng ghi nhận với vùng sản xuất nông nghiệp đa dạng, phong phú, rộng lớn với nhiều nông sản chủ lực và nhiều mặt hàng đặc sản có giá trị khác. Nhất là đang dần hình thành những vùng sản xuất tập trung, những cánh đồng lớn với các tổ hợp tác, hợp tác xã và những nông dân tiên tiến.

Sản xuất theo chuỗi giá trị, trái cây của Hậu Giang sẽ rộng đường xuất khẩu đi các nước.

Ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết nông nghiệp Hậu Giang tuy giàu tiềm năng nhưng chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị nông sản. Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, mặc dù nền nông nghiệp Hậu Giang còn ở dạng tiềm năng, nhưng ở khía cạnh đầu tư, đây lại là lợi thế lớn nếu biết quyết tâm đi những bước thật nhanh, chính xác và đúng hướng để đón đầu xu thế của thế giới, xu thế phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị nông sản dựa trên nền tảng logictics. Nhưng bằng sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành và địa phương trong tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các tổ chức, các nhà đầu tư và doanh nghiệp thật sự thuận lợi khi đến với Hậu Giang.

Nâng cao năng lực logictics

Ông Tôn Nham, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Trung Quốc - ASEAN cho rằng, để nông sản Việt Nam nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng vào Trung Quốc, trước hết là thông tin sản phẩm phải rõ ràng, có thương hiệu, có chất lượng, có sức cạnh tranh, đảm bảo sức khỏe, đặc biệt sản phẩm sạch, tươi. Có cách làm sáng tạo, bao bì, đóng gói hấp dẫn người tiêu dùng, có sự quản lý tốt của Nhà nước, liên minh, liên kết các nhà sản xuất, nhà cung cấp tài chính… Bên cạnh đó, cũng cần phải có hệ thống logictics không chỉ xuất tiểu ngạch mà phải đi chính ngạch. Nếu tỉnh Hậu Giang đầu tư đúng cho logictics - vận chuyển và xây dựng nền nông nghiệp kỹ thuật số thì sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, nhất là gạo và cây ăn trái sẽ chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc và ASEAN. Nếu so sánh sầu riêng Thái Lan và sầu riêng Việt Nam thì sầu riêng Việt Nam rất thơm và đi đường gần hơn để sang Trung Quốc nên người tiêu dùng Trung Quốc đang chọn ăn sầu riêng Việt Nam nhiều hơn.

UBND tỉnh Hậu Giang ký kết hợp tác với các đơn vị tại Diễn đàn Kinh tế xanh 2018.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), song song với nâng cao năng lực logictics và hạ tầng thương mại, Hậu Giang cũng cần quan tâm nhiều hơn đến xây dựng thương hiệu nông sản. Đó là thương hiệu cấp tỉnh, thương hiệu quốc gia. Đặc biệt là khi xuất khẩu phải chú ý đến bảo hộ, chỉ dẫn địa lý. Bên cạnh đó là cần có những nghiên cứu để tăng thời gian bảo quản sản phẩm nhằm đáp ứng xuất đi các nước bằng đường thủy, giảm được chi phí so với vận chuyển bằng đường hàng không.

Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, cho rằng phát triển nông sản theo chuỗi giá trị và trên nền tảng logictics là hai vấn đề cốt lõi hiện nay. Về chuỗi giá trị là mô hình sản xuất kinh doanh mới, định hướng thị trường và lấy thị trường làm thước đo sau đó đặt hàng cho các trung tâm sơ chế, tiếp đến là vùng trồng mà đặc biệt là các hợp tác xã kiểu mới... Lâu nay, nông dân sản xuất mà không cần biết hàng hóa sẽ đi đâu thì nay sẽ biết thị trường của họ ở đâu và đi theo kênh nào. Khi giải quyết được hai vấn đề này thì việc được mùa mất giá hay phải giải cứu nông sản sẽ không còn tồn tại nữa.

Theo ông Thành, khi giải quyết câu chuyện thị trường định hướng chuỗi giá trị trên nền tảng logistics thì người nông dân được nâng cao năng lực sản xuất từ một nông dân thành một nhà cung ứng trong chuỗi giá trị và bước vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua hệ thống logictics. Hậu Giang có 8 đơn vị, tới đây đối với 5 huyện, 2 thị xã thì nên đầu tư 7 trung tâm hỗ trợ nông dân, trong đó có 7 kho nhỏ, mỗi huyện thành lập 10 HTX có công nghệ cao và củng cố lại HTX cũ. Trên nguồn gốc các kho nhỏ kết nối thành tổng kho lớn, như vậy sau một năm sẽ có các tổng kho; 80 HTX và sẽ có đủ hàng tươi cho thị trường nội địa. Song song đó, tiến đến xây dựng nhà máy chế biến thì sản phẩm sẽ đi đến được Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước trên thế giới. Tỉnh cũng cần xây dựng ngay đề án Hậu Giang phát triển kinh tế xanh, củng cố HTX gắn với chuỗi giá trị, logictics, nâng cao năng lực cho lãnh đạo; tổ chức đào tạo cho nông dân, chủ nhiệm HTX.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, đây là mô hình kinh doanh mới lấy thị trường làm thước đo, đặc biệt là ra đời các HTX kiểu mới trên nền tảng công nghệ thông tin và công nghệ cao. Chuyển giao từ sản xuất nhỏ lẻ, rời rạc sang xu hướng thị trường. Khi giải quyết câu chuyện thị trường định hướng theo chuỗi giá trị trên nền tảng logictics thì người nông dân sẽ nâng cao năng lực sản xuất và bước vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua công nghệ thông tin, logictics. Từ đó, xây dựng Hậu Giang thành trung tâm logictics của ĐBSCL, là trung tâm chế biến sâu, là nơi kết nối các tỉnh khu vực Tây sông Hậu, qua đây xây dựng tư duy mới về kinh tế xanh trong nông nghiệp đó là kinh tế số, logictics và chuỗi giá trị. Nếu làm tốt thì 15 năm tới Hậu Giang sẽ bước vào tốp 15 nước xuất khẩu hàng đầu ra thế giới sẽ không còn xa…

Ông Lee Yong Kyun, Giám đốc điều hành Lavifood (Hàn Quốc):

- Hiện ngành rau củ quả thế giới, các mặt hàng được chế biến chiếm khoảng 30% như: đóng lon, sấy khô, nước ép… trong khi Việt Nam chế biến còn rất thấp, mới chỉ khoảng 4%. Nhu cầu tiêu thụ rau, củ, quả trung bình của người Việt Nam là 152kg/người/năm, thấp hơn so với thế giới là 175kg/người/năm. Dự báo đến năm 2030, mỗi người Việt Nam sẽ tiêu thụ 190kg/người/năm, tương đương 19,4 triệu tấn mỗi năm. Do đó, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang nên tính toán vấn đề này. Đặc biệt là thị trường rau, củ, quả của thế giới đang tăng và dự báo tới năm 2021 sẽ đạt 317,1 tỉ USD hàng rau, củ, quả chế biến và 540 tỉ USD rau, củ, quả tươi.

 

Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp Nông thôn - Ban Kinh tế Trung ương:

- Nông nghiệp Việt Nam đã chuyển mạnh từ nhỏ lẻ sang sản suất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học công nghệ giúp tăng trên 30% giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho nông dân. Trong đó, có nhiều mặt hàng chuyển biến rất nhanh như rau quả, thủy sản, đồ gỗ… Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như nông nghiệp phát triển chưa bền vững, quy mô nhỏ, thiếu liên kết, chậm đổi mới tổ chức, khả năng chống chịu còn hạn chế, đầu tư ngân sách nhà nước cho nông nghiệp mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Hệ thống logistics chưa phát triển dẫn đến chi phí cao, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản do vận chuyển chậm. Đây là vấn đề mà Hậu Giang cũng như các tỉnh cần phải tính đến trong thời gian tới.

Ông Martijn Van De Groep, tư vấn kế hoạch phát triển ĐBSCL, Giám đốc Tổ chức Water.nl:

- Dựa vào các dự báo chuỗi cung ứng của thế giới thì các dự án tập trung vào cấp độ là cụm, thị trường và người nông dân. Ở cấp độ cụm, mỗi khu vực cần xác định sản phẩm sản xuất gì trong tương lai, phù hợp với địa phương. Như Hậu Giang nên tập trung vào trái cây và nuôi trồng thủy sản. Ở cấp độ thị trường thì Hậu Giang có hệ thống giao thông, vì thế địa phương nên tận dụng lợi thế này, tuy nhiên cũng cần xem xét hệ thống thông tin quan trắc. Riêng ở cấp độ nông dân thì nông dân là chìa khóa mấu chốt ở khu vực. Giúp họ tăng sản lượng, giảm thiệt hại, cải thiện chất lượng sản phẩm, phải chuyển đổi từ chỗ sản lượng cao chất lượng thấp sang sản lượng cao chất lượng cao. Đồng thời, cần có biện pháp hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường tốt hơn, giáo dục, xây dựng cho họ thông tin đúng đắn về sản xuất và thu hoạch…

 

HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>