Sản xuất an toàn lúa Thu đông

17/07/2019 | 18:09 GMT+7

Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhiều địa phương vùng ĐBSCL trước áp lực mùa vụ xuống giống lúa Thu đông (lúa vụ 3) bởi nhiều yếu tố tác động.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh (bìa trái) đề nghị các địa phương vùng ĐBSCL đẩy mạnh sản xuất giống lúa có phẩm chất gạo tốt trong vụ lúa Thu đông 2019 và Đông xuân 2019-2020.

Nỗi lo thị trường đầu ra

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp nhiều địa phương vùng ĐBSCL, tình hình sản xuất vụ lúa Đông xuân 2018-2019 và vụ Hè thu 2019 gặp nhiều khó khăn về thị trường đầu ra, giá bán, lẫn thời tiết nên làm cho người trồng lúa không có nguồn lợi nhuận hấp dẫn, thậm chí có không ít bà con sau khi bán lúa xong chỉ huề vốn, thua lỗ do năng suất và giá bán ở mức thấp. Chính bị thua lỗ trong sản xuất nên nông dân không mấy mặn mà canh tác vụ lúa Thu đông mà có ý định chuyển sang loại cây trồng khác, từ đó cho thấy lúa vụ 3 năm nay, các địa phương khó đạt diện tích theo kế hoạch mà Cục Trồng trọt đề xuất là toàn vùng ĐBSCL cố gắng duy trì 750.000ha như những năm trước.

Ông Lữ Cẩm Khường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cho biết: Nông dân cũng muốn tiếp tục sản xuất lúa Thu đông nhưng lại lo thị trường đầu ra gặp khó và giá bán thấp. Bởi trên thực tế trong vụ lúa Hè thu đang thu hoạch, giá lúa ở An Giang chỉ dao động từ 3.800-4.400 đồng/kg (tùy giống), thấp hơn cùng kỳ từ 1.000-1.500 đồng/kg. Do giá thấp nên doanh nghiệp ít đi thu mua lúa cho nông dân. Mặt khác, qua khảo sát thực tế thì hiện lượng lúa, gạo còn tồn kho trong doanh nghiệp cũng tương đối nhiều do thị trường xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm 2019 này không mấy thuận lợi, nhất là giảm mạnh ở những thị trường tương đối lớn hàng năm của Việt Nam là Trung Quốc hay Bangladesh. Chính thị trường đầu ra không thuận lợi nên địa phương đang gặp khó trong việc vận động người dân canh tác lúa vụ 3 như những năm trước. Do đó, địa phương đề nghị Bộ NN&PTNT sớm có giải pháp tháo gỡ, nhất là về giá lúa để tạo động lực cho nông dân tiếp tục canh tác lúa vụ 3 nhằm đạt diện tích theo kế hoạch.   

Cùng chia sẻ khó khăn, ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, thông tin: Giá thành sản xuất vụ lúa Hè thu này của nông dân Kiên Giang ở mức khoảng 4.000 đồng/kg, trong khi giá bán của những giống lúa hạt dài như OM 5451, OM 4900 ở mức 4.200-4.250 đồng/kg, riêng giống lúa có phẩm chất gạo thấp như IR 50404 chỉ có 3.800 đồng/kg. Bên cạnh đó, thời tiết trong thời gian gần đây có mưa nhiều đã làm cho không ít diện tích lúa trong giai đoạn thu hoạch của địa phương bị đổ ngã dẫn đến năng suất thấp, tiền thuê thu hoạch tăng. Như vậy, sau khi bán lúa xong thì hầu như bà con chỉ huề vốn sau 3 tháng vất vả ngoài đồng ruộng. Do đó, nhiều nông dân hiện không thiết tha với lúa vụ 3 mà có ý định chuyển sang cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản để thay thế vụ lúa Thu đông.

Trước những khó khăn mà nhiều tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL nêu lên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng: Diện tích xuống giống lúa Thu đông không phải là tiêu chí quan trọng mà yếu tố sản xuất an toàn phải đặt lên hàng đầu nên diện tích sản xuất lúa Thu đông phải đảm bảo ở những nơi có đê bao khép kín nhằm bảo vệ tốt diện tích lúa trước mùa mưa bão. Bên cạnh đó, để đảm bảo việc canh tác lúa của nông dân có được nguồn lợi nhuận thì tới đây Bộ NN&PTNT sẽ sớm làm việc với Bộ Công thương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam để có giải pháp tháo gỡ về tình hình giá lúa đang ở mức thấp như hiện nay nhằm giúp nông dân an tâm sản xuất.

Giảm lúa, tăng rau màu và thủy sản

Do lúa thương phẩm vụ Đông xuân 2018-2019 có giá bán thấp và tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, đồng thời một số vùng do mưa trễ nên vụ lúa Hè thu xuống giống muộn đã ảnh hưởng đến thời vụ gieo trồng cho các mùa vụ sau. Vì vậy, ngay từ vụ lúa Hè thu thì một số địa phương vùng ĐBSCL đã chuyển đổi diện tích đất lúa sang cây trồng cạn có thời gian sinh trưởng ngắn hơn và nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế hơn nhằm đảm bảo lịch thời vụ cho vụ lúa chính trong năm là Đông xuân 2019-2020. Điển hình, tỉnh Kiên Giang chuyển đổi 29.161ha, Vĩnh Long chuyển 18.389ha, Tiền Giang 8.608ha, Long An 5.857ha... Riêng vụ lúa Thu đông, tuy Cục Trồng trọt đề ra phương án giữ 750.000ha của toàn vùng ĐBSCL, thế nhưng để đảm bảo sản xuất mang tính an toàn cho nông dân theo gợi ý của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, các địa phương vùng ĐBSCL đề nghị điều chỉnh diện tích từ 750.000ha xuống còn 700.000ha, giảm khoảng 40.620ha so với vụ lúa Thu đông năm 2018. Trong đó, sẽ thực hiện xả lũ khoảng 30.000ha và chuyển đổi hơn 10.000ha sang cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho hay: Hậu Giang là một trong bốn tỉnh nằm ở vùng phù sa nước ngọt của sông Tiền và sông Hậu nên có điều kiện tương đối thuận lợi cho sản xuất 3 vụ lúa/năm của vùng ĐBSCL. Do đó, địa phương sẽ cố gắng vận động người dân xuống giống lúa Thu đông đạt diện tích theo kế hoạch mà ngành đề ra là 37.000ha, đồng thời phấn đấu đạt 39.000ha. Tất cả diện tích này hiện đều nằm trong vùng có hệ thống đê bao khép kín nên phần nào an tâm trước điều điện sản xuất là mùa mưa, bão. Mặt khác, ngoài phấn đấu đạt diện tích lúa Thu đông thì Hậu Giang còn tập trung khuyến cáo nông dân tăng diện tích nuôi cá ruộng tại những nơi không canh tác lúa vụ 3 nhằm giúp người dân tăng nguồn thu nhập trong thời gian nhàn rỗi. Qua đây, góp phần đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế (GRDP) của khu vực I vào cuối năm và cũng để bù đắp phần nào thiệt hại do bệnh dịch tả heo châu Phi đang gây ra trên địa bàn tỉnh.

Ngoài đề xuất giảm diện tích gieo sạ thì trong vụ lúa Thu đông đang xuống giống, các địa phương vùng ĐBSCL còn tính toán đến việc vận động người dân chọn sản xuất những giống lúa có phẩm chất gạo tốt nhằm đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và thị trường xuất khẩu, từ đó có thể nâng giá bán và đầu ra ổn định hơn. Theo đó, các địa phương sẽ ưu tiên sử dụng giống lúa thơm (chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giống) như: Jasmine 85, nhóm giống ST, nàng hoa 9, VD 20, đài thơm 8; riêng giống lúa chủ lực cho xuất khẩu sẽ chiếm từ 50-60%, gồm giống: OM 5451, OM 6976, OM 7347, OM 4900; đồng thời hạn chế tối đa gieo sạ giống IR 50404 và OM 576.

Hậu Giang phấn đấu đạt diện tích 37.000ha lúa Thu đông tại những vùng có đê bao khép kín.

Bên cạnh thay đổi mạnh về cơ cấu giống lúa thì vụ sản xuất lúa Thu đông được nhận định còn có nhiều yếu tố thuận lợi khác. Chẳng hạn về nguồn nước, Tổng cục Thủy lợi nhận định tiếp tục thuận lợi, không có tác động lớn cho sản xuất. Trong đó, mùa lũ năm 2019 này sẽ ít có khả năng xuất hiện lũ sớm và lũ lớn ở đầu nguồn sông Cửu Long. Dự báo đỉnh lũ năm nay ở mức báo động 1 đến báo động 2, thấp hơn trung bình nhiều năm. 

“Dù diễn biến thời tiết được dự báo là không biến động nhiều nhưng từng địa phương phải rà soát kỹ lại hệ thống đê bao, thủy lợi nhằm đảm bảo ứng phó kịp thời với mưa, lũ. Đồng thời, bố trí thời vụ gieo sạ tại từng nơi, từng tiểu vùng sản xuất sao cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và phải lưu ý đến thời điểm xuống giống chính vụ lúa Đông xuân. Về dịch hại trên cây lúa, lo ngại nhất vẫn là rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá nên các địa phương cần quan tâm phòng, trừ hiệu quả. Bởi dự báo từ tháng 7 đến tháng 9, rầy nâu di trú vào các thời điểm biến động từ ngày 15 đến 22 mỗi tháng, trong đó có thể có đợt rầy di trú mật độ cao vào tháng 7 do lúa Hè thu thu hoạch rộ”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đưa ra những khuyến cáo trong phòng, chống mưa, lũ và phòng trừ dịch hại trong sản xuất lúa đối với các địa phương vùng ĐBSCL.

Qua thống kê của ngành nông nghiệp Hậu Giang, đến ngày 17-7, nông dân địa bàn tỉnh đã xuống giống gần 24.000ha lúa Thu đông, trong đó huyện Châu Thành A gieo sạ hơn 7.500ha, huyện Phụng Hiệp hơn 5.000ha, huyện Vị Thủy hơn 9.000ha và thành phố Vị Thanh hơn 1.000ha. Hiện lúa Thu đông đa phần trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh và đang được nông dân tích cực chăm sóc nên lúa phát triển tốt.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>